Dòng sự kiện:
Cuộc giải cứu 2 thiếu nữ bị bán trong đêm
01/08/2022 19:51:08
Từ những dòng tin nhắn thông báo của 2 nạn nhân, cuộc giải cứu diễn ra thành công, mở ra vụ án mua bán người dưới 16 tuổi ở quy mô liên tỉnh.

Cuộc giải cứu nạn nhân diễn ra thành công, đã mở ra vụ án mua bán người dưới 16 tuổi ở quy mô liên tỉnh. Khi chúng tôi đến xứ Lạng thì công tác truy xét mở rộng vụ án đã và đang được những người lính hình sự nơi biên ải triển khai quyết liệt, với nhiều đối tượng trong đường dây liên tiếp sa lưới.

Thoát hiểm trong gang tấc

Trung tá Nguyễn Hữu Minh (Trạm trưởng Trạm CSGT Tùng Diễn, Phòng CSGT - Công an tỉnh Lạng Sơn) kể lại cuộc gọi trao đổi thông tin phối hợp hành động từ trực ban đơn vị đêm ấy.


Tổ công tác Trạm CSGT Tùng Diễn chặn bắt đối tượng mua bán người.

Anh kể: “Trạm CSGT nơi chúng tôi đóng quân tại km 62, QL1, thuộc địa phận huyện Chi Lăng, nơi có điểm cuối của con đường cao tốc Bắc Giang đi Lạng Sơn. Khoảng 20 giờ 15’ ngày 13-7, tôi tiếp nhận tin báo của đồng chí Dư Trịnh Hoàng Tùng – (Trực ban Phòng CSGT) về việc người dân vừa gọi điện báo tin có 2 cô gái trẻ là con em họ đang bị đối tượng đem bán lên Lạng Sơn. Hiện nạn nhân đã lấy được điện thoại từ tay tên áp tải, trực ban đơn vị đã kết nối Zalo với họ và nhắn tin trao đổi tình hình. Được biết xe đang trên cao tốc hướng về phía Lạng Sơn, tôi lập tức chỉ huy tổ công tác gồm Thiếu tá Nguyễn Việt Toàn; Đại úy Nguyễn Văn Hải; Thượng úy Mai Lâm Hiếu (đều là cán bộ của Trạm) và Hạ sĩ Triệu Văn Ngọc (chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát cơ động - Công an tỉnh Lạng Sơn) triển khai chốt chặn, đón lõng đối tượng tại nút giao nối từ điểm cuối đường cao tốc vào QL1, thuộc địa phận thôn Mạn Đường, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng. Cái khó lúc này là lưu lượng xe cơ giới trên đường còn khá đông, chưa xác định được nạn nhân ngồi trên chiếc xe nào. Theo thông tin các nạn nhân trao đổi với trực ban đơn vị thì họ đang ngồi trên một chiếc xe 7 chỗ. Để xác định chính xác phương tiện cần dừng, chúng tôi đề nghị cán bộ trực ban đơn vị nhắn tin cho nạn nhân, bảo họ chia sẻ vị trí của mình qua Zalo. Nhờ vậy, chúng tôi luôn có vị trí lộ trình di chuyển của họ. Khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày, chiếc xe ô tô 7 chỗ nhãn hiệu Innova, BKS 30A – 97820 đi vào vị trí kiểm soát. Tổ công tác đã ra tín hiệu dừng xe và nhanh chóng áp sát, kiểm tra thấy có 4 người (2 nam, 2 nữ) trên xe. Các cô gái đã thông báo họ chính là người đang bị đưa đi bán. Lập tức các đối tượng áp tải bị khống chế, đưa về Công an huyện Chi Lăng để điều tra, làm rõ”.

Thiếu tá Dương Mạnh Tùng - (Đội trưởng Đội CSHS – Công an huyện Chi Lăng) được lãnh đạo Công an huyện giao nhiệm vụ trực tiếp tiến hành điều tra xác minh sự việc kể: “Chúng tôi tiếp nhận 4 người từ CSGT gồm Nguyễn Xuân Đạt (sinh năm 1978, trú tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội); Hứa Mạnh Cường (sinh năm 2001, trú tại thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn); Nguyễn Ngọc O. – (sinh năm 2006) và Cao Thị X. (sinh năm 2007) đều cùng quê Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Trong đó, O và X đều chưa đủ 16 tuổi. Sau khi làm rõ nội dung sự việc, Công an huyện Chi Lăng đã khởi tố vụ án mua bán người dưới 16 tuổi, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Hứa Mạnh Cường, đồng thời chuyển vụ án đến Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Lạng Sơn để thụ lý theo thẩm quyền”.

Hiện nguyên hình những kẻ buôn bán người

Vẫn theo Thiếu tá Tùng, sự việc bắt đầu từ việc nạn nhân O. kết bạn Facebook với một người tự xưng tên là My ở Hà Nội. Qua trò chuyện, biết O. có nhu cầu tìm việc làm, My bảo O. lên Hà Nội gặp mình. Ngày 11-7, O. cùng X. từ Nam Định lên Hà Nội gặp My, nhưng khi biết My chỉ là môi giới chứ không phải người sử dụng lao động, nên O. và X. không đồng ý làm việc. My liền giới thiệu họ cho một người tên Hiếu, người này đã đưa họ về giao cho một đối tượng tên là Tuấn là quản lý quán Karaoke Linh Nga tại Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Các nạn nhân khai đã bị Hiếu bán cho Tuấn với giá 15 triệu đồng/người. Tại đây, họ bị Tuấn thu điện thoại và giữ lại quán từ ngày 11-7 đến ngày 13-7-2022. Vì O. và X. không chịu làm theo sai bảo của Tuấn, nên Tuấn đã nhắn tin cho Hứa Mạnh Cường về việc muốn nhượng lại 2 tiếp viên nữ với giá 9.000.000 đồng/người.

Tiếp theo, Cường dùng nick Zalo “Cậu bé” của mình để nhắn tin trao đổi với Hoàng Văn Thư (sinh năm 1982, là quản lý quán Karaoke Phú Lộc ở phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn, Lạng Sơn) vì biết người này đang tìm tiếp viên nữ. Qua trao đổi, Thư đồng ý mua lại O. và X. để đưa về phục vụ tại quán karaoke của mình. Thư đã đưa cho Nguyễn Xuân Đạt số tiền 20 triệu đồng rồi nhờ người này lái xe ô tô BKS: 30A-978.20 chở Cường đi Hải Dương mua người. Trên đường đi Hải Dương, Thư nhắn tin cho Đạt yêu cầu khi đến nơi phải gọi điện Zalo có hình ảnh để Thư duyệt ngoại hình của O. và X., nếu đạt thì mới đưa tiền cho Cường để trả cho Tuấn.

Khoảng 19 giờ ngày 13-7, Cường và Đạt đến quán Karaoke Linh Nga, sau khi trao đổi, gọi điện có hình ảnh để Thư duyệt ngoại hình X. và O., Đạt và Cường đã trả số tiền 18 triệu đồng cho Tuấn để mua lại 2 cô gái. Khi giao người, Tuấn đã đưa cho Cường cầm 2 chiếc điện thoại của O. và X. mà tên này đã thu trước đó. Trên đường về Lạng Sơn, biết mình đã bị mua bán, cần thông tin về gia đình để được hỗ trợ, giải cứu, nên X đã nói khéo với Cường, bảo gã cho xin lại điện thoại để thông báo về nơi làm việc cho gia đình yên tâm. Sau khi nhận lại điện thoại, X. đã nhắn tin báo cho gia đình biết về việc mình bị bán. Gia đình X. đã gọi điện báo tin cho Phòng CSGT - Công an tỉnh Lạng Sơn, đồng thời X. đã phối hợp, cung cấp vị trí, tọa độ di chuyển của mình để cuộc chặn bắt giải cứu của Trạm CSGT Tùng Diễn thành công.

Cơ quan Công an lấy lời khai nạn nhân.

Mở rộng truy xét

Mặc dù mới được luân chuyển từ Công an huyện Văn Quan đến giữ cương vị Trưởng phòng CSHS, nhưng Thượng tá Nông Văn Tư đã điều hành trôi chảy công việc ở đơn vị chủ công, mũi nhọn này, vì nơi đây vốn là cái nôi từng bước đưa anh trưởng thành trong nghề điều tra hình sự. Về vụ án mua bán người này, sau khi tiếp nhận thụ lý theo thẩm quyền, Thượng tá Tư đã chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác điều tra mở rộng vụ án. Anh kể: “Ngày 18-7-2022, chúng tôi tiếp nhận thụ lý điều tra theo thẩm quyền vụ án mua bán người dưới 16 tuổi do Cơ quan CSĐT - Công an huyện Chi Lăng chuyển đến. Ngay hôm sau, chúng tôi đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Hoàng Văn Thư và Nguyễn Xuân Đạt về tội Mua bán người dưới 16 tuổi, đồng phạm với bị can Hứa Mạnh Cường đã bị Công an huyện Chi Lăng bắt trước đó. Đáng nói là trong vụ án này, mặc dù nhân chứng, vật chứng đã rất phong phú, nhưng bị can Hoàng Văn Thư vẫn phủ nhận việc giao tiền cho Đạt và Cường để trả cho tên Tuấn ở Hải Dương nhằm mua tiếp viên về phục vụ tại quán của mình, mà cho rằng số tiền 20 triệu đồng là Thư cho Cường vay, để Cường cho các cô X. và O. vay lại để trả nợ tên Tuấn. Đây có thể nói là thủ đoạn chối tội khá lắt léo, nhưng không thể “làm khó” được cơ quan điều tra, vì quá trình điều tra đã thu được chứng cứ vật chất là các đoạn tin nhắn trao đổi giữa các đối tượng trong đồng phạm, phản ánh rất rõ việc chuyển nhượng người cùng số tiền giao dịch.

Ngoài ra, cơ quan điều tra đã thu thập được nhiều tài liệu phản ánh về hoạt động của Hoàng Văn Thư, xác định đối tượng này chuyên môi giới tiếp viên nữ cho các quán karaoke nhằm mục đích thu lợi nhuận, trong đó có sổ sách Thư ghi chép hàng ngày và lời khai của các nhân viên nữ đã và đang làm việc cho Thư chứng minh sự việc đó. Với các tài liệu chứng cứ đã thu thập được, các điều tra viên kiên trì đấu tranh, sử dụng chứng cứ, khai thác triệt để các mâu thuẫn trong lời khai, kết hợp với cảm hóa giáo dục bị can. Kết quả là mới đây, bị can Thư đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của bản thân và đồng bọn. Hiện chúng tôi đang tiếp tục truy xét, mở rộng vụ án để xử lý triệt để các đối tượng có liên quan”.


Bị can Hoàng Văn Thư, Hứa Mạnh Cường vđ Nguyễn Xuân Đạt.

Cạm bẫy việc làm

Hiện nay tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục có những diễn biến phức tạp trong phạm vi cả nước. Trong đó một chiêu thức khá phổ biến được các đối tượng thường sử dụng, đó là “đánh” vào nhu cầu cần việc làm của lao động đến tuổi. Theo Thượng tá Tư, điểm mới trong thủ đoạn của tội phạm mua bán người hiện nay là các đối tượng thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo để tìm kiếm “con mồi”. Khác với trước đây, để tiếp cận và làm quen với nạn nhân, đối tượng phải gặp gỡ trực tiếp để rủ rê, lừa gạt, thì hiện nay ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân, nên công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Đặc điểm hình sự nổi bật của loại tội phạm mua bán người là thường diễn ra dưới hình thức đồng phạm, nghĩa là tội phạm hoạt động có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia.

“Để giữ mình trên mạng, cần phải có tư duy phản biện để nhận ra sự hợp lý hoặc vô lý trong thông tin mà người khác đưa ra. Bên cạnh đó, cần rèn thói quen kiểm chứng nguồn tin qua các kênh khác nhau. Chẳng hạn, khi có nhu cầu tìm việc làm và được hứa hẹn bố trí công việc lương cao, người lao động cần chủ động tìm hiểu thật kỹ thông tin về nơi thuê lao động, nên liên hệ với các cơ quan, đơn vị có chức năng tư vấn, môi giới việc làm được Nhà nước cấp phép, chứ không dễ dãi tin theo những lời rủ rê đến từ bạn bè trên mạng” - Thượng tá Tư khuyến cáo.

“Để phòng tránh cạm bẫy của các đối tượng mua bán người dưới hình thức tìm việc làm, người dân cần chủ động cập nhật thông tin về tình hình an ninh trật tự, các phương thức thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm được đăng tải trên báo chí để nâng cao ý thức cảnh giác. Đặc biệt là phải tự trang bị các kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, không nên dễ dãi tin tưởng vào những thứ đọc được, nhìn thấy hay những lời hứa hẹn “có cánh” đến từ các mối quan hệ trên mạng” - Thượng tá Nông Văn Tư, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn.

Tác giả: Đào Trung Hiếu

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến