Dòng sự kiện:
Cuộc khủng hoảng giá dầu vì xung đột Nga - Ukraine
24/02/2022 15:10:13
Xung đột Nga - Ukraine đẩy nhanh quá trình giá dầu chạm ngưỡng 100 USD/thùng, làm gia tăng áp lực lạm phát và cản trở nền kinh tế thế giới phục hồi.

Theo Oilprice, tính đến 13h ngày 24/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 3 được giao dịch ở mức 96,77 USD/thùng, tăng 4,67 USD/thùng, tương đương 5,07%.

Còn giá dầu thô Brent giao tháng 4 xuyên thủng ngưỡng 100 USD/thùng lên 102,15 USD/thùng, tăng 5,31 USD/thùng, tương đương 5,48%.

"Rủi ro địa chính trị là động lực chính thúc đẩy giá dầu tăng vọt. Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine tạo ra sức ép lớn đối với nguồn cung năng lượng của châu Âu, đẩy giá dầu lên tới hơn 100 USD/thùng", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) trả lời Zing.

Vụ nổ ở thành phố Kharkiv, Ukraine. Ảnh: Twitter.

Làm tê liệt quá trình phục hồi kinh tế

Theo Guardian, hôm 24/2, ​​Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Nga đã phát động "tấn công toàn diện" và các thành phố của Ukraine "đang bị tấn công".

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko cũng xác nhận cuộc tấn công của Nga đã bắt đầu. Trong một tuyên bố được đăng trên mạng xã hội Facebook, ông cho biết: “Cuộc tấn công đã bắt đầu. Vừa có tên lửa vào sở chỉ huy quân sự, sân bay, kho quân sự, gần Kiev, Kharkiv và Dnepr”.

“Đã nghe thấy tiếng súng ở biên giới. Kể từ nay, sẽ có một thực tế địa chính trị mới trên thế giới”, ông nhấn mạnh.

"Giá dầu sẽ tiếp tục biến động do sự không chắc chắn kéo dài bởi xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, nguồn cung từ Iran có thể tăng trở lại khi thỏa thuận hạt nhân Iran được khôi phục", ông Moya tại Oanda nhận định.


Giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng do xung đột Nga-Ukraine leo thang. Ảnh: Reuters.

Thị trường đã có lúc hạ nhiệt nhờ những tiến triển trong thỏa thuận hạt nhân với Iran. Nhưng đà tăng vẫn mạnh mẽ. Chỉ hai năm trước, giá dầu có thời điểm rơi xuống dưới mức 0.

"Giá dầu tăng cao sẽ làm tê liệt quá trình phục hồi kinh tế trên toàn thế giới, bởi nó làm gia tăng áp lực lạm phát", vị chuyên gia cảnh báo.

Nhiên liệu hóa thạch như dầu, than đá và khí đốt hiện đóng góp hơn 80% năng lượng cho thế giới. Cuộc khủng hoảng năng lượng giáng thêm đòn vào tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy chi phí lên cao, trì hoãn các đơn hàng nguyên liệu thô và thành phẩm.

Các nhà kinh tế học cũng đang vẽ ra nhiều kịch bản. Goldman Sachs ước tính giá tăng 50% sẽ kéo lạm phát lên trung bình 60 điểm cơ bản. Trong đó, các nền kinh tế mới nổi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã nâng dự báo giá tiêu dùng toàn cầu tại các nước phát triển trong năm nay lên 3,9%.

Còn theo ông Mark Zandi - nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, giá dầu cứ tăng thêm 10 USD/thùng, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm 0,1 điểm phần trăm vào năm sau đó.

Đẩy nhanh đà tăng

"Giá dầu tăng cao sẽ buộc một số ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nhiều so với những gì họ dự định ban đầu", ông Moya tại Oanda bình luận.

Khi áp lực giá cả cao hơn dự tính, các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đặt ưu tiên chống lạm phát lên trên việc thúc đẩy nhu cầu.

Lạm phát Mỹ tăng cao nhất trong vòng 4 thập kỷ đã tạo cú sốc lan ra mọi lĩnh vực. Ngày càng nhiều nhà kinh tế tin rằng FED (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) sẽ nâng lãi suất 7 lần trong năm nay, tức đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất so với những dự báo trước đó.

"Nếu giá dầu tiếp tục ở trên mức 90 USD/thùng trong suốt mùa hè, những lo ngại về tăng trưởng sẽ dẫn đến một triển vọng kinh tế rất u ám trên toàn cầu", ông nói thêm.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine càng làm gia tăng sự mất cân bằng trên thị trường, đẩy nhanh quá trình giá dầu chạm ngưỡng 100 USD/thùng

Chuyên gia Craig Erlam (có trụ sở ở London)

Còn theo chuyên gia Craig Erlam (có trụ sở ở London), xung đợt Nga-Ukraine đã thúc đẩy xu hướng tăng giá vốn đang sẵn có của giá dầu.

"Giá dầu tăng vọt do nguồn cung bị thắt chặt, khoảng cách giữa sản lượng thực tế của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) và sản lượng mục tiêu ngày càng gia tăng", vị chuyên gia giải thích với Zing.

"Cuộc khủng hoảng ở Ukraine càng làm gia tăng sự mất cân bằng trên thị trường, đẩy nhanh quá trình giá dầu chạm ngưỡng 100 USD/thùng", ông Erlam nói thêm.

Theo ông, ngay từ trước cuộc khủng hoảng giá dầu, nhiều người cho rằng giá có thể chạm ngưỡng 100 USD/đồng, nhưng các sự kiện ở Ukraine chắc chắn sẽ khiến giá dầu cán mốc này sớm hơn.

"Nếu căng thẳng ở Ukraine tiếp tục leo thang, giá dầu sẽ tăng đáng kể và tạo ra những tác động lan tỏa trên toàn thế giới. Lạm phát vốn đã là một vấn đề lớn. Giá xăng dầu tăng kỷ lục bóp nghẹt ngân sách của các hội gia đình", vị chuyên gia cảnh báo.

"Điều này sẽ giáng đòn kép vào nền kinh tế toàn cầu, cản trở quá trình phục hồi sau đại dịch, thậm chí dẫn đến một cuộc suy thoái", ông Erlam nhận định.

"Lạm phát hiện ở mức cao nhất nhiều thập kỷ, chúng ta vẫn không thể đoán được tình hình sắp tới sẽ ra sao. Trong bối cảnh đó, giá năng lượng tăng sẽ là đòn chí mạng đối với nền kinh tế toàn cầu", các nhà kinh tế tại HSBC nhận định trong một báo cáo mới đây.

Tác giả: Thảo Cao

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến