Dòng sự kiện:
Cước vận tải liên tục tăng, cổ phiếu hàng hải mạnh mẽ 'vượt sóng'
10/06/2024 14:33:35
Trong bối cảnh giá cước vận tải liên tục tăng cao, nhóm cổ phiếu hàng hải tiếp tục vượt sóng khi đồng loạt tăng trần với thanh khoản lớn.

Mở cửa giao dịch đầu tiên của tuần mới, thị trường chứng khoán tiếp tục thể hiện xu hướng tích cực khi tiến sát về mốc 1.300 điểm. Ghi nhận tại thời điểm 10h30 phút sáng, chỉ số VN-Index tăng hơn 6 điểm với mức thanh khoản ngang mức trung bình 20 phiên.

Điểm nhấn trong sáng hôm nay, sắc tím đã chiếm ưu thế tại nhóm cổ phiếu vận tải biển với đà tăng trần cùng thanh khoản đột biến của các cổ phiếu VTO, HAH, VOS,... Trong đó, VTO của Công ty CP Vận tải Xăng đầu Vitaco được xem là cổ phiếu tích cực nhất nhóm khi 'trần cứng' tại mức giá 14.000 đồng/cp, đẩy vốn hoá đạt 1.118 tỷ đồng. Tạm dừng phiên sáng, cổ phiếu này đã khớp lệnh gần 1,3 triệu đơn vị và còn dư mua tại giá trần hơn 1,4 triệu đơn vị.

Diễn biến nhóm cổ phiếu vận tải biển trong phiên giao dịch sáng 10/6

Tương tự, cổ phiếu HAH cũng chuyển tím, đạt 47.300 đồng/cp, tương ứng mức vốn hoá hơn 4.800 tỷ đồng. Trong khi đó, cổ phiếu VOS cũng “chạm trần” khi tăng lên mức 19.150 đồng với trên 4 triệu đơn vị được sang tay.

Đà tăng của nhóm cổ phiếu hàng hải nói chung và cổ phiếu VTO nói riêng diễn ra trong bối cảnh giá cước vận tải đang tăng 'chóng mặt'.

Cụ thể, tuần qua, chỉ số Container Thế giới của Drewry (WCI) đã tăng 12%, đạt mức 4.716 USD/container 40 feet (FEU), tương ứng mức tăng 181% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chỉ số vận tải container Thượng Hải (SCFI) vào ngày 7/6 ghi nhận ở mức 3.184,87 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 8/2022.

Lý giải đà tăng của giá cước vận tải, Ngân hàng HSBC cho rằng, việc định tuyến lại các tàu từ Biển Đỏ qua Mũi Hảo Vọng đã gây ra tình trạng thiếu công suất, tắc nghẽn cảng ngày càng tăng và nhu cầu tăng cao. Tất cả góp phần thúc đẩy sự gia tăng đột biến về giá vận chuyển container giao ngay trên các tuyến đường chính.

Cũng theo HSBC, các nhà phân tích đã đánh giá thấp thời điểm và sức mạnh của mùa cao điểm trước đó trong các chuyến vận tải đường dài. Điều này đã thúc đẩy đà tăng giá gần đây của giá cước vận tải container giao ngay.

Đồng quan điểm, các nhà phân tích của Drewry, công ty tư vấn và nghiên cứu hàng hải có uy tín toàn cầu tin rằng, giá cước vận chuyển hàng hóa bên ngoài Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng vào tuần tới do bắt đầu mùa cao điểm sớm.

Triển vọng của các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam được dự báo sẽ sáng cửa trong nửa cuối năm 2024

Từ bối cảnh trên, giới phân tích đồng thuận rằng, triển vọng của các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam sẽ sáng cửa trong nửa cuối năm 2024. Nhóm nghiên cứu của Chứng khoán Tiên Phong (TPS Research) đánh giá, các công ty vận tải biển sẽ được hưởng lợi nhờ áp lực lạm phát trên toàn cầu hạ nhiệt và nhu cầu tại thị trường Trung Quốc phục hồi khi những chính sách hỗ trợ nền kinh tế đã bắt đầu 'thẩm thấu'.

Mặt khác, hoạt động thương mại khu vực châu Á cũng được dự báo sẽ tăng trưởng ổn định trong 2024. Thêm vào đó, giá cước neo cao sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp vận tải biển có hoạt động cho thuê tàu như Xếp dỡ Hải An (HAH).

Đồng quan điểm với TPS Research, các chuyên gia của VinaCapital cũng kỳ vọng sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục sau năm 2024. Theo đơn vị này, nền kinh tế mạnh mẽ của Mỹ đang thúc đẩy xuất khẩu trên khắp châu Á. Trong quý I/2024, nhập khẩu của nước này đã tăng 7% và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm .

VinaCapital cho hay, vào tháng 4 vừa qua, chỉ số đơn đặt hàng mới PMI các thị trường mới nổi toàn cầu của S&P đạt mức cao nhất trong hơn 3 năm, trong đó số lượng đơn đặt hàng mới ở Việt Nam đạt mức cao nhất trong gần 2 năm.

Tương tự, Chứng khoán SSI đánh giá, ngành logistics có thể phục hồi về sản lượng nhờ hoạt động sản xuất đang gia tăng, từ đó làm giảm áp lực lên giá cước trung bình. Bên cạnh đó, chi phí nhiên liệu giảm cũng là một yếu tố tích cực.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến