Dòng sự kiện:
Cuối năm, nhu cầu thanh khoản tăng cao tại các ngân hàng
29/12/2017 07:31:21
Mặt bằng lãi suất từ đầu tháng 11 đến nay có dấu hiệu đi lên trước nhu cầu thanh khoản gia tăng tại các ngân hàng.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kịp thời hỗ trợ thanh khoản và cung ứng vốn cho hệ thống qua việc bơm ròng trên thị trường mở cũng như tích cực mua dự trữ ngoại hối, từ đó giúp lãi suất hạ nhiệt.

Nhu cầu thanh khoản gia tăng tại các ngân hàng. Nguồn: internet.

Áp lực thanh khoản cuối năm là tất yếu

Càng về gần cuối năm, thanh khoản của các ngân hàng càng căng thẳng là điều thường thấy. Đặc biệt trong năm nay với thị trường chứng khoán và bất động sản tăng trưởng nóng càng kích thích dòng vốn chuyển dịch từ kênh ngân hàng sang 2 thị trường này. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có điều khoản cho phá sản ngân hàng yếu kém cũng phần nào tác động đến tâm lý người gửi tiền, nhất là tại các ngân hàng đang có vấn đề.

Theo số liệu công bố gần đây nhất của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thì tăng trưởng tín dụng 11 tháng là 15,3%, tiếp tục cao hơn so với mức tăng trưởng huy động vốn là 13,5%. Tăng trưởng tín dụng đã duy trì ở mức cao hơn so với huy động vốn trong suốt 11 tháng qua, trước nhu cầu vay vốn phục hồi mạnh trở lại trong khi tiền gửi của các ngân hàng bị ảnh hưởng và chia sẻ cho các kênh đầu tư khác.

Nếu tính theo số tuyệt đối thì huy động vốn tăng gần 810.000 tỷ đồng, còn dư nợ tăng hơn 842.000 tỷ đồng, tức chênh lệch hơn 32.000 tỷ đồng. Tỷ lệ dư nợ trên huy động cũng tăng từ mức 85,5% vào cuối năm ngoái lên 86,8% hiện nay.

Một loạt ngân hàng cũng đã tăng lãi suất từ đầu tháng 12 đến nay, cho thấy nhu cầu huy động vốn để đảm bảo thanh khoản ngày càng tăng. Lãi suất trên thị trường 2 cũng liên tục đi lên từ đầu tháng 10 đến nay, dù vậy gần đây có dấu hiệu hạ nhiệt trở lại. 

Cập nhật ngày 20/12 cho thấy lãi suất qua đêm nằm tại 0,77%, giảm đáng kể so với mức 1,5% vào cuối tháng 11, trong khi đó lãi suất 1 tuần là 0,84%, 2 tuần là 1,18% và 1 tháng là 2,23%, đều có dấu hiệu ổn định trở lại.

Dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng có thể vẫn ở mức cao khi việc kinh doanh, giao dịch, mua sắm, tiêu dùng và mua, sửa chữa nhà sẽ tiếp tục tăng, nhất là khi năm nay Tết Nguyên đán muộn hơn so với mọi năm do là năm nhuận.

Cung ứng vốn cho các ngân hàng

Những tuần vừa qua, NHNN liên tiếp bơm ròng vốn trên thị trường mở để cung ứng thanh khoản cho các ngân hàng. Cụ thể trong tuần đầu tiên của tháng 12, NHNN đã bơm ròng đến 40.500 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, tiếp đó trong tuần thứ hai bơm ròng 27.500 tỷ đồng, cho thấy thanh khoản của các ngân hàng đã thu hẹp so với giai đoạn dồi dào trước đây.

Dù vậy, số liệu thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, tính từ đầu năm đến nửa đầu tháng 12 này, NHNN vẫn đang hút ròng 23.234 tỷ đồng thông qua kênh OMO, chỉ trung hòa được rất nhỏ lượng tiền bơm ra qua việc mua vào ngoại tệ.

Nếu theo như công bố hồi tháng 10 là 46 tỷ USD, thì thống kê mới nhất cho thấy NHNN đã mua thêm 5 tỷ USD trong thời gian gần đây, đồng nghĩa với việc bơm thêm ra gần 115.000 tỷ đồng trong gần 2 tháng qua.

Trong năm nay, NHNN đã bơm VND rất mạnh qua kênh mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng chia sẻ hôm 21/12, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt mốc 48 tỷ USD, ngày 22/12 NHNN tiếp tục mua vào 3,5 tỷ USD để nâng tổng dự trữ ngoại hối lên hơn 51 tỷ USD. Nếu theo như con số công bố hồi tháng 10 là 46 tỷ USD thì con số thống kê mới nhất cho thấy NHNN đã mua thêm 5 tỷ USD  trong thời gian gần đây, đồng nghĩa với việc bơm thêm ra gần 115.000 tỷ đồng trong gần 2 tháng qua.

Việc thị trường ngoại hối tiếp tục được kiểm soát tốt mặc dù FED đã tăng lãi suất lần thứ ba vào giữa tháng 12 cũng góp phần tạo điều kiện cho NHNN mua mạnh ngoại tệ mà không gây áp lực lên tỷ giá. Thống kê cho thấy tỷ giá trung tâm đến ngày 25/12 nằm ở mức 22.430đ/USD, chỉ tăng 1,22% so với đầu năm nay, trong khi tỷ giá mua bán tại các ngân hàng và trên thị trường tự do thậm chí vẫn còn giảm.

Rõ ràng với cán cân thương mại được cải thiện khi xuất siêu đạt 3 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng đã hỗ trợ đáng kể cho tỷ giá những tháng cuối năm. Nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ vốn FDI và xuất khẩu cộng thêm các đợt thoái vốn thành công khỏi các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là từ Vinamilk và Sabeco cũng là những yếu tố chính giúp dự trữ ngoại hối gia tăng mạnh trong thời gian qua.

Có thể thấy việc NHNN tích cực bơm thêm tiền đồng, cung ứng vốn và hỗ trợ thanh khoản linh hoạt cho hệ thống đã giúp lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hạ nhiệt trở lại, trong khi lãi suất trên thị trường 1 cũng giảm áp lực và ổn định hơn. Đây được xem là cơ sở tích cực cho mục tiêu tiếp tục giữ mặt bằng lãi suất ổn định, phù hợp cho giai đoạn tiếp theo trong năm 2018, vốn có thể sẽ chịu nhiều áp lực hơn trước diễn biến giá tiêu dùng có tín hiệu lên trở lại.

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến