Dòng sự kiện:
Cướp ngân hàng gia tăng, vì sao?
25/01/2019 15:01:58
Năm 2017 và 2018 sự gia tăng các vụ cướp ngân hàng trên phạm vi toàn quốc. Mới nhất ngày 18/1, một tên cướp với khẩu súng tự chế đã xông vào BIDV chi nhánh Hạ Long, uy hiếp nhân viên.

Trước đó, cướp ngân hàng đã xảy ra ở Tiền Giang, Đồng Nai, Khánh Hòa, TP HCM, Bắc Giang, Buôn Ma Thuột, Vĩnh Long, Trà Vinh, Huế... Các vụ cướp đều ở các chi nhánh ngân hàng, số tiền khoảng một vài tỉ đồng, chủ yếu do cá nhân manh động tiến hành, nhưng theo nhận xét của cơ quan công an, lại được tính toán khá kỹ. Các tên cướp thường chọn những chi nhánh, phòng giao dịch ít người giao dịch và thời điểm vắng khách hàng để ra tay. Tất cả các vụ cướp ngân hàng đều bị công an phá án và ngân hàng ít thiệt hại về mặt vật chất.

Tại sao cướp ngân hàng lại có xu hướng gia tăng như vậy? Trao đổi với những người làm ngân hàng, đa số các ý kiến cho rằng trước tiên đó là sự xuống cấp về mặt đạo đức của xã hội. Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nhận xét: “Những chuẩn mực đạo đức đang bị xâm phạm một cách táo tợn. Chưa bao giờ mà đọc báo, nghe đài, xem ti vi hầu như tuần nào cũng có phản ánh cướp giật, trộm cắp, hãm hiếp, cô giáo đánh học sinh, mâu thuẫn cha mẹ, anh em trong gia đình….”. Bà nói trong hệ thống ngân hàng của bà chưa xảy ra cướp tiền ban ngày ban mặt trắng trợn, nhưng lãnh đạo đã cảnh giác, đề phòng, tăng chi cho công tác an ninh cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp.

Theo trưởng bộ phận ngân quỹ của một ngân hàng khác, trước đây cướp tiền chỉ xảy ra với cá nhân. Chẳng hạn cá nhân rút, nhận tiền mặt từ ngân hàng, rồi bị cướp khi đi xe máy trên đường. Rút kinh nghiệm, hiện nay khi khách hàng có nhu cầu rút tiền mặt số lượng lớn, ngân hàng thường khuyến cáo nên chuyển khoản cho an toàn, hoặc phải đi taxi, ô tô khi chuyển tiền. Có ngân hàng còn cho khách hàng mượn xe chở tiền chuyên dụng của ngân hàng để chuyển tiền mặt về trụ sở công ty hoặc đến nơi cần chuyển.

Nhờ thế cướp tiền theo kiểu này đã giảm bớt, nhưng thay vào đó lại là cướp thẳng tiền của ngân hàng với mức độ liều lĩnh ở tầm mới. Đối tượng cướp ngân hàng không chỉ giới hạn ở các trường hợp có tiền án tiền sự, mà cả những kẻ cờ bạc, đề đóm, nợ nần, túng quẫn làm liều.

Trao đổi với người viết bài này, tổng giám đốc một tổ chức tín dụng đề nghị không nêu tên, phân tích liệu có mối quan hệ tâm lý vô hình nào đó trước việc xét xử các vụ án liên quan đến các quan chức ngân hàng, lãnh đạo một số tập đoàn lớn và những vụ cướp ngân hàng? Người ta nhận thấy có vẻ các ông chủ ngân hàng, một số lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước “lấy” tiền ngân hàng dễ dàng quá, xài tiền ngân hàng như tiền chùa. Mức độ tham nhũng tiền ngân hàng không phải dăm bảy tỉ đồng, mà là hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng. Có thể chính điều này đã kích thích tâm lý những kẻ cướp ngân hàng chăng? Bởi không nơi nào tập trung nguồn tiền lớn như ở ngân hàng.

Về phía các ngân hàng, không thể không thừa nhận công tác bảo vệ an ninh của một số đơn vị còn khá lỏng lẻo. Trừ hội sở, chi nhánh ở các thành phố lớn, nơi có bảo vệ hai lớp: bảo vệ của chính ngân hàng và bảo vệ mà ngân hàng thuê các công ty bảo vệ chuyên nghiệp, các phòng giao dịch thường không có bảo vệ ở mức cần thiết. Ngay cả ở TP HCM, một số phòng giao dịch của ngân hàng, theo quan sát của chúng tôi, chỉ có hai nhân viên bảo vệ. Nếu có người đến giao dịch, một bảo vệ giúp khách hàng gửi xe và trông giữ xe, trong khi bảo vệ còn lại chỉ lối cửa ra vào cho khách. Bên cạnh đó, nhân viên giao dịch tại quầy của các phòng giao dịch (và ngân hàng nói chung) phần lớn là nữ, các đối tượng cướp với vũ khí nguy hiểm không quá khó để khống chế họ.

Các vụ cướp ngân hàng cho đến nay mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chưa xảy ra các vụ cướp có tổ chức quy mô, chuẩn bị bài bản. Tuy nhiên các vụ cướp vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ngân hàng phải đầu tư nhiều hơn cho công tác an ninh, không chỉ đơn giản là hệ thống camera ghi hình, bảo vệ chuyên nghiệp vòng trong, vòng ngoài, mà có thể cả máy kiểm tra an ninh. Việc bố trí bộ phận bảo vệ, bộ phận giao dịch, quầy giao dịch, bàn ngân quỹ và đặc biệt là việc chọn địa điểm mở chi nhánh, phòng giao dịch phải được tính toán hợp lý, đảm bảo an toàn ở mức tối đa có thể.

Ở nước ngoài, các điểm giao dịch ngân hàng thường có hệ thống chuông. Người đến giao dịch phải bấm chuông, nhân viên an ninh quan sát, rồi mới nhấn cửa cho vào. Khi vào, họ cũng ngay lập tức xin phép khách hàng kiểm tra túi xách, thậm chí có khi cả dùng máy soi, sau đó dẫn khách đến quầy giao dịch. Nhiều nơi, do tự động hóa cao, hầu hết người giao dịch với máy móc.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến