Ngày 26/5, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Hoàng Duy Tiến (38 tuổi, cựu cán bộ Đội 7, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu Công an TP.HCM), Võ Văn Đông (58 tuổi, nguyên trung tá công an PC03) và đồng phạm tội Buôn lậu.
Nêu quan điểm luận tội, đại diện VKSND TP.HCM đánh giá dựa vào hồ sơ vụ án và quá trình thẩm vấn công khai tại tòa có đủ cơ sở xác định bị cáo Hoàng Duy Tiến phạm tội như cáo trạng truy tố.
Với cương vị là cán bộ thuộc Đội chống buôn lậu, PC03 Công an TP.HCM, bị cáo biết rõ các quy định về việc nhập khẩu hàng hóa, am hiểu các quy định về hải quan và nắm bắt được Quyết định số 18 ngày 19/4/2019 của Thủ tướng chấp thuận cho nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ phục vụ sản xuất của chính doanh nghiệp nên cùng đồng phạm hợp thức hóa các thủ tục để thực hiện hành vi phạm tội.
Từ đó, kiểm sát viên đề nghị HĐXX phạt bị cáo Hoàng Duy Tiến mức án từ 14-16 năm tù. Bị cáo Võ Văn Đông bị đề nghị mức án từ 8-10 năm tù. Các bị cáo là đồng phạm của Tiến bị VKS đề nghị phạt từ 7-14 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKSND TP.HCM đề nghị các bị cáo nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính để sung quỹ Nhà nước. Trong đó, Hoàng Duy Tiến phải nộp lại nhiều nhất là 5 tỷ đồng. Trước đó, quá trình điều tra, Tiến đã nộp lại số tiền 3,5 tỷ đồng.
Bị cáo Hoàng Duy Tiến. Ảnh: N.A.
Cáo trạng xác định theo quy định, doanh nghiệp chỉ được phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng không quá 10 năm hoặc phải có văn bản ủy thác nhập khẩu nếu nhập khẩu theo ủy thác. Thủ tục nhập khẩu hàng hóa phải có các chứng thư giám định kết luận đáp ứng đủ điều kiện.
Hoàng Duy Tiến sử dụng pháp nhân của các công ty lập ra để nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng về Việt Nam rồi giao lại cho các chủ hàng. Khi làm hồ sơ hải quan nhập các container hàng về Việt Nam, Tiến chỉ đạo đồng phạm chỉnh sửa năm sản xuất của hàng hóa để đủ điều kiện nhập khẩu.
Theo cơ quan điều tra, Tiến nhận của chủ hàng 78-90 triệu đồng đối với mỗi container hàng. Cựu cán bộ công an sẽ lo toàn bộ chi phí đóng thuế, trả tiền vận chuyển về kho, chi phí trả cho công ty giám định, chi phí cho cán bộ kiểm hóa của hải quan.
Ngoài ra, để giảm chi phí đóng thuế, Tiến đã chỉ đạo nhân viên khai trị giá hàng nhập thấp hơn giá trị thật và tiêu thụ hàng hóa ngay sau khi nhận hàng ở cảng để "né" giám định.
Cảnh sát cũng xác định Hoàng Duy Tiến móc nối với Công ty Cổ phần giám định Đại Minh Việt, lập khống các biên bản giám định hàng hóa, cấp chứng thư có nội dung để cung cấp cho hải quan.
Để thực hiện việc buôn lậu, Tiến thuê nhân viên đứng ra thành lập 47 công ty không hoạt động kinh doanh, chỉ sử dụng pháp nhân để làm thủ tục nhập khẩu, thông quan và giao dịch hàng lậu. Các công ty này do 15 cá nhân đứng tên, không có công ty nào hoạt động kinh doanh thực tế.
Cơ quan điều tra xác định từ tháng 9/2019 đến 24/5/2021, Hoàng Duy Tiến và đồng phạm đã sử dụng tư cách pháp nhân của 45 công ty, mở 1.146 bộ tờ khai hải quan, nhập lậu trót lọt về Việt Nam 1.280 container hàng có tổng trị giá hơn 217 tỷ đồng.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: D.T.
Tác giả: Dương Quỳnh Trang
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy