Mới đây, 5 sĩ quan cấp tướng là cựu lãnh đạo Cảnh sát biển đã bị Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội Tham ô tài sản. Các bị can gồm: Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Trung tướng Hoàng Văn Đồng, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, nguyên Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, nguyên Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Cảnh sát biển.
Ngoài ra, Đại tá Nguyễn Văn Hưng, nguyên Phó Tư lệnh; Thượng tá Bùi Văn Hòe, Phó trưởng Phòng Tài chính Cảnh sát biển cũng bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội Tham ô tài sản.
Từ trái qua: Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Trung tướng Hoàng Văn Đồng, Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết. (Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam)
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng, đây là vụ án rất nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương chỉ đạo các cơ quan tư pháp quân đội, tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan, bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm.
Nhận định về mức án trong các vụ án có bị cáo phạm tội Tham ô tài sản, luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty luật Trường Lộc, đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Nếu cơ quan điều tra xác định bị cáo có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tài sản trên 2 triệu đồng, thì mức án thấp nhất là 2 năm tù. Trong trường hợp xác định bị cáo có hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 1 tỷ đồng trở lên; hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên, khung hình phạt có thể lên tới 20 năm tù, tù Chung thân hoặc Tử hình.”
Cũng theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn, ở thời điểm này chưa có cơ sở nào để nhận định về hình phạt đối với những người đã bị khởi tố: “Việc xác định hình phạt cụ thể phải căn cứ vào giá trị tài sản bị tham ô, số tiền họ tham ô, hành vi tham ô tài sản có tổ chức hay không, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, khắc phục hậu quả”.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty luật Trường Lộc, đoàn luật sư TP Hà Nội
Pháp luật hiện hành cũng có những quy định giảm nhẹ hình phạt, không áp dụng hình phạt cao nhất cho các bị cáo phạm tội Tham ô tài sản, nhưng có sự tích cực khắc phục hậu quả.
Giám đốc Công ty luật Trường Lộc – luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ, có quy định: Trong quá trình tố tụng, người phạm tội Tham ô tài sản, tội Nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.
“Do đó, nếu người nào đó tham ô tài sản bị xử khung hình phạt tử hình, nhưng chủ động khắc phục 3/4 số tiền, tài sản tham ô sẽ không phải chịu hình phạt cao nhất là Tử hình.” – Luật sư Nguyễn Anh Tuấn nhận định./.
Tác giả: Võ Nam
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy