Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair bàn chuyện cải cách DNNN ở Việt Nam
05/03/2015 10:27:05
ANTT.VN – Sáng 4/3, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair lần đầu tiên có buổi đối thoại trực tiếp với các quan chức, chuyên gia trong lĩnh vực cải cách ở Việt Nam tại hội thảo “Vai trò mới của DNNN trong nền kinh tế”.

Tin liên quan

Để đối thoại với một trong những nhà tư vấn chính sách hàng đầu thế giới, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh đã mời những nhà kinh tế hàng đầu trong nước, những người đã lăn lộn với tiến trình cổ phần hóa DNNN từ những ngày đầu và đến nay vẫn đang chung tay tìm giải pháp cho chủ trương này: Lê Đăng Doanh, Trần Đình Thiên, Trần Du Lịch, Phạm Chi Lan, Nguyễn Đình Cung..., cũng như lãnh đạo của nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn.

Hội thảo là kết quả bước đầu sau 10 tháng nghiên cứu của Văn phòng Tony Blair (Tony Blair Associates) với 3 chủ đề do Bộ KH-ĐT đặt hàng: Cải cách DNNN, hợp tác công tư (PPP) và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Phát biểu tại Hội thảo, Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair khẳng định, tất cả cải cách, thay đổi đều khó khăn.

Ông nói: “Những cải cách mà không có phản đối là cải cách kém. Điều quan trọng là phải làm sao vượt qua những cản trở đó”, ông Tony Blair nói và kể câu chuyện về thời điểm nước Anh thực hiện tư nhân hóa Công ty Viễn thông Anh, đã vấp phải sự phải đối dữ dội của người lao động.

“Tôi đã phải đứng suốt đêm trước Quốc hội để giải trình. Giờ mà nói quốc hữu hóa lại công ty đó, thì cũng sẽ có những phản đối như thế”, ông Tony Blair nói và khẳng định, việc cải cách, tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước đã mang lại sự thay đổi lớn cho nền kinh tế, trong đó có thúc đẩy thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nhiều nền kinh tế đã thay đổi. Những năm 40-50 của thế kỷ trước là kỷ nguyên doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối. Vào lúc đó, người ta nghĩ rằng đó là cách để nền kinh tế phát triển và bảo vệ lợi ích người lao động. Nhưng theo thời gian, hiệu quả của mô hình này cần được nhìn nhận lại và cải cách là quan trọng”, ông Tony Blair khẳng định.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh tại buổi hội thảo “Vai trò mới của DNNN trong nền kinh tế”. (Ảnh: Dân trí)

Theo cựu Thủ tướng Anh, Việt Nam có lợi thế là trên thế giới có nhiều ví dụ, cả thành công và thất bại, ở cả những nước đang phát triển và phát triển, để rút kinh nghiệm và học tập: Nhà nước có tầm quan trọng chiến lược trong một số lĩnh vực, cần có để đảm bảo phúc lợi xã hội, lợi ích quốc gia, đặt ra khuôn khổ cho nền kinh tế.

Từ đó, cựu Thủ tướng Anh nhận định: Cải cách DNNN không phải lúc nào cũng thành công, chẳng ai có thể nói đó là cách tốt nhất, nhưng nếu làm kiên trì và hiệu quả, nó sẽ tác động tích cực đến tổng thể nền kinh tế. Câu hỏi là làm như thế nào chứ không phải là có làm hay không.

"Chắc chắn ở VN bây giờ cũng không ai muốn quay trở lại cái thời 12.000 DNNN đâu", ông Tony Blair nói.

Đó cũng là những khuyến nghị mà nghiên cứu của Văn phòng Tony Blair đưa ra cho VN: làm rõ mục tiêu của sở hữu nhà nước và cố phần hóa, xây dựng lộ trình thực hiện với các công cụ và cơ chế phù hợp.

Liên quan đến hành động chống đối, ông Tony Blair cũng nhận được câu hỏi khá hóc búa của Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: "Ở đâu cũng có sự chống đối trong cải cách doanh nghiệp Nhà nước, từ phía người lao động hay Đảng đối lập. Nhưng nếu những người chống đối nằm ngay trong đảng cầm quyền, là người đồng nghiệp của ông thì sẽ xử lý như thế nào?".

Thẳng thắn trả lời, vị chuyên gia người Anh cho biết để vượt qua sự phản kháng, ông sẽ ưu tiên chọn những trường hợp đang yếu kém nhất để cải cách, bởi khi đó rất ít ý kiến có thể lập luận mô hình hiện tại đang hiệu quả. "Phải chọn cẩn thận để làm sao thực hiện có kết quả. Đây phải là các dự án điển hình và thiết thực để chỉ cho mọi người thấy kết quả và nhân rộng", ông bày tỏ.

Bên cạnh sự chống đối mang hàm ý "cản trở", ông Tony Blair cũng đề cập đến khía cạnh "tốt" khi những lời phản biện sẽ giúp cho cải cách toàn diện hơn. Chẳng hạn như khi đề xuất cải cách tiền lương, không thấy ai phát biểu, vị cựu Thủ tướng Anh không lấy làm mừng mà còn lo lắng bởi "im lặng" chính là chưa có sự đổi mới rõ rệt. "Thực tế, khi cải cách thật thì người ta la hét. Do đó, chống đối sẽ là điều đương nhiên phải đối mặt và nhà điều hành cần vượt qua", ông nhấn mạnh thêm.

Trước đó, khi phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, Việt Nam đã và đang nỗ lực rất lớn để cải cách doanh nghiệp nhà nước. Từ 12.000 doanh nghiệp nhà nước vào thập kỷ 90, giờ đây con số chỉ còn lại là 800 doanh nghiệp nhà nước. Tất cả là nhờ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, tới đây cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải thực chất hơn, để làm sao cải thiện được quản trị doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng cũng đồng tình quan điểm của Cựu Thủ tướng Tony Blair về việc cải cách thì phải có phản đối và đó mới là đổi mới thực chất.

“Cải cách mà không ai phản đối tức là không động chạm đến ai, vẫn như cũ. Cải cách không thể tránh được sự chưa đồng thuận, đừng ngại khi đưa ra những quan điểm mới mà có nhiều bình luận trái chiều, kể cả từ cấp cao, thế mới là có đổi mới. Đưa ra mà suôn sẻ, ai cũng gật thì chắc là không có gì đổi mới cả, không có tác dụng gì cho xã hội, đất nước, dân tộc”, Bộ trưởng khẳng định.

PV (tổng hợp)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến