Dòng sự kiện:
Đã có nhà đầu tư muốn vào cuộc tái cơ cấu SCB
07/01/2024 06:03:46
Ngân hàng Nhà nước cho biết đang nghiên cứu đề nghị tham gia cơ cấu lại SCB của một số nhà đầu tư, để trình Chính phủ phương án tái cơ cấu ngân hàng này theo quy định.

Báo cáo gửi tới cuộc họp Chính phủ về tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 trong lĩnh vực ngân hàng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay giai đoạn 2021 - 2023, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai quyết liệt việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.

Với các ngân hàng, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng về chủ trương xử lý.

Hiện 5 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, gồm CBBank, OceanBank, GPBank, DongABank và SCB.

Kiểm soát đặc biệt là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung. Trong lịch sử ngành ngân hàng, đã có nhiều nhà băng từng bị rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh.

Riêng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), từ báo cáo và đánh giá tổng thể thực trạng, đề xuất chủ trương cơ cấu lại của SCB và ban kiểm soát đặc biệt SCB, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo Thủ tướng về chủ trương xử lý SCB.

Theo đó, hướng xử lý được đưa ra trên cơ sở đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại của SCB và Ban kiểm soát đặc biệt ngân hàng này.

Báo cáo cho biết Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu đề nghị tham gia cơ cấu lại SCB của một số nhà đầu tư để sớm trình Chính phủ phương án cơ cấu lại ngân hàng này theo quy định.

SCB là ngân hàng được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, sau khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của nhà băng ghi nhận tình trạng người dân tới rút tiền đồng loạt.

Với 4 ngân hàng còn lại (CBBank, OceanBank, GP Bank và DongABank), Ngân hàng Nhà nước đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc.

Cơ quan chức năng đang xem xét, chuẩn bị phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định.

Việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém đang chậm so với kế hoạch. Lý giải về việc này, Chính phủ từng cho biết đang tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém) khó khăn khi phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng.

Trong khi đó, các ngân hàng cũng cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.

Vào giữa tháng 12/2023, trong cuộc gặp lãnh đạo của Ngân hàng Mizuho - một trong ba ngân hàng lớn nhất Nhật Bản - Thủ tướng Phạm Minh chính đề nghị ngân hàng này tham gia tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém của Việt Nam.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến