Một trong những nguyên nhân khiến quá trình cổ phần hoá, thoái vốn chậm là do vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao (Ảnh minh hoạ).
Hiện, đã có tổ chức, cá nhân bị xử phạt do chậm trễ triển khai thoái vốn, cổ phần hoá, song lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết chưa thể công bố vì vẫn đang rà soát.
Thông tin trên được ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết tại buổi họp báo liên quan đến công tác thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước ngày 28/3.
Theo đó, đại diện Bộ Tài chính cho biết, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, phê duyệt phương án cơ cấu đang chậm, chưa đạt được theo kế hoạch đã đề ra.
Cụ thể, năm 2018, theo kế hoạch phải cổ phần hoá được 64 doanh nghiệp, tuy nhiên đến hết năm mới chỉ cổ phần hoá được 23 doanh nghiệp.
Việc chậm tiến độ sẽ tạo áp lực sang năm 2019 và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định của Thủ tướng.
"Một trong những nguyên nhân khiến quá trình cổ phần hoá, thoái vốn chậm là do vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước", ông Đặng Quyết Tiến nói.
Theo quy định, những người đứng đầu các đơn vị có kế hoạch cổ phần hoá, thoái vốn mà để xảy ra sự chậm trễ sẽ bị xử phạt. Thực tế theo ông Tiến, Cục Tài chính doanh nghiệp đã phối hợp với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tiến hành rà sát và xử lý một số trường hợp, tuy nhiên hiện chưa thể công bố.
"Việc công khai các đơn vị, cá nhân vi phạm là một trong những giải pháp của năm 2019. Trên tinh thần là sẽ công bố công khai, không dấu giếm, tuy nhiên hiện Cục Tài chính doanh nghiệp và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vẫn đang tiếp tục rà soát, sơ bộ có khoảng hơn 10 doanh nghiệp sẽ bị xử lý. Sau khi rà soát xong, chúng tôi sẽ thảo luận, bàn bạc lại với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để công bố", Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết.
Để thúc đẩy tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, sẽ đề nghị các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý.
Bên cạnh đó, cũng yêu cầu thủ trưởng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện đúng tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Ngoài ra, đề nghị các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định.
Theo Vneconomy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy