Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm khi chỉ số VN-Index đạt đỉnh hơn 1.420 điểm. Tuy nhiên chỉ số bất ngờ lao dốc từ đầu tháng 7 đến nay, cùng với đó là thanh khoản giảm mạnh khi tâm lý nhà đầu tư bi quan về đợt dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Nói về sụt giảm thanh khoản tại Tọa đàm trực tuyến “Nhận diện thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2021”, Giám đốc Chiến lược Đầu tư Dragon Capital - ông Lê Anh Tuấn cho rằng dù chỉ số VN-Index giảm 13-14% so với vùng đỉnh, thị trường vẫn có sự tăng trưởng vượt bậc.
Cần thời gian chuyển hóa dòng tiền
Chuyên gia của Dragon Capital đánh giá thanh khoản 25.000 - 30.000 tỷ đồng không thực chất, và mức này khó mà ổn định trong thời gian dài. Ông cho rằng trên sàn HoSE, mức thanh khoản 15.000 - 17.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 80% vốn hóa toàn thị trường là mức hợp lý.
Ông Tuấn bổ sung cần xem xét 2 yếu tố khiến thị trường giảm mạnh đợt vừa qua là dòng tiền và định giá. Nước ngoài đã rút ròng 1,7 tỷ USD từ đầu năm và tính rộng ra đã rút khoảng 4 tỷ USD trong 3 năm qua.
“Cộng hưởng thêm lượng cho vay ký quỹ (margin) tăng đột biến ở các công ty gây tác động đến chứng khoán. Vậy muốn thị trường tăng tiếp cần có các đợt chuyển hóa từ người vay nhiều sang người chưa vay, dòng tiền mới thay thế dòng tiền cũ”, ông nói thêm về dòng tiền.
Giám đốc Chiến lược Đầu tư Dragon Capital Lê Anh Tuấn. Ảnh: Forbes
Về định giá, mức P/E 19 lần hồi tháng 6 là đắt hay rẻ tùy thuộc vào tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai. Trước đại dịch, Dragon Capital dự báo tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp khoảng 50-52%. Tuy nhiên với tác động của làn sóng Covid-19, quỹ đầu tư này hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm nay xuống 40%.
Theo tính toán của ông Tuấn, nếu tăng trưởng lợi nhuận khoảng 35-40% thì định giá P/E sẽ quay về mức 14-15 lần, thấp hơn so với mức bình quân 15-16 lần. Thậm chí ở năm 2022, nếu tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp khoảng 22-25% thì PE tiếp tục giảm còn 11,5-12 lần, tổng thể định giá không đắt.
“Việc danh mục giảm 5-10% rất là bình thường. Một khi đã tham gia thị trường chứng khoán, để kiếm được lợi nhuận 30 – 50% thì chúng ta phải chấp nhận câu chuyện thị trường giảm 5 – 10%. Do đó nếu tin vào tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 như trên, thì vùng 1.200 - 1.250 điểm là vùng quan tâm, có thể xuống tiền mua cổ phiếu doanh nghiệp tốt”, Giám đốc Dragon Capital khuyến nghị.
Chứng khoán tạo đáy trong tháng 7
Đầu tháng 7, Chứng khoán Mirae Asset đưa ra một báo cáo gây xôn xao khi cho rằng VN-Index có thể điều chỉnh mạnh về 1.200 điểm dù thị trường đang hứng phấn. Thời điểm đó P/E của Việt Nam đang tiệm cận 2 lần độ lệch chuẩn trung bình 10 năm.
Ông Lê Quang Minh - Giám đốc Phân tích đầu tư Chứng khoán Mirae Asset – lý giải thị trường đã tăng mạnh trước đó nên việc điều chỉnh là bình thường. Vị chuyên gia này cũng đánh giá khi VN-Index giảm về vùng 1.200 điểm là cơ hội tích lũy cổ phiếu, nhà đầu tư chưa mua được cổ phiếu giá rẻ thì sắp tới sẽ mua được.
Mirae Asset tin rằng thị trường chứng khoán sẽ phản ánh nội tại doanh nghiệp. Với việc dự báo tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp 33%, ông Minh cho rằng 1.440-1.500 là điểm đến của VN-Index trong nửa cuối năm, với điều kiện kiểm soát được dịch trong tháng 8.
“Chúng tôi dự báo nền kinh tế vẫn duy trì được tốt, thế giới cũng đánh giá cao nền kinh tế Việt Nam, là điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á. Mirae Asset điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm từ mức 28% trước đây lên 33,8% cho năm 2021. Nếu đạt mức tăng 30% thì định giá P/E sẽ giảm và đây là cơ hội mua vào”, vị chuyên gia khuyến nghị.
"Để kiếm được lợi nhuận 30 – 50% thì chúng ta phải chấp nhận câu chuyện thị trường giảm 5 – 10%.
Ông Lã Giang Trung - Tổng giám đốc Passion Investment - có phần lạc quan hơn khi nhìn vào dài hạn lợi nhuận doanh nghiệp vẫn dự báo tăng trưởng từ nay đến năm 2022.
Các nhịp điều chỉnh là không thể tránh khỏi trong quá trình tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Vị này thống kê nhịp điều chỉnh bình quân là 17% với thời gian khoảng nửa năm. Ví dụ điển hình là chứng khoán Mỹ điều chỉnh 14% từ đỉnh và Việt Nam cũng có 4 đợt điều chỉnh khá tương đồng với các con số trong quá khứ.
“Nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục phục hồi và khống chế Covid-19 sớm, còn thị trường chứng khoán ở giai đoạn đầu tăng trưởng sẽ còn đi lên, thống kê cho thấy, sau nhịp điều đỉnh thì thị trường có thể tăng lên 30-40%”, ông Trung dự báo.
CEO Passion Investment cho rằng VN-Index có thể đạt 1.600 - 1.700 điểm với điều kiện Covid-19 được khống chế trong tháng 8-9. Do vậy, mức giảm 13% trong tháng 7 cơ bản là tạo đáy.
Tác giả: Huy Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy