Tín dụng phân hóa mạnh, “room” không còn cần thiết
Trong 3 quý đầu năm, tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng phân hóa rất mạnh. Có những ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao gấp đôi tốc độ tăng trung bình toàn hệ thống (tín dụng tính đến ngày 17/9 tăng 7,38%), song vẫn có nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng chậm, thậm chí tăng trưởng âm, dẫn đến tình trạng room tín dụng nơi thừa, chỗ thiếu.
Theo ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc LPBank, tính tới thời điểm này, tăng trưởng tín dụng của LPBank đã đạt gần 16%. Trong khi đó, ông Kim Byoungho, Chủ tịch HDBank thông tin, tín dụng của ngân hàng này đã tăng trên 15% so với đầu năm và rất mong muốn được NHNN cấp thêm room tín dụng. Một số ngân hàng như ACB, Techcombank, MB, NamABank... cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ 8 tháng đầu năm và đang kỳ vọng được NHNN nới thêm room.
Ở chiều ngược lại, tại một số ngân hàng (đa phần là ngân hàng nhỏ), tăng trưởng tín dụng lại chậm chạp. Báo cáo tài chính quý II/2024 cho thấy, tính tới cuối tháng 6/2024, có tới 10 ngân hàng tăng trưởng tín dụng dưới 5% so với cuối năm, thậm chí có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm. Các ngân hàng tăng trưởng tín dụng thấp phải kể đến là ABBank (-7,2%), Saigonbank (1,8%), Bac A Bank (2,3%), SeABank (3,5%), BVBank (3,2%)…
Năm nay, NHNN phân bổ hết room cho các ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, trước tình trạng một số ngân hàng sử dụng gần hết room tăng trưởng tín dụng, NHNN đã có văn bản thông báo, từ ngày 28/8, các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN thông báo từ đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ, không cần đề nghị cơ quan quản lý...
Thực tế cho thấy, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng từ đầu năm đến nay không chỉ phụ thuộc vào room tín dụng NHNN cấp, mà còn phụ thuộc rất lớn vào sức cạnh tranh và sức khỏe của mỗi ngân hàng. Theo đó, những ngân hàng có nền tảng tài chính lành mạnh, vốn dồi dào, kiểm soát được nợ xấu, hệ sinh thái và tệp khách hàng đa dạng, có lợi thế cho vay bất động sản… đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng cao.
Ngược lại, các ngân hàng có chất lượng tài sản xấu, thanh khoản kém dồi dào, mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường lớn, lãi suất cho vay kém cạnh tranh…, dù có được cấp hạn mức cao, cũng không thể tăng trưởng tín dụng.
Đã đến lúc bỏ room tín dụng?
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị diễn ra gần đây, Phó thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết, NHNN đang thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tiếp tục giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm cho tổ chức tín dụng đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô và tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng.
Hệ số CAR là công cụ thị trường hữu hiệu nhất để kiểm soát sự tăng trưởng an toàn của tín dụng, bởi đây là hệ số ràng buộc khả năng được phép mở rộng tín dụng dựa trên cơ sở vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ do NHNN đề ra. - TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế |
Dù vậy, Phó thống đốc cũng cho hay, NHNN đang nghiên cứu lộ trình dỡ bỏ dần việc áp dụng biện pháp này theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.
Trong bối cảnh tín dụng tăng chậm như hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN nên bãi bỏ công cụ room tín dụng để tạo điều kiện cho các ngân hàng khỏe, dồi dào thanh khoản được đẩy mạnh bơm vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Đồng thời, việc bãi bỏ room tín dụng cũng khiến các ngân hàng chủ động hơn trong hoạch định chiến lược kinh doanh, khắc phục tình trạng “nơi thừa, nơi thiếu” về room tín dụng.
Trả lời ý kiến đại biểu Quốc hội giữa năm nay, NHNN lý giải nguyên nhân chưa thể bỏ room tín dụng là do lo ngại tình trạng tăng trưởng nóng quay lại, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống cũng như rủi ro lạm phát.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, NHNN hoàn toàn có thể ngăn chặn tín dụng tăng nóng thông qua công cụ dự trữ bắt buộc. Một khi NHNN tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, các ngân hàng sẽ phải “phanh” tín dụng.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN hoàn toàn có thể kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thông qua Hệ số An toàn vốn (CAR), mà không cần đến room tín dụng. Ngân hàng muốn tăng tín dụng bao nhiêu, thì phải nâng vốn chủ sở hữu tương ứng bấy nhiêu. Điều này sẽ khiến các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cao không bị thiệt thòi, không bị bó buộc bởi room tín dụng, mà lại gây sức ép cho các ngân hàng nhỏ, có tỷ lệ an toàn vốn thấp phải nâng cao “đệm” thanh khoản của mình.
Chưa kể, NHNN cũng đã đưa ra nhiều công cụ đảm bảo khả năng thanh khoản, ngăn rủi ro tín dụng, cũng như ngăn ngân hàng thương mại tăng trưởng quá nóng. Đơn cử, NHNN đã có quy định ngân hàng thương mại chỉ được cho vay 80% nguồn vốn từ thị trường dân cư, giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn còn 30%, siết tỷ lệ cho vay với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan... Các quy định về hệ số rủi ro hiện nay cũng buộc các ngân hàng phải cân nhắc lĩnh vực cho vay hiệu quả, không rót quá nhiều vốn vào các lĩnh vực rủi ro.
Chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2024. Hiện NHNN vẫn chưa hé lộ về cơ chế điều hành room tín dụng năm 2025. Tuy vậy, trong bối cảnh tín dụng bắt đầu bước vào giai đoạn tăng tốc, phục hồi như hiện nay, các chuyên gia kỳ vọng, NHNN sẽ sớm bỏ công cụ hành chính này để các ngân hàng tận dụng cơ hội tăng trưởng, dòng vốn đổ vào nền kinh tế được khơi thông. Với việc áp dụng các cơ chế trên, NHNN hoàn toàn có thể kiểm soát tổng mức tăng trưởng tín dụng, cũng như chất lượng tín dụng, mà không cần phải sử dụng đến công cụ room tín dụng.
Tác giả: Hà Tâm
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy