Dòng sự kiện:
Đã đến lúc chuyển nhượng 'ngân hàng 0 đồng'?
01/06/2019 06:01:37
Việc chuyển nhượng các ngân hàng 0 đồng cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp phần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam theo hướng phát triển bền vững và phù hợp xu hướng hội nhập.

NHNN cho biết đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phương án cơ cấu lại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) theo hướng chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài

Ngân hàng 0 đồng đang... lên giá

Trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội mới đây, NHNN Việt Nam cho biết, đến nay cơ quan này đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phương án cơ cấu lại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) theo hướng chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài. Phương án cơ cấu lại các Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Dầu khí Toàn Cầu (GPBank), DongABank đang được khẩn trương hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.

Đó quả là những thông tin hết sức vui mừng cho thấy, việc mua bắt buộc và tiến trình tái cơ cấu các ngân hàng nói trên đang đi đúng hướng và “các ngân hàng 0 đồng” đang dần có giá trở lại.

Còn nhớ trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ hồi cuối tháng 3 vừa qua, ông Nobiru Adachi - Giám đốc điều hành của Tập đoàn J Trust (Nhật bản) đã bày tỏ ý định được tham gia cơ cấu lại CBBank hướng đến đưa Ngân hàng này thành cửa ngõ cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp của Nhật Bản. Hoan nghênh ý định này của J Trust, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Tập đoàn trao đổi với CBBank và NHNN về phương án cụ thể để trên cơ sở đó, NHNN trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, giải quyết.

Trước đây cũng đã có một số nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu, đặt vấn đề, thậm chí đàm phán mua lại ngân hàng yếu kém của Việt Nam, song chẳng có thương vụ nào thành công. Chẳng hạn, Tập đoàn UOB cũng đã từng đàm phán mua lại GPBank, nhưng thương vụ này cũng không hoàn tất để rồi cuối cùng GPBank cũng nằm trong diện bị NHNN mua lại 0 đồng.

Nhìn lại tiến trình tái cơ cấu các ngân hàng này, kể từ thời điểm ra quyết định mua bắt buộc với giá 0 đồng, lại càng thấy hết những thành công từ một chủ trương đầy táo bạo của NHNN Việt Nam. Bởi việc triển khai cơ cấu lại 3 ngân hàng 0 đồng là một quá trình khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ, phải phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến của nhiều Bộ, ngành và các cơ quan liên quan. Đặc biệt với thực trạng tài chính hiện nay của các ngân hàng, việc tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực tài chính và năng lực quản trị tham gia xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng này gặp rất nhiều khó khăn và phụ thuộc vào kết quả đàm phán với các nhà đầu tư.

Mặc dù ghi nhận nỗ lực của NHNN trong việc vực dậy các ngân hàng này, nhưng theo các chuyên gia, đã đến lúc NHNN chuyển nhượng 3 ngân hàng nói trên cho các nhà đầu tư nước ngoài nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các nhà băng này.

Cơ hội gia nhập thị trường

Không chỉ với các ngân hàng 0 đồng, mà nhiều TCTD yếu kém khác cũng đang nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư ngoại. Đơn cử mới đây Tập đoàn Srisawad Corporation (Thái Lan) đã đề xuất trả cho Agribank 523 tỷ đồng để sở hữu toàn bộ vốn của Công ty cho thuê tài chính I (ALC I) của Agribank.

Tất cả các dẫn chứng đó cho thấy, mua lại các TCTD yếu kém trong nước sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam.

Hiện nay, các định chế tài chính nước ngoài hiện diện tại Việt Nam chủ yếu dưới các hình thức: Mở ngân hàng 100% vốn nước ngoài, góp vốn, liên doanh với ngân hàng trong nước, mở chi nhánh và mở văn phòng đại diện.

Tuy nhiên, việc mở ngân hàng con 100% vốn hay mở chi nhánh, văn phòng đại diện đều có chung một nhược điểm là tốn thời gian, mạng lưới điểm giao dịch thưa thớt. Vì vậy, mặc dù thương hiệu và tiềm lực tài chính rất mạnh nhưng thị phần của các ngân hàng ngoại khá khiêm tốn và tăng trưởng chậm. Không những vậy, như phát biểu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại diễn đàn M&A năm 2018: “Sắp tới, Chính phủ sẽ hết sức hạn chế hoặc có thể không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài”.

Trong khi đầu tư dưới hình thức góp vốn, liên doanh với ngân hàng trong nước cũng có nhiều hạn chế. Theo Nghị định 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD Việt Nam; tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một NHTM Việt Nam. “Quy định như vậy khiến các nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà góp vốn liên doanh với các ngân hàng trong nước, bởi họ muốn có được nhiều quyền hơn, thậm chí nắm quyền chi phối càng tốt”, một chuyên gia tài chính ngân hàng phân tích và nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, giải pháp tốt nhất là mua lại một ngân hàng yếu kém trong nước để tái cơ cấu theo hướng phát triển bền vững. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài có thể tận dụng được mạng lưới, con người sẵn có, cộng với sức mạnh tài chính, trình độ quản trị tiên tiến của mình, để vực dậy các ngân hàng yếu kém này.

Với các nhà quản lý và rộng hơn là cả hệ thống ngân hàng cũng được hưởng lợi khi nhanh chóng lành mạnh hóa hệ thống trong bối cảnh nguồn lực trong nước có hạn, nhất là khi Quốc hội có chủ trương không dùng ngân sách để tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém cũng như xử lý nợ xấu.

Cũng chính bởi vậy, Đề án tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 và cả Chiến lược phát triển ngân hàng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 đều đặt mục tiêu sửa đổi, hoàn thiện quy định theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đối với từng loại hình TCTD phù hợp với các cam kết quốc tế đã ký kết nhằm tăng cường huy động nguồn lực về vốn, công nghệ, quản trị của nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia xử lý TCTD yếu kém.

Cũng có ý kiến lo ngại việc các ngân hàng nước ngoài thâu tóm các ngân hàng yếu kém sẽ tạo áp lực cạnh tranh lớn hơn cho các ngân hàng nội, đẩy các ngân hàng nội đứng trước nguy cơ thua trên sân nhà. Tuy nhiên, lo ngại này chưa có cơ sở, bởi các ngân hàng ngoại tham gia sâu vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém sẽ nhanh chóng xua đi mối nguy cho hệ thống. Nếu sức ép cạnh tranh lớn hơn, thì cũng là điều dễ hiểu, và người được hưởng lợi chính là khách hàng.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến