Dòng sự kiện:
Đà Lạt quy hoạch Dinh tỉnh trưởng: Bảo tồn di sản hay đánh đổi mảng xanh vì cao ốc
17/08/2020 08:57:27
Sau hơn 1 năm khiến dư luận xôn xao, chính quyền tỉnh Lâm Đồng mới đây đã tiếp tục công bố các phương án quy hoạch khu vực Dinh tỉnh trưởng thuộc quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình, TP.Đà Lạt.

Không còn di dời hoàn toàn, các phương án này đều có điểm chung là sẽ giữ lại Dinh tỉnh trưởng và xây dựng nhiều dự án tại không gian xung quanh. Đối với phương án 1, Dinh Tỉnh trưởng được nâng cao 28m so với vị trí ban đầu. Phần dưới và xung quanh sẽ là tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, bảo tàng.

Còn phương án 2, Dinh tỉnh trưởng được giữ nguyên vị trí nhưng xung quanh là tổ họp khách sạn - hồ bơi 10 tầng. Trong khi đó, phương án 3 sẽ có khách sạn ở cùng mặt bằng với Dinh tỉnh tưởng, khu vực xung quanh được tận dụng cho nhiều công trình khác và bảo tồn được khoảng 30% cây xanh hiện hữu.

Dinh tỉnh trưởng là một trong những di sản đô thị của TP.Đà Lạt

Đây là khu vực rộng gần 17.000m2 với điểm nhấn là Dinh tỉnh trưởng - một kiến trúc đẹp với diện tích hơn 1.500m2. Đồi dinh (nơi tọa lạc Dinh tỉnh trưởng) có thể nói là nơi duy nhất ở khu vực trung tâm TP.Đà Lạt có diện tích đất lớn, vị trí cao và đẹp nhất. Đồng thời, đây cũng là mảng xanh quan trọng bên cạnh đồi Cù. Các mô hình theo từng phương án được sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng trưng bày lấy ý kiến từ 14/8 đến 14/9.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình là cần thiết nhưng xuất hiện các công trình khối tích lớn, cao tầng, có chức năng khách sạn, trung tâm thương mại là không hợp lý. PV Người Đưa Tin Pháp luật đã ghi nhận quan điểm của TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn để làm rõ hơn vấn đề.

Vẫn là phá bỏ di sản

Là người lên tiếng mạnh mẽ khi thiết kế đô thị tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình được công bố hồi tháng 3/2019, việc quy hoạch vẫn “bình cũ rượu mới” khiến ông có đánh giá ra sao?

Thật đáng thất vọng vì chỉ vài tháng trước, chính TP.Đà Lạt đã đề ra chủ trương phấn đấu trở thành đô thị di sản. Mà bây giờ, họ lại cho triển lãm các phương án đề xuất phá di sản khu Hòa Bình để làm dự án địa ốc, lấy ý kiến người dân trong 1 tháng.

Đồ án triển lãm cho thấy, việc quy hoạch chỉ chú trọng tô vẻ thêm bề ngoài. Nói chung là vẫn giữ nguyên đề xuất phá bỏ di sản để cao tầng hóa khu lịch sử phố Việt Hòa Bình của Đà Lạt, hoàn toàn phớt lờ các đề nghị bảo tồn của cộng đồng và các cơ quan chức năng như bộ Xây dựng, hội Kiến trúc sư Việt Nam, hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam,… ) và các chuyên gia trong nước và nước ngoài.

Phân tích về chuyên môn, điểm sai của quy hoạch này là gì, theo ông?

Thật ra, dự án vẫn có thể có giá trị cho tỉnh Lâm Đồng nếu chọn xây ở một khu đất trống phù hợp hơn tại TP.Đà Lạt. Hiển nhiên, việc cố tình chọn xây dựng trên nền công trình di sản, bên cạnh ý chí lợi ích riêng của nhà đầu tư và một số lãnh đạo địa phương, còn có sự tiếp tay của kiến trúc sư thiếu “chữ Tâm”.

Cả ba phương án đề xuất trong triển lãm đều không ổn, vì chỉ thực hiện theo yêu cầu chủ đầu tư. Trong khi bản chất của đề bài muốn đưa một công trình khối tích lớn lên đỉnh đồi đã sai cơ bản về tiêu chí quy hoạch bảo tồn di sản.

Làm kiến trúc sư, cần có ý thức trách nhiệm để từ chối phục vụ cho nhà đầu tư. Cho dù che giấu dưới lớp diễn họa không gian đồi xanh quanh công trình thì ban đêm, đèn của công trình vẫn phải chiếu sáng tạo thành khối ánh sáng khổng lồ. Chưa kể đến phải điều hòa nhiệt độ cho toàn bộ công trình lớn sẽ làm thay đổi khí hậu xung quanh, cũng như việc chặt hết rừng thông hiếm hoi còn sót lại trên đồi Dinh.

Đừng tham bát bỏ mâm

Lịch sử cho thấy, TP.Đà Lạt có dấu ấn xây dựng của người Pháp. Vậy, công tác quy hoạch đô thị tại Pháp có gì giống và khác với trường hợp như thế này không?

Để chống chế cho các thiết kế phá hỏng không gian di sản TP.Đà Lạt, một tác giả trong nhóm thiết kế thường nhắc đến 3 công trình hiện đại từng bị phản đối mạnh mẽ tại Paris, sau đó trở thành di sản kiến trúc được mọi người công nhận trong thế kỷ 21. Đó là tháp Eiffel, kim tự tháp kính của bảo tàng Louvre và trung tâm Văn hóa Pompidou. Họ nói rằng như thế là “đi trước thời đại” khi thiết kế cao tầng hóa khu Hòa Bình để hậu thế sẽ xem đây là “di sản mới”.

Nhưng thật ra đây chỉ là một cách ngụy biện, thiếu cơ sở văn hóa và khoa học. Vì cả ba công trình đó không hề đề xuất phá bỏ di sản quý giá nào của Paris để xây dựng mới. Như tháp Eiffel xây trên một khu đất trống, hay trung tâm Văn hóa Pompidou xây trên một khu vực không có giá trị di sản phải bảo tồn.

Còn kim tự tháp kính của bảo tàng Louvre được thực hiện với yêu cầu tạo nên lối vào chính cho phần diện tích công trình mở rộng, hoàn toàn nằm dưới lòng đất nhằm bảo vệ cho di sản bảo tàng. Cả 3 công trình này ban đầu bị phản đối chỉ vì người dân chưa quen nhìn thấy các kiến trúc hiện đại quy mô, nằm trong không gian kiến trúc cổ điển của Paris.

Sau này người dân công nhận giá trị kiến trúc của nó cũng không hề đồng nghĩa với việc ủng hộ phá bỏ các công trình di sản quý giá để hiện đại hóa Paris. Điển hình là đề xuất phá bỏ di sản khu trung tâm để xây cao tầng cho Paris của Le Corbusier đã bị chống đối mạnh mẽ từ người dân.

Chuyên gia quy hoạch Ngô Viết Nam Sơn tiếp tục không đồng tình với chủ trương quy hoạch khiến di sản bị ảnh hưởng

Soi vào đó, chúng ta có thể học được kinh nghiệm gì?

Ở đâu cũng vậy, nhà đầu tư thường chỉ muốn xây cao ốc trong những khu vực đô thị hiện hữu vì họ được hưởng lợi hạ tầng, dân cư có sẵn. Nếu nhà quản lý chỉ thấy lợi ích trước mắt mà quên rằng sau đó phải tốn rất nhiều ngân sách để cải tạo các khu vực xung quanh, thì gánh nặng trách nhiệm sẽ đổ dồn lên vai các nhà lãnh đạo thế hệ sau.

Nhìn ở góc độ đa ngành, có thể thấy sau một thế kỷ phát triển đô thị, không gian khu Hòa Bình đã đạt đến một tỉ lệ bão hòa. Vì thế, nên chỉnh trang để trả lại không gian xanh, thay vì cao tầng hóa. Nếu không, khu Hòa Bình sẽ kẹt cứng về không gian cũng như hạ tầng, giao thông.

Cần bản lĩnh để phát triển bền vững

Quay lại với Đà Lạt, nhóm thiết kế và thực hiện quy hoạch cho rằng không nên “sống hoài niệm quá mà cản trở sự phát triển”. Ông nhận xét thế nào về điều này?

Tôi khẳng định, Đà Lạt có thể làm những khu nhà cao tầng, nhưng cần phải chọn những vị trí mới để quy hoạch bài bản từ đầu. Hoàn toàn không nên xâm phạm vào 3 vị trí như khu di sản Pháp (đường vòng kéo dài từ đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ), khu di sản để lại nhiều dấu ấn lịch sử của người Việt (ấp Ánh Sáng, khu Hòa Bình) và khu di sản thiên nhiên (hồ Xuân Hương, đồi Cù).

Bởi lẽ, tư duy đó sẽ khiến chúng ta đánh mất nhiều công trình di sản, bị phá bỏ để xây mới. Sau đó là những không gian di sản khi công trình mới xây lên không đồng bộ, phá vỡ bố cục không gian chung.

Không chỉ vậy, nhiều người cảm thấy Đà Lạt ngày càng kẹt xe, ùn tắc giao thông hơn trước. Đó là cảnh báo sớm cho thấy, nếu việc cao tầng hóa khu Hòa Bình và lân cận với các phố thương mại phức hợp được tiến hành. Và khi đô thị mất đi bản sắc là sự bình yên vốn có, du khách sẽ ít nhiều vơi dần tình cảm với TP.Đà Lạt. Khó nói được về thiệt hại của địa phương du lịch này.

Các phương án quy hoạch khu vực Dinh Tỉnh trưởng đang được lấy ý kiến người dân

Nếu việc quy hoạch này không dừng lại, phải chăng tương lai cho TP.Đà Lạt có thể thấy trước?

Khu Hòa Bình không chỉ là di sản riêng của Đà Lạt, mà còn là một phần di sản quan trọng của kiến trúc đô thị Việt Nam, do nhiều thế hệ người Việt Nam tạo nên. Nó giống như khu 36 phố phường Hà Nội, là mang giá trị đậm nét truyền thống, khác hoàn toàn với các khu phố Tây.

Nói một cách thẳng thắn, nếu chỉ còn lại khu di sản phố Pháp và khu di sản Hòa Bình thì việc nhất quyết phá bỏ di sản để xây dựng mới tại đây chỉ nhắm đến mục tiêu làm lợi cho nhà đầu tư, bất chấp mọi thiệt hại cho giá trị đô thị di sản của Đà Lạt.

Vì thế, chúng tôi vẫn tiếp tục lên tiếng để bảo vệ cho di sản này của Đà Lạt, khuyến nghị chủ đầu tư hãy xây dựng dự án này ở rất nhiều khu đất trống khác ở tỉnh Lâm Đồng.

Cảm ơn ông!

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn từng tham gia quy hoạch và thiết kế nhiều dự án lớn như khu đô thị mới Nam Sài Gòn, khu đô thị Bắc Hà Nội, Phố Đông và hai bờ sông Hoàng Phố (Thượng Hải, Trung Quốc),...

Ông có bằng tiến sĩ Quy hoạch và Kiến trúc tại trường Đại học Washington (Mỹ) và bằng thạc sĩ Quy hoạch và Kiến trúc ở trường Đại học California tại Berkeley (Mỹ).

Cha ông là KTS Ngô Viết Thụ, là người từng học và có một số công trình kiến trúc quan trọng tại Đà Lạt giai đoạn 1954-1975.

Tác giả: Hà Nhân

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến