Tại phiên thảo luận kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng chiều 8/12, bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết từ sau làn sóng Covid thứ 2 (tháng 8/2020) đến nay thành phố đã làm thủ tục cho 2.589 người nhập cảnh, cách ly trên các chuyến bay giải cứu, thương mại và đưa chuyên gia sang làm việc.
Trong đó, lực lượng chức năng phát hiện 12 người dương tính với nCoV. Bình quân cứ 200 người nhập cảnh ghi nhận một ca Covid-19; có chuyến bay 300 người nhập cảnh thì 6 người nhiễm nCoV.
Trưa 8/12, ngành y tế thành phố phát hiện 3 người nhập cảnh bị nghi ngờ dương tính khi làm xét nghiệm ở ngày cách ly thứ 14. "Khi làm xét nghiệm kháng thể cho ba trường hợp này thì có kháng thể dương tính. Điều này chứng tỏ mức độ lây nhiễm nCoV với người nhập cảnh rất nhiều. Thành phố Đà Nẵng đứng trước nguy cơ cao dịch Covid-19 quay trở lại", bà Yến nói.
Một chuyến bay giải cứu đưa người Việt về sân bay quốc tế Đà Nẵng, ngày 16/8. Ảnh: Nguyễn Đông.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng, khó khăn với địa phương tiếp nhận các chuyến bay giải cứu, thương mại và chuyên gia đến làm việc là "thời gian cách ly khác nhau". Trong đó, các chuyên gia, người đến làm việc chỉ cách ly một tuần, số còn lại cách ly đủ 14 ngày. Do đó, ngoài ý thức tự giác của người cách ly còn cần chiến lược quản lý chặt chẽ, giám sát liên tục.
Ngoài nguy cơ bùng phát dịch từ các chuyến bay nêu trên, thành phố còn gặp thách thức với người nhập cảnh trái phép vì "không thể kiểm soát được toàn bộ".
Thẳng thắn nhìn nhận nhiệm vụ kép chống dịch và khôi phục kinh tế là "bài toán khó", bà Yến cho rằng để thực hiện được cần tuyên truyền cho người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, như tự giác đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế tập trung đông người; kịp thời đến cơ sở y tế khám khi có biểu hiện của bệnh...
"Mỗi người dân cũng như các đơn vị được giao nhiệm vụ liên quan đến chống dịch phải tuân thủ nghiêm các quy định về cách ly. Sự việc vừa qua ở TP HCM là một bài học", bà Yến nói thêm.
Đà Nẵng xét nghiệm diện rộng người dân hồi tháng 8/2020. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Lê Trung Chinh - Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng, nêu rõ khi thực hiện mục tiêu kép thì "chống dịch phải đặt lên hàng đầu vì đây là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng kịch bản về kinh tế".
Qua hai đợt dịch vừa qua, thành phố đã thực hiện tốt việc cách ly, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị cũng như người dân. Thêm vào đó, năng lực của ngành y tế; vai trò của y tế dự phòng, y tế cơ sở đã được khẳng định. "Thời gian đến chúng ta phải chủ động, không được lơ là trong phòng chống dịch", ông Chinh nói.
Đà Nẵng là tâm dịch của làn sóng Covid-19 thứ hai ở Việt Nam. Ca bệnh đầu tiên là "bệnh nhân 416" được công bố ngày 25/7. Có thời điểm, thành phố ghi nhận 45 ca mắc Covid-19 trong một ngày. Thành phố khống chế dịch trong vòng một tháng, với 389 ca mắc, trong đó có 31 người Đà Nẵng tử vong.
Covid-19 đã tác động nặng nề đến kinh tế của Đà Nẵng. Lần đầu tiên 23 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 ước đạt 101.233 tỷ đồng, giảm 9,26% so với năm 2019.
Tác giả: Nguyễn Đông
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy