Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm 17/9 (theo giờ Việt Nam), Bitcoin được giao dịch quanh ngưỡng 48.000 USD/đồng. Tính đến 17h15, giá của đồng tiền ở mức 47.700 USD/đồng, giảm nhẹ 0,5% so với một ngày trước đó.
Hôm 16/9, giá chính thức lấy lại mốc 48.000 USD/đồng sau nhiều ngày lao dốc. Dù sụt giảm nhẹ hôm 17/9, giá trị vốn hóa của đồng tiền vẫn ở trên ngưỡng 900 tỷ USD.
Trong vòng 7 ngày qua, giá Bitcoin chứng kiến mức tăng 3,2%. Tuy nhiên, nói với Zing, chuyên gia quốc tế nhận định đà phục hồi của đồng tiền có thể đã cạn kiệt nhiệt lượng. Các động thái của cơ quan quản lý Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng mạnh đến Bitcoin.
Giá Bitcoin liên tục trồi sụt qua ngưỡng 48.000 USD/đồng trong tròng 24 giờ qua. Ảnh: CoinMarketCap.
Cạn kiệt nhiệt lượng
"Giá Bitcoin đã phục hồi mạnh mẽ trong vài ngày qua. Tuy nhiên, dường như nhiệt lượng của đà tăng đang dần cạn kiệt", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở tại Anh) trả lời Zing.
"Chúng ta có thể chứng kiến giá Bitcoin sụt giảm thêm một lần nữa. Ở thời điểm đó, ngưỡng 43.000-44.000 USD/đồng sẽ trở thành mức quan trọng. Nếu rơi xuống dưới mốc này, một đợt điều chỉnh lớn hơn có thể được kích hoạt", ông cảnh báo.
Còn theo chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở tại Mỹ), lãi suất trái phiếu kho bạc tăng đã thúc đẩy đồng USD và đẩy giá vàng vào ngưỡng nguy hiểm. Tuy nhiên, giá Bitcoin hầu như không bị dao động.
"Khi hầu hết hàng hóa lao dốc, biến động của giá Bitcoin vẫn khá ấn tượng", vị chuyên gia nhận xét.
Giá Bitcoin đã phục hồi mạnh mẽ trong vài ngày qua. Tuy nhiên, dường như nhiệt lượng của đà tăng đang dần cạn kiệt - Chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở tại Anh) |
"Giá Bitcoin dần phục hồi khi các nhà đầu tư mua vào sau bình luận của Chủ tịch SEC Gary Sensler", ông Moya bình luận với Zing.
Hôm 14/9, ông Gary Gensler - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) - tuyên bố cơ quan quản lý hàng đầu Phố Wall đang tích cực làm việc để "tạo ra bộ quy tắc nhằm giám sát những thị trường tiền mã hóa đầy biến động", trong khi vẫn cân bằng lợi ích của các nhà đổi mới Mỹ.
Nói với Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, ông Gensler khẳng định ông và đội ngũ của mình đang cố gắng bảo vệ các nhà đầu tư, thông qua hệ thống quy định tốt hơn đối với hàng nghìn tài sản kỹ thuật số và tiền mã hóa mới, đồng thời giám sát thị trường Bitcoin và Ether.
"Ở hiện tại, chúng ta không có đủ khả năng bảo vệ nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính tiền mã hóa, phát hành, giao dịch hoặc cho vay", ông Gensler bình luận.
Theo ông Moya tại Oanda, các nhà đầu tư tiền mã hóa lạc quan rằng những quy định mới đối với thị trường sẽ không cản trở sự đổi mới hay phá vỡ cách thị trường vận hành.
Ngược lại, việc áp dụng các quy định sẽ giúp Bitcoin và những đồng tiền mã hóa khác tiến gần hơn với các tài sản tài chính chủ đạo.
Nguy cơ bị kiểm soát chặt chẽ
Tuy nhiên, ông Ray Dalio - nhà sáng lập quỹ đầu tư lớn nhất thế giới Bridgewater Associates - tin rằng các cơ quan quản lý sẽ kiểm soát chặt chẽ tiền mã hóa nếu loại tiền này thành công.
"Cuối cùng, nếu chúng thực sự thành công, các cơ quan quản lý sẽ triệt hạ, hoặc cố gắng triệt hạ chúng", ông Dalio nói với CNBC hôm 15/9.
Dù biến động mạnh, giá Bitcoin đã ghi nhận mức tăng khá lớn so với 1 năm trước đó. Trong vòng 12 tháng qua, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới tăng giá gấp 4 lần.
Hôm 14/4, giá Bitcoin đạt mức kỷ lục 64.800 USD/đồng. Tuy đã lao dốc kể từ đó, so với mức đầu năm, giá Bitcoin vẫn tăng gần 65%.
"El Salvador chấp nhận còn Ấn Độ và Trung Quốc loại bỏ Bitcoin. Mỹ sẽ thảo luận về cách quản lý Bitcoin và đồng tiền này sẽ vẫn bị kiểm soát", ông Dalio bình luận.
El Salvador là quốc gia đầu tiên chấp nhận Bitcoin là tiền tệ chính thức. Trong khi đó, Ấn Độ dự kiến đề xuất luật cấm tiền mã hóa và phạt những người khai thác, giao dịch chúng.
Sau khi chính quyền Trung Quốc siết chặt hoạt động khai thác Bitcoin, giá của đồng tiền đã lao dốc mạnh từ mức kỷ lục gần 65.000 USD/đồng. Ảnh: Reuters.
Hồi tháng 5, Trung Quốc cũng thắt chặt kiểm soát hơn nữa đối với hoạt động khai thác và giao dịch tiền mã hóa.
Ông Dalio nhận định Bitcoin không có giá trị nội tại. Đó là một tài sản thiếu giá trị cơ bản và tính khách quan.
"Nhìn vào lịch sử, có rất nhiều tài sản không có giá trị nội tại, chỉ có giá trị cảm nhận. Nó có thể tăng mạnh hoặc sụt giảm nhanh. Nó có thể là bong bóng hoa tulip ở Hà Lan", ông cảnh báo.
Tuy nhiên, tỷ phú đầu tư cho biết Bitcoin là một giải pháp thay thế tốt cho tiền mặt. "Tôi cho rằng nên cân nhắc tất cả lựa chọn thay thế tiền mặt và những tài sản tài chính khác", ông chia sẻ.
"Bitcoin là một khả năng. Tôi cũng đổ một lượng tiền nhất định vào Bitcoin", ông Dalio tiết lộ.
Tác giả: Thảo Phương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy