Dòng sự kiện:
Đại án ngân hàng VNCB: Tranh cãi về dòng tiên 4.500 tỷ đồng
15/12/2018 14:00:25
Cuối phần xét hỏi vụ án thiệt hại 6.126 tỷ đồng tại VNCB, các bên vẫn nói nhiều đến số tiền 4.500 tỷ đồng chứ không phải mức án tù mà tòa đã tuyên. Những tranh cãi xoay quanh số tiền này chưa bao giờ bớt 'nóng'.

Ngày 14/12, TAND Cấp cao tại TP HCM tiếp tục xử phúc thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây thiệt hại 6.126 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB (nay gọi là CB Bank).

Các bị cáo tại phiên toà

Trong phiên xử này, hội đồng xét xử (HĐXX) tập trung xét hỏi các bên về khoản tiền 4.500 tỷ đồng mà bản án sơ thẩm tuyên buộc CB phải trả lại cho bị cáo Phạm Công Danh.

Đại diện CB Bank cho rằng khi các bên góp vốn vào ngân hàng để tăng vốn điều lệ nhưng tăng không thành công thì đây là quan hệ giao dịch dân sự. Theo CB Bank, Ngân hàng Nhà nước mua lại VNCB với giá 0 đồng lúc đó vốn điều lệ hơn 3.000 tỉ đồng. CB Bank cho rằng ông Danh nộp tiền vào ngân hàng và đã sử dụng hết, số tiền này ngân hàng dùng vào mục đích riêng, còn nội dung chi tiết thì sẽ trình bày cụ thể trong phần tranh luận.

Nội dung kháng cáo bản án sơ thẩm của CB Bank có nói 4.500 tỷ đồng là tiền ông Danh sử dụng cho các sai phạm và trục lợi cá nhân, luật sư của ông Danh hỏi đại diện CB Bank rằng, ngân hàng căn cứ vào đâu để đưa ra nội dung này?

Trả lời, đại diện CB Bank cho rằng căn cứ cho nội dung kháng cáo đã trả lời rất nhiều lần và sẽ trình bày cụ thể trong phần tranh luận. CB Bank cho rằng việc sử dụng 4.500 tỷ đồng đã hòa chung vào dòng tiền của ngân hàng nên không xác định được cụ thể việc sử dụng số tiền này nhưng tất cả khoản tiền rút ra khỏi ngân hàng đều có chứng từ rõ ràng.

Trước câu hỏi đại diện CB Bank có ý kiến gì về nhận định thiệt hại của ngân hàng là do bà Hứa Thị Phấn (cựu cố vấn cao cấp của Trustbank) gây ra, trong khi ông Danh phải vay tiền bên ngoài để cứu ngân hàng khỏi đổ vỡ? Đại diện CB không đưa ra câu trả lời.

Tại tòa, bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT, nguyên giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) cho rằng hệ thống kiểm toán của ngân hàng rất cụ thể. Vì thế bị cáo không đồng ý với kết luận điều tra cho rằng số tiền 4.500 tỷ đồng đã hòa chung vào dòng tiền, không thể tách ra được. Khương đề nghị xem xét trả lại số tiền 4.500 tỷ đồng cho ông Danh.

Theo bị cáo Khương, trong khi bản án sơ thẩm xác định khi tái cơ cấu VNCB đã âm vốn 18.000 tỷ đồng, tuy nhiên HĐXX chưa xác định số tiền âm này là do ông Danh hay bà Phấn gây ra.

Còn việc xét xử vụ án bà Hứa Thị Phấn gây thiệt hại gần 16.000 tỷ đồng tại Trustbank sau vụ án ông Phạm Công Danh gây bất lợi cho các bị cáo. HĐXX cần xem xét cấn trừ số tiền gần 16.000 tỷ đồng vào tổng số tiền âm vốn của VNCB.

Về phần mình, bị cáo Phạm Công Danh chia sẻ, khi bước vào lĩnh vực ngân hàng bị cáo muốn xây dựng một ngân hàng vững mạnh và khi ấy đã mua lại Trustbank. Tuy nhiên, do áp lực tăng vốn để đưa ngân hàng phát triển và một phần vì hạn chế về năng lực điều hành ngân hàng nên mới có những hành vi sai phạm.

Bị cáo Danh mong HĐXX xem xét đề nghị thu hồi thêm các khoản tiền mà bị cáo cho là vật chứng của vụ án nhưng chưa được thu hồi để khắc phục hậu quả ở giai đoạn 1 lẫn giai đoạn 2 của vụ án, bởi đây là tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Với số tiền hơn 1.600 tỷ đồng toà sơ thẩm buộc hai chi nhánh của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phải trả lại cho VNCB, bị cáo Danh cho hay, ông tôn trọng phán quyết của toà.

Phạm Công Danh thông tin thêm, luật sư của mình đã đề nghị làm việc với BIDV để giải quyết các khoản nợ và khi thu hồi được tiền thì sẽ có căn cứ làm việc với BIDV, không để ngân hàng này bị thiệt hại.

Phiên toà sẽ tiếp tục vào sáng 17/12 với phần tranh luận.

Tại phiên xét xử ngày 13/12, Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB) khai rằng trong số hơn 6.126 tỷ đồng vay được, đã dùng 4.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ cho VNCB. Sau này VNCB bị mua lại với giá 0 đồng thì đổi tên thành Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng (CB Bank) và hiện số tiền này đang nằm tại CB Bank.

Hồ sơ vụ án nhắc đến khoản tiền tăng vốn điều lệ như sau: Phạm Công Danh và các thuộc cấp sau khi được NHNN yêu cầu tăng vốn điều lệ đã dùng nhiều thủ đoạn để vay vốn tại các ngân hàng khác nhau.

Cụ thể, Danh và thuộc cấp tự thành lập hoặc mượn pháp nhân của 23 công ty để làm hồ sơ vay vốn tại BIDV và TPBank. Trong đó, Danh dùng 12 công ty vay BIDV 4.700 tỷ đồng, dùng 11 công ty đứng hồ sơ vay TPBank gần 1.700 tỷ đồng. Danh dùng 4.000 tỷ đồng vay của BIDV và 500 tỷ đồng vay từ TPBank để tăng vốn điều lệ cho VNCB theo yêu cầu tăng vốn điều lệ của NHNN.

VNCB sau khi mất khả năng thanh khoản và “bộ sậu” nhà băng này được xác định có sai phạm và bị bắt để điều tra về tội Cố ý làm trái, NHNN đã mua lại VNCB với giá 0 đồng.

Khai tại tòa, bị cáo Phạm Công Danh khẳng định số tiền 4.500 tỷ đồng mà bị cáo này dùng để tăng vốn điều lệ hiện đang ở CB Bank và đề nghị HĐXX xem xét cấn trừ số tiền 4.500 tỷ đồng này vào số tiền thiệt hại 6.126 tỷ đồng của vụ án nhằm góp phần khắc phục hậu quả.

Các thuộc cấp thân tín của bị cáo Danh là Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Hoàng Đình Quyết cũng khẳng định 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ hiện đang nằm tại CB Bank.

Khánh Linh (T/h)

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến