Dòng sự kiện:
Đại án VNCB:Phạm tội vì mong muốn “tái cơ cấu” lại ngân hàng?
04/01/2017 20:21:12
Điệp khúc tái cơ cấu được Phạm Công Danh dùng nhiều trong phiên sơ thẩm và trong phiên phúc thẩm đang diễn ra điệp khúc này lại được Phạm Công Danh nhắc đến nhiều lần. Vin vào tái cơ cấu Trustbank có giúp Phạm Công Danh nhẹ bớt tội khi mà các báo cáo tài chính cho thấy bản thân Tập đoàn Thiên Thanh của bị cáo này cũng “yếu”, khó đủ sức để tái cơ cấu Trustbank khi mà ngân hàng này giống như con thuyền đang chìm.

Theo bản án sơ thẩm, ngày 06/9/2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận phương án tái cơ cấu Trustbank theo hướng cho phép nhóm cổ đông cũ (nhóm Phú Mỹ của bà Hứa Thị Phấn) chuyển nhượng gần 85% cổ phần cho nhóm cổ đông mới (nhóm Thiên Thanh của Phạm Công Danh). Trước đó, trên thực tế, sau khi ký biên bản thỏa thuận với nhóm Phú Mỹ ngày 06/6/2012, Phạm công Danh đã bắt đầu đưa người vào tiếp quản Trustbank, tiến hành tái cơ cấu ngân hàng này. 

Tại phiên tòa phúc thẩm lần này, Phạm Công Danh luôn nhắc đi nhắc lại điệp khúc đã chi rất nhiều tiền để “tái cơ cấu” ngân hàng, ngoài tiền riêng thì Phạm Công Danh cùng các đồng phạm đã phải rút tiền trái phép từ ngân hàng để “tái cơ cấu” chính ngân hàng (?). Tuy nhiên, thực tế hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa cho thấy Phạm Công Danh không hề thực hiện bất cứ việc gì để “tái cơ cấu”, ngược lại Danh và các đồng phạm chỉ “cấu” tiền của ngân hàng.

Năng lực yếu vẫn mua ngân hàng

Tập đoàn Thiên Thanh được coi là nhân tố đóng vai trò quyết định trong phương án tái cơ cấu Trustbank. Theo thuyết minh của Phạm Công Danh, nhóm Tập đoàn Thiên Thanh có năng lực tài chính đủ để mua cổ phần từ nhóm bà Hứa Thị Phấn cũng như tăng vốn điều lệ, xử lý các vấn đề của ngân hàng. Thực tế theo báo cáo tài chính của Tập đoàn này đã không thể hiện như vậy.

Theo báo cáo tài chính năm 2011, trước khi mua Trustbank thì tổng nguồn vốn của Tập đoàn này là 1.389 tỷ đồng. Trong đó tiền nợ ngắn hạn là gần 400 tỷ đồng; Tài sản cố định là 854 tỷ đồng; Đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty khác là 402 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế chỉ là 143 triệu đồng, nhưng tính lũy kế thì Tập đoàn Thiên Thanh vẫn thua lỗ 1,3 tỷ đồng. Chính vì vậy, Tập đoàn Thiên Thanh không thể có tiền để mua lại Trustbank.  

Năm 2012, 2013, năng lực tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh hầu như không thay đổi gì. Lợi nhuận của Tập đoàn này năm 2012 là 106 triệu đồng, năm 2013 là 60 triệu đồng. Hết năm 2013, Tập đoàn Thiên Thanh vẫn lỗ lũy kế hơn 1,1 tỷ đồng.

Không những thế, Bản án sơ thẩm xác định số vốn chủ sở hữu được cho là đến 1.000 tỷ đồng của Tập đoàn Thiên Thanh là không có căn cứ, việc xác nhận vốn góp chỉ là hình thức nhằm hợp thức hóa việc tăng vốn điều lệ chứ chưa có đủ cơ sở xác định Phạm Công Danh đã góp đủ vốn. Như vậy, chính Tập đoàn Thiên Thanh đang khó khăn và cần được tái cơ cấu thì Tập đoàn này lại đi tái cơ cấu một Ngân hàng có tổng tài sản lớn gấp gần 20 lần Tập đoàn Thiên Thanh. Một doanh nghiệp đang thua lỗ lại đi tái cơ cấu một ngân hàng cũng đang thua lỗ với quy mô lớn hơn nhiều lần (?).

Theo quy định của pháp luật, Chủ tịch HĐQT của tổ chức tín dụng phải có bằng đại học kinh tế hoặc luật, chưa từng bị kết án về các tội xâm phạm sở hữu. Trong đề án tái cơ cấu Trusbank, Phạm Công Danh tự cho rằng mình và các cộng sự có đủ năng lực, kinh nghiệm và uy tín để quản trị, điều hành Trustbank.

Tuy nhiên, chính Phạm Công Danh không hề có trình độ, đã phải dùng bằng đại học giả. Nghiêm trọng hơn, Phạm Công Danh đã bị xử tù vì tội chiếm đoạt tài sản trước đó. Bản án sơ thẩm cũng xác định Phan Thành Mai không đủ điều kiện để làm Tổng Giám đốc theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, Phạm Công Danh vẫn được chấp thuận làm Chủ tịch ngân hàng, Phan Thành Mai vẫn được chấp thuận làm Tổng Giám đốc ngân hàng.
Sau khi nắm quyền kiểm soát Trustbank (sau đổi thành VNCB), bên trong thì Phạm Công Danh cùng đồng phạm bòn rút tiền ngân hàng, bên ngoài thì Phạm Công Danh liên tục tung ra những thông tin tích cực về năng lực tài chính, về trình độ, về chiến lược phát triển tốt đẹp của VNCB.

Khi phải chịu trách nhiệm hình sự, trước tòa sơ thẩm và phúc thẩm, thì Phạm Công Danh liên tục không nhớ, sức khỏe kém, không rành về chuyên môn, giao hết cho Phan Thành Mai…

Lá bài tái cơ cấu


Phạm Công Danh luôn cho rằng phạm tội vì động cơ mong muốn “tái cơ cấu” ngân hàng, cần rất nhiều tiền cho hoạt động của ngân hàng, cần rất nhiều tiền để chăm sóc khách hàng. 

Nhìn lại toàn bộ số tiền hơn 18.000 tỷ đồng đã rút ra trực tiếp từ VNCB và thông qua 3 ngân hàng khác, không có bất cứ đồng tiền nào được Phạm Công Danh sử dụng cho tái cơ cấu VNCB. Số tiền mua cổ phần Trusbank từ nhóm bà Hứa Thị Phấn, tăng vốn VNCB lên 7.500 tỷ đồng hầu hết được rút trái phép trực tiếp, gián tiếp từ VNCB, việc này là làm hại VNCB, nhằm mục đích cho Phạm Công Danh sở hữu và kiểm soát hầu như toàn bộ VNCB. 

Hơn 10.000 tỷ còn lại, Phạm Công Danh dùng để trả nợ cá nhân, trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh và chi tiêu không xác định được địa chỉ, một phần trong số này được Phạm Công Danh khai là chăm sóc khách hàng nhưng không xác định được là những ai, chi khi nào, chi bao nhiêu (?). Điệp khúc tái cơ cấu đã được Phạm Công Danh nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm.

Dư luận mong rằng trong phiên phúc thẩm này các vấn đề còn để ngỏ sẽ được làm sáng tỏ. Đó là việc vì sao Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh, với năng lực tài chính yếu kém lại được chấp thuận mua Trustbank, tại sao Phạm Công Danh và Phan Thành Mai không đủ điều kiện vẫn được làm sếp của ngân hàng….?

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến