Đại biểu Đà Nẵng: Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch 5 năm
31/10/2014 08:06:59
ANTT.VN - Trong phiên họp chiều nay, 30/10. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), nhận định việc hoàn thành 13/14 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong năm 2014 là một kỳ tích, nếu tình hình khả quan ta sẽ đạt chỉ tiêu kinh tế năm 2014 là 5,8%, dự kiến năm 2015 sẽ đạt 6,2%, nhưng tính bình quân theo kế hoạch 5 năm, từ 2011-2015 lại thấp hơn mục tiêu đề ra.

Tin liên quan

Đại biểu Huỳnh Nghĩa đưa ra 3 vấn đề trao đổi trong hội trường Quốc hội, như vấn đề kinh tế, doanh nghiệp và tình hình an ninh xã hội.

Thứ nhất, đánh giá về tình hình kinh tế, đại biểu Nghĩa đưa ra đánh giá như sau: Nếu tình hình khả quan, năm nay chúng ta đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% và sang năm 2015 là 6,2% , theo kế hoạch thì bình quân giai đoạn năm 2011 - 2015 ta sẽ đạt sấp sỉ 5,7% như vậy là thấp hơn với kế hoạch và mục tiêu đã đề ra. Nhìn vào số liệu qua từng năm, chúng  ta an tâm vào nền kinh tế đang tăng trưởng nhưng dựa vào các phân tích chi tiết về chất lượng tăng trưởng thì chúng ta đang đứng trước những thách thức nặng nề.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) (Ảnh: Báo Lao Động)

Theo đại biểu Nghĩa, kế hoạch 5 năm không đạt trong khi nợ công có xu hướng tăng, tái cơ cấu nền kinh tế chậm, các nguồn lực chưa được khai thác có hiệu quả. Trong 9 tháng qua số doanh nghiệp thành lập mới có tiến triển nhưng số giải thể, phá sản cũng không kém. Tổng cầu nền kinh tế suy giảm, tỷ số hàng hóa tồn kho tăng hơn 13% so với năm 2013. Trong khi đó cơ cấu chi ngân sách đang có những vấn đề mà xét về mặt lâu dài đã bộc lộ những bất cập.

“Chúng ta đã dành quá nhiều ngân sách để chi thường xuyên, nghĩa là chi cho bộ máy, chi trả nợ, nguồn tiền còn lại chi cho đầu tư phát triển quá khiêm tốn”. Ông Ngĩa nói.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị: “ Chính phủ cần tập trung, rà soát nguồn chi, kiểm soát chặt chẽ, bố trí tốt cho những công trình, chấm dứt tình trạng khởi công xây dựng nhưng không bố trí được nguồn vốn cân đối. Cần khẩn trương rà soát lại tình hình thực tế giải ngân các dự án đầu tư ngân sách và nợ xây dựng cơ bản, xử lý nợ xấu. Vấn đề sử dụng và giải ngân vốn trái phiếu chính phủ, tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục quy trình giải ngân để phát huy tác dụng các nguồn vốn đầu tư nhà nước, xem đây là một kênh rất quan trọng kích thích tổng cầu”. Bên cạnh đó, đại biểu Nghĩa cho rằng, cần sớm xem xét cải cách tiền lương.

Vấn đề thứ hai đại biểu Huỳnh Nghĩa nêu ra trong Quốc hội là việc ta đã đặt ra phát triển công nghiệp phụ trợ từ rất sớm, cách đây hàng chục năm, Nghị quyết và các kế hoạch của chúng ta đều nói về công nghiệp phụ trợ. Đã có nhiều cuộc hội thảo quốc tế và trong nước về chủ đề quan trọng này, vậy mà sau gần 40 năm thống nhất đất nước, vừa qua chúng ta mới làm được một số ốc vít cho một nhà máy nước ngoài đầu tư vào nước ta.

Đại biểu Nghĩa đặt câu hỏi: Vì sao lại như vậy? Ông cho rằng, ai cũng biết một nền kinh tế phát triển phụ thuộc vào nền tảng công nghiệp và coi đó như một yêu cầu tất yếu và có sự hài hòa vào các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp. Trong đó công nghiệp phụ trợ được xem là khâu trung gian quyết định. “Chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, thế nhưng chỉ còn 5 năm nữa là đến thời điểm lịch sử thiêng liêng ấy nhưng có lẽ khó mà đạt được các tiêu chí công nghiệp quốc bình thường chứ chưa nói đến là yêu cầu hiện đại hóa”.

“Cuộc sống đòi hỏi phải có sự thay đổi cách tiếp cận và xác định tiêu chí phát triển”, ông Nghĩa nhận định.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị, bên cạnh việc sử dụng chỉ tiêu GDP cần cụ thể nội dung xác đinh trách nhiệm với việc không hoàn thành chỉ tiêu, có một lộ trình cụ thể với những giải pháp khả thi triển khai chiến lược phát triển ban hành chính sách đúng để thu hút và thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp phụ trợ. Chính phủ cần tập trung cải cách thể chế kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà doanh nghiệp trong nước sản xuất kinh doanh . Cần phải thực hiện phân bổ và sử dụng nguồn lực theo cơ chế thị trường khắc phục tình trạng chủ quan, xin – cho, xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp hoặc bất bình đẳng trong cơ hội kinh doanh tiếp cận các nguồn vốn.

Vấn đề thứ ba, đại biểu Nghĩa nêu ra những bất cập về tình hình an ninh, xã hội và dẫn chứng:  Hiện nay trong cả nước mỗi năm có khoảng 70% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa điều này xứng đáng cho chúng ta tự hào, tuy nhiên: “chưa bao giờ quản lý xã hội bộc lộ những bất cập gay gắt như hiện nay, các chuẩn mực đạo đức trong xã hội, quan hệ truyền thống tốt đẹp của cha ông dần bị mai một, xuống cấp tình trạng con giết cha, vợ giết chồng vì những lý do vô cùng đơn giản làm đau lòng xã hội, tệ nạn cờ bạc, cá độ bóng đá, ma túy có chiều hướng tăng, làm cho bao nhiêu gia đình tan nát”.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa thẳng thắn nói: “ Tôi đề nghị Chính phủ cần sớm đưa ra biện pháp mạnh để giải quyết triệt để vấn nạn này, nhằm xây dựng xã hội văn minh, tốt đẹp. Thay đổi cách đầu tư, chấm dứt tình trạng phân bổ ngân sách dàn trải. Quan trọng là phải có một tầm nhìn toàn diện, ý tưởng triển khai thực tế và xác định mục tiêu cụ thể là trách nhiệm cuối cùng trong mỗi chúng ta phải tìm, sẽ không có một thay đổi căn bản nếu không có một cơ chế chịu trách nhiệm cuối cùng của cá nhân với mỗi nhiệm vụ, đổi mới xây dựng chỉ tiêu kế hoạch và cách xác định mục tiêu cần cụ thể theo hướng định lượng tránh nói chung chung như lâu nay”.

Ông Nghĩa góp ý, cần lưu ý các biện pháp cụ thể về mặt chính sách vĩ mô làm khơi dậy, thúc đẩy xã hội và doanh nghiệp cũng phát triển, bởi suy cho cùng đất nước có phát triển bền vững hay không chủ yếu phục thuộc vào nhân tố con người, đặc biệt là đội ngũ doanh nhân với tinh thần mạo hiểm kinh doanh hợp lý, không ngừng lớn mạnh đủ sức hội nhập tích cực vào nền sản xuất và kinh doanh quốc tế.

Kiều Chinh
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến