Dòng sự kiện:
Đại biểu đề nghị làm rõ kết quả nghiên cứu vaccine trong nước
07/01/2022 15:25:18
Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho rằng vaccine nội địa đóng vai trò rất quan trọng đảm bảo an ninh y tế lâu dài. Ông đề nghị làm rõ kết quả nghiên cứu vaccine nội địa.

Sáng 7/1, Quốc hội thảo luận về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) đặt câu hỏi: “Khi nào đủ điều kiện phê duyệt và tiêm chủng cho người dân trong nước?”

Đại biểu cho rằng trong 3 năm qua, dịch đã ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, sản xuất kinh doanh nói chung. Việc xem xét gói hỗ trợ kinh tế lúc này là rất cần thiết, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi nhanh, vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, ông cho rằng dịch còn diễn biến khó lường, phức tạp. Để các chính sách tài chính và tiền tệ phát huy giá trị thì việc quan trọng nhất là sống chung an toàn với dịch. Do đó, cần tập trung nâng cao cơ sở hạ tầng, y tế, mua vaccine.

Đại biểu Thái Bình nhấn mạnh việc nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước là trách nhiệm của Nhà nước, nhiệm vụ quan trọng bảo đảm bảo an ninh y tế lâu dài.

“Tôi cho rằng cần làm rõ kết quả nghiên cứu vaccine trong nước”, ông Nguyễn Văn Huy nói.

Thử nghiệm tiêm một loại vaccine nội địa. Ảnh: Thạch Thảo.

Đại biểu cũng cho rằng chương trình phục hồi kinh tế - xã hội cần có thêm đánh giá dự kiến tác động như chỉ số vĩ mô, tốc độ GDP, vay - trả nợ công công. Đại biểu dẫn lại mục tiêu của chương trình giúp tăng tưởng GDP 6,5-7% trong 2021-2025 và đề nghị làm rõ tăng thêm so với 2021 hay các chỉ tiêu khác. “Hai nữa là cần làm rõ thêm tác động của chính sách tài khóa và tiền tệ với nền kinh tế”, ông nói.

Trước đó, tại phiên thảo luận tổ chiều 4/1, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) cũng đặt vấn đề cần thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Ông cho ràng năm 2022 cần khoảng 175 triệu liều vaccine nên việc mua trên thế giới rất khó khăn.

“Phải ưu tiên khuyến khích làm vaccine trong nước thật sớm”, ông Nhân đề xuất.

Tại Việt Nam, hiện Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng khẩn cấp 9 loại vaccine. Về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng vaccine trong nước, hiện có các ứng viên vaccine như Nanocovax, Covivac, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, vaccine do Công ty Shionogi (Nhật Bản) phát triển.

Hồi tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng khẳng định việc thúc đẩy sản xuất vaccine và thuốc điều trị sẽ giúp tăng cường năng lực y tế trong nước, góp phần phát triển ngành công nghiệp dược của Việt Nam.

Ông giao Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương rà soát lại, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, bổ sung các cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất thuốc và vaccine trong nước.

Hiện, vaccine Nanocovax vẫn đang chờ cấp phép khẩn cấp. Công ty Nanogen cùng các đơn vị liên quan đến vaccine đang khẩn trương hoàn tất báo cáo bổ sung theo Công văn số 1652/BYT-K2ĐT ngày 21/11/2021 của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế.

Theo Bộ Y tế, hiện có 5 loại vaccine phòng Covid-19 đang được nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam. Trong đó, 2 loại vaccine do chính Việt Nam nghiên cứu, phát triển là Nano Covax và Covivac; 2 loại vaccine được chuyển giao công nghệ từ nước ngoài là Vaccine VBC-COV19-154 và Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein; một loại được gia công đóng ống tại Việt Nam là Vaccine Covid-19 Sputnik V.

Tác giả: Nguyễn Nguyễn

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến