Dòng sự kiện:
Đại biểu Hà Nội: Chủ động vaccine là giải pháp căn cơ để trẻ đi học
21/10/2021 15:49:30
Hà Nội bước sang giai đoạn mới, tưởng bớt vất vả nhưng với y tế lại càng khó khăn hơn trong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin về tình hình COVID-19. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Hà Nội trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội (đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội), nếu có chiến lược vaccnie chủ động, thành phố sẽ có giải pháp căn cơ, bài bản chống dịch, nhất là vaccine cho trẻ em khi Hà Nội có lượng học sinh, sinh viên lớn tới trường.

Bên lề Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, diễn ra sáng 21/10, bà Trần Thị Nhị Hà đã có một số chia sẻ với phóng viên về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô.

Phải có chiến lược vaccine chủ động

Chiến dịch xét nghiệm và tiêm chủng là một trong những 'đòn đánh' quan trọng giúp khống chế dịch. Xin bà chia sẻ về chiến dịch này?

Bà Trần Thị Nhị Hà: Đây là điểm nhấn của Hà Nội trong công tác phòng dịch.

Về tiêm chủng, trong 5 ngày Bộ Y tế cấp cho Hà Nội 3,2 triệu liều vaccine, đây là áp lực vô cùng lớn. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, ngành y tế đã vượt qua khó khăn. Chiến dịch tiêm chủng có nhiều ấn tượng, đặc biệt là tạo sự tin tưởng, đồng thuận tham gia của người dân.

Về chiến dịch xét nghiệm, Hà Nội áp dụng công thức theo đúng chỉ định của dịch tễ, quy mô diện rộng, căn cứ sự lây lan virus, vùng nguy cơ, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và công tác phòng dịch, phát hiện sớm, chủ động các ca COVID.

Đoàn Đại biểu quốc hội Hà Nội thảo luận ở tổ về phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Hiện Hà Nội bước sang giai đoạn mới, tưởng bớt vất vả nhưng với y tế lại càng khó khăn hơn khi chúng ta thực hiện chỉ đạo của Chính phủ: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Nguyên nhân là bởi khi mở cửa, người dân các tỉnh về Hà Nội nhiều nên hệ thống y tế phải vả hơn. Đây là áp lực lớn với ngành y tế để chống chọi, khống chế dịch bệnh trong trong giai đoạn mới. Điều này cần chiến lược bài bản trong xét nghiệm, điều tra truy vết...

Vậy y tế Hà Nội có kiến nghị, đề xuất gì để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới?

Bà Trần Thị Nhị Hà: Tôi cho rằng rất cần có chiến lược vaccine của năm 2022. Tuy vậy, hiện lượng vaccine cấp cho Hà Nội rất bị động. Khi chúng ta có chiến lược vaccine chủ động thì sẽ có giải pháp căn cơ, bài bản chống dịch, nhất là vaccine cho trẻ em khi Hà Nội có lượng học sinh, sinh viên lớn tới trường.

Với thông điệp truyền thông sống thích ứng, cần nâng cao năng lực hệ thống y tế từ dự phòng, cơ sở, điều trị phải như kiềng 3 chân, trụ cột, then chốt trong phòng chống dịch.

Ngoài ra, cần có cơ chế đặt hàng cho dịch vụ xét nghiệm định mức kinh tế xét nghiệm cho dịch vụ này.

Trong chống dịch, chúng tôi cần nguồn lực dự trữ quốc gia và mua sắm tập trung, có điều tiết của Chính phủ, Bộ Y tế vì diễn biến dịch rất nhanh và khó lường, bất cứ lúc nào cũng có thể gây thảm họa.

Nếu việc dự trữ, mua sắm, đấu thầu không theo kịp diễn biến dịch có thể xảy ra tình huống: Khi dịch bùng phát thì thiếu, khi dịch hết đi thì thừa. Vì thế cần phải có nguồn dự trữ quốc gia và điều tiết của Chính phủ, Bộ Y tế để đảm bảo các tỉnh, thành phố yên tâm trong chống dịch.

Ngành y tế Hà Nội đang hết sức nỗ lực song sức dân cực kỳ quan trọng, góp phần chiến thắng đại dịch. Mong Chính phủ cũng có cơ chế, chính sách để huy động sức dân một cách cụ thể để tham gia công tác phòng dịch.

Không bỏ sót ca F0, F1

Bà có thể chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh của Hà Nội trong giai đoạn vừa qua?

Bà Trần Thị Nhị Hà: Có thể thấy, ảnh hưởng của dịch sâu sắc đến toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội, gây tổn thất to lớn mà việc khắc phục không thể một sớm một chiều.

Về bức tranh toàn cảnh công tác phòng chống dịch, đặc biệt lĩnh vực y tế, theo tôi đây là dịch bệnh chưa từng có trong tiền lệ. Bởi thế, trong quá trình triển khai thực hiện vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng phải hết sức thận trọng vì sai lầm có thể trả giá bằng sức khỏe tính mạng người dân. Do đó, chúng tôi phải tính toán tỷ mỷ, cẩn trọng, biết lắng nghe khoa học, kết hợp thực tiễn với yếu tố chuyên môn…

Trong quá trình tổ chức thực hiện sức dân vô cùng quan trọng. Với lực lượng y tế, chúng tôi luôn tập huấn, lan tỏa, chia sẻ để anh em thấy mình được phục vụ người dân, người dân cần mình... Như thế, dù có lúc mệt mỏi, kiệt sức nhưng anh em vẫn nỗ lực hoàn thành công việc.

Nhiều biện pháp phòng, chống dịch được triển khai trong thời gian qua được cho là chưa có tiền lệ, xin bà điểm lại một số biện pháp căn cơ giúp Hà Nội thành công cho đến thời điểm hiện tại?

Bà Trần Thị Nhị Hà: Với bức tranh công tác phòng dịch của Thủ đô, tới nay chưa thể nói là thành công nhưng Hà Nội đã chủ động kiểm soát được dịch bệnh. Đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A, chúng tôi tiến hành từng việc một cách khoa học, nghiêm túc, minh bạch trong công bố.

Công tác chống dịch của Hà Nội là một khối thống nhất từ lãnh đạo thành phố, chính quyền cơ sở, lực lượng ban ngành để có sự lan tỏa tới người dân, tạo sự đồng thuận. Cái khó của Hà Nội là vừa phải chấp hành chủ trương, chính sách của Chính phủ, Bộ Y tế nhưng phải phù hợp thực tiễn.

Thực tế khi áp dụng các mô hình vào Hà Nội là rất khó bởi thành phố tập trung rất đông dân. Nhìn lại các mô hình Hà Nội từng áp dụng, có một số Thủ đô đi trước, một số thì chấp hành theo hướng dẫn nhưng chúng tôi đã kiên định thực hiện, đem lại hiệu quả.

Đơn cử như khi điều tra truy vết, thực hiện đúng chỉ đạo của Trung ương, Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo kiên quyết, cố gắng hết sức không bỏ sót ca F0, F1 và quản lý F2. Tôi cho rằng khi chưa bao phủ hết vaccine, ý thức người dân đâu đó còn hạn chế thì công tác điều tra truy vết cực kỳ quan trọng.

Hà Nội cũng kiên định công thức 4-6 (4 giờ điều tra, 6 giờ trả xét nghiệm), nỗ lực trong ngày hoàn thành công tác này. Đây là điểm tích cực của hệ thống y tế dự phòng, giúp xây dựng rào cản thép che chở hệ thống điều trị.

Cũng ngay từ khi có dịch, với sự chỉ đạo của Bí thư Thành ủy và các lãnh đạo thành phố, Hà Nội đã huy động tất cả lực lượng y tế tham gia chống dịch. Sau này Thủ tướng cũng chỉ đạo huy động các tỉnh, thành phố lân cận hỗ trợ Hà Nội.

Ngoài ra, với Hà Nội cũng có những mô hình hay được Thủ tướng từng đưa ra để các tỉnh tham khảo như: “Cách ly 3 lớp.” Trong 3 lớp này phối hợp nhuần nhuyễn cả 3 Chỉ thị và ngành cũng lan tỏa mô hình này tới các địa phương trong toàn Hà Nội để học hỏi, tham khảo, linh hoạt theo thực tiễn.

Hà Nội cũng xây dựng được mô hình vùng xanh an toàn, khích lệ người dân hỗ trợ người dân, dân trông dân; tổ COVID cộng đồng tham gia truy vết; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng dịch. Ngoài ra, mạng lưới thầy thuốc đồng hành chăm sóc sức khỏe cho người dân từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở cũng là điểm mạnh của Hà Nội. Đến nay, nhiều tỉnh cũng lan tỏa mô hình mạng lưới thầy thuốc đồng hành này. Đặc biệt, đối tượng tham gia hệ thống y tế này đều là các tình nguyện viên, không có chi trả tài chính nhưng vẫn làm việc ngày đêm, được người dân rất tin tưởng.

Thời gian qua, Bộ Y tế ban hành mô hình Trạm y tế lưu động. Nhưng ngay từ khi Hà Nội thực hiện cách ly, phong tỏa, những Trạm Y tế lưu động của thành phố đã hình thành để chăm sóc sức khỏe người dân ngay tại tuyến y tế cơ sở như phát thuốc, khám chữa bệnh tại nhà....

Xin cảm ơn bà!

Nhóm PV

Theo: Vietnam+
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến