Dòng sự kiện:
Đại biểu 'hiến kế' nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội nhiệm kỳ mới
07/04/2021 16:03:34
Từ thành công và những vấn đề còn tồn tại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất, kiến nghị những điểm Quốc hội khóa XV cần chú trọng để hoạt động hiệu quả hơn.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và Tổng kiểm toán Nhà nước. Ảnh: TTXVN)

"Chú trọng hơn nữa đến công tác lập pháp, tăng cường vai trò giám sát và phát huy hơn nữa chất lượng của đại biểu Quốc hội để quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước hiệu quả hơn" là những kiến nghị, kỳ vọng của các đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Đầu tư hơn nữa cho lập pháp

Theo đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua đã đạt nhiều thành quả ấn tượng, tạo được niềm tin của cử tri và nhân dân cả nước đối với kết quả hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, còn những vấn đề mà cử tri mong muốn nhiều hơn, đặc biệt là trong vấn đề xây dựng thể chế, xây dựng pháp luật đồng bộ, kịp thời, để tháo gỡ, sửa đổi những luật hiện nay đang bất cập, cản trở sự phát triển của đất nước, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

“Hiện nay còn rất nhiều luật đang ở trong tình trạng đó,” đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh nói.

Cùng trăn trở với vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng công tác lập pháp là nhiệm vụ quan trọng nhất nhưng lại là lĩnh vực còn nhiều hạn chế. Đại biểu Ngân nêu dẫn chứng về việc trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã thông qua 72 luật nhưng trong đó hơn 1/3 là luật sửa đổi và bổ sung. “Điều đó cho thấy tuổi thọ của luật còn hạn chế. Thậm chí có những luật chúng ta mới ban hành, chưa đi vào cuộc sống thì phải bổ sung, sửa đổi. Một số luật quan trọng nhưng chậm sửa đổi, chậm ban hành mà cử tri năm nào tiếp xúc cũng nhắc đến như là Luật Đất đai,” đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, luật phải mang tính ổn định lâu dài nhà đầu tư mới có thể quyết định đầu tư dài hạn. Việc sửa đổi luật khiến các cơ quan hành pháp khi thực hiện cũng phải cập nhật liên tục và đôi khi có những thách thức trong việc triển khai thực thi công tác quy phạm pháp luật. Việc Chính phủ phải thực hiện 579 chuyến công tác “lên rừng, xuống biển” thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ, nhưng cũng cho thấy các địa phương hiện nay còn đang rất lúng túng, khi các văn bản quy phạm pháp luật chưa rõ ràng.

Một trong những nguyên nhân của vấn đề này theo đại biểu Trần Hoàng Ngân là công tác đầu tư cho lập pháp, kể cả đầu tư về nguồn nhân lực, tài chính còn rất hạn chế, trong khi những thiệt hại do những vướng mắc về luật là rất lớn so với việc đầu tư cho công tác làm luật chất lượng hơn. Ông Ngân viện dẫn một dự án đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng nhưng nếu bị vướng, vênh bởi các luật, dẫn đến chậm triển khai sẽ đội vốn lên tới hàng chục ngàn tỷ, thậm chí có những dự án đội gấp ba lần.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. (Ảnh: TTXVN)

“Điều đó là do hệ thống luật của chúng ta chưa đồng bộ, bị chồng chéo. Như vậy, chúng ta đầu tư cho việc xây dựng luật pháp xứng đáng với quá trình nghiên cứu, làm luật, để luật đi vào cuộc sống thì hiệu quả hơn. Quy trình soạn thảo luật pháp cũng cần phải chuyên nghiệp hơn và phải huy động được nhiều nhà làm luật, nhiều luật gia, nhiều nhà nghiên cứu luật tham gia, phải đặt lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân lên trên hết,” đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Tăng cường giám sát

Bên cạnh công tác lập pháp, vai trò giám sát của Quốc hội cũng là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội trăn trở, gửi gắm tới nhiệm kỳ khóa tới.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, ban hành luật chưa đủ, Quốc hội cần tăng cường giám sát công tác thực thi pháp luật. Nêu một vấn đề cụ thể, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho hay trong vấn đề ủy quyền lập pháp trong luật thường có rất nhiều điều khoản giao cho Chính phủ quy định chi tiết. “Quốc hội có giám sát việc quy định chi tiết đó chưa? Có, nhưng còn rất ít, rất khiêm tốn. Cho nên, chúng ta cần phải tăng cường giám sát công tác ủy quyền lập pháp để những văn bản quy phạm pháp luật, những văn bản, nghị định, thông tư hướng dẫn luật phải phù hợp với luật mà đã được Quốc hội thông qua,” đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Đây cũng là kiến nghị của đại biểu Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh, đoàn Ninh Thuận. “Phải tăng cường hơn nữa hoạt động dân chủ và giám sát của Quốc hội. Tôi rất mong Quốc hội, các Ủy ban Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội làm tốt hơn nữa chức năng giám sát để nghị quyết của Quốc hội, các chính sách pháp luật đi vào cuộc sống và có kiểm đếm, đánh giá, kiểm tra khắc phục những bất cập yếu kém kịp thời để thúc đẩy sự phát triển tiến lên,” đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh kiến nghị.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, bên cạnh tăng cường giám sát, Quốc hội cần quan tâm, nghiên cứu thêm về vấn đề hậu giám sát một cách thiết thực, cụ thể, với các tiêu chí định lượng rõ ràng, các chỉ số đo khả tín, tạo niềm tin vững chắc hơn cho cử tri với công tác giám sát của Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu

Không chỉ là hoạt động giám sát của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, đại biểu Ngô Sách Thực, đoàn Bắc Giang cho rằng còn cần phải tăng cường vai trò giám sát của nhân dân. Kiến nghị tới Quốc hội khóa XV, đại biểu Ngô Sách Thực đề xuất xuất Quốc hội hoàn thiện chính sách, cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. “Để phát huy các hình thức giám sát, nhiệm kỳ tới cần xây dựng Luật Giám sát nhân dân,” đại biểu Ngô Sách Thực nói.

Trao quyền nhiều hơn cho đại biểu chuyên trách

Để Quốc hội hoạt động hiệu quả trên cả ba vai trò lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, chất lượng đại biểu là yếu tốt then chốt quyết định. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đó, các đại biểu kiến nghị Quốc hội khóa XV cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách, tăng thời gian thảo luận nghị trường và tăng cường việc tiếp xúc cử tri.

Đại biểu Ngô Sách Thực, đoàn đại biểu Quốc hội Bắc Giang đề nghị Quốc hội quan tâm tới đại biểu chuyên trách, tăng số lượng, chất lượng đại biểu chuyên trách, hoàn thiện địa vị pháp lý, chế độ cho đại biểu chuyên trách, lựa chọn đại biểu có tâm, có tầm, đủ tiêu chuẩn, kinh nghiệm, điều kiện hoạt động chuyên trách, thể hiện ý chí, trí tuệ của nhân dân và khát vọng vươn lên của dân tộc.

Cùng ý kiến này, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng, đoàn đại biểu Quốc hội Hải Dương kiến nghị Quốc hội khóa XV trao quyền nhiều hơn cho các đại biểu chuyên trách, gắn với trách nhiệm của các đại biểu chuyên trách của trung ương cũng như của mỗi địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan, đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng Quốc hội nên định hướng tăng cường, cân đối thêm thời lượng và phân bổ thời gian thêm để thảo luận trên nghị trường Quốc hội cho các vấn đề quan trọng của đất nước ở tầm vĩ mô, tầm quốc gia.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quốc Bình, đoàn Hà Nội kiến nghị Quốc hội cần tiếp tục có những giải pháp để các đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội gắn bó mật thiết hơn với cử tri, giải quyết triệt để khiếu nại và nguyện vọng của cử tri./.

Tác giả: Nhóm PV

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến