Dòng sự kiện:
Đại biểu Quốc hội chuyên trách phải có quy hoạch thứ trưởng trở lên
25/02/2021 18:30:27
Người được giới thiệu để bầu đại biểu Quốc hội chuyên trách phải có quy hoạch chức danh thứ trưởng và tương đương trở lên là điểm mới trong hướng dẫn bầu cử lần này.

Ông Đặng Cao Đức, Phó vụ trưởng Vụ 5 (Ban Tổ chức Trung ương), cho biết theo hướng dẫn số 36 ngày 20/1 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có nhiều điểm mới so với trước đây.

Trong đó, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước nếu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp phải đủ tuổi công tác 2 nhiệm kỳ trở lên, ít nhất trọn một nhiệm kỳ.

Trường hợp giới thiệu tái cử phải còn đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ, ít nhất đủ tuổi công tác từ 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên.

Hướng dẫn 36 bổ sung cụ thể yêu cầu không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; người đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết...

Kiên quyết không để lọt người không xứng đáng, chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội và HĐND các cấp.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: TTXVN.

Một điểm mới được bổ sung trong hướng dẫn 36 về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu HĐND chuyên trách là người được giới thiệu phải có quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc quy hoạch chức danh thứ trưởng và tương đương trở lên.

Ở địa phương, người được giới thiệu phải là các chức danh giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên; chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh, giám đốc công an tỉnh và tương đương trở lên.

Nội dung trên được thông báo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, do Bộ Nội vụ tổ chức sáng 25/2.

Tại hội nghị, ông Phan Văn Vượng (Phó trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho biết thêm đối với nhân sự là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước, việc giới thiệu ứng cử phải thực hiện theo đúng các quy định của Đảng, Nhà nước.

Với người ngoài Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan xem xét, kết luận về tiêu chuẩn chính trị và chịu trách nhiệm về kết luận của mình.

Thời gian nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 bắt đầu từ 22/2 và kết thúc vào 17h ngày 14/3. Ủy ban bầu cử các cấp có trách nhiệm thông báo công khai địa điểm và thời gian tiếp nhận hồ sơ ứng cử trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.

Hướng dẫn số 36 của Ban Tổ chức Trung ương xác định cụ thể thời điểm cán bộ, công chức, viên chức lần đầu ứng cử.

Đó là nam sinh từ tháng 2/1966, nữ sinh từ tháng 1/1971 trở lại đây. Tức là tính đến tháng 5/2021 (thời điểm bầu cử) chưa quá 55 tuổi 3 tháng đối với nam; 50 tuổi 4 tháng đối với nữ.

Với nhân sự tái cử, nam sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây. Tức là tính đến lúc bầu cử, nam chưa quá 57 tuổi 9 tháng, nữ chưa quá 52 tuổi 10 tháng.

Đối với cán bộ nữ thuộc đối tượng nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn, người ứng cử lần đầu sinh từ tháng 1/1966, tái cử sinh từ tháng 7/1963 trở lại đây. Theo đó, đến ngày bầu cử, những trường hợp này chưa quá 55 tuổi 4 tháng.

Tác giả: Hoài Vũ

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến