Ông Trần Đăng Ninh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện nay, danh sách thí sinh bị can thiệp sửa điểm đã được chuyển về cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết. “Tỉnh Hòa Bình sẽ công khai danh sách này. Tuy nhiên, chúng tôi đang cân nhắc thời điểm công bố cho phù hợp bởi hiện nay, cơ quan công an vẫn đang trong quá trình điều tra. Mặt khác, Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay cũng đang tới gần,” Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Hòa Bình cho hay.
Theo thông tin do ông Trần Đăng Ninh cung cấp, nhiều thí sinh trong danh sách thí sinh bị can thiệp sửa điểm tại Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình đã đăng ký tham dự kỳ thi năm nay.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình Trần Đăng Ninh trao đổi với báo chí bên lề Kỳ họp thứ bảy - Quốc hội khóa XIV.
Bên cạnh đó, ông Trần Đăng Ninh cũng cho biết, những cán bộ công chức, viên chức có con em thuộc danh sách nêu trên cũng đang trong quá trình kiểm điểm trách nhiệm về mặt Đảng.
“Về hình thức kỷ luật Đảng, chúng tôi vẫn đang xem xét dựa trên giải trình của mỗi cá nhân. Sau khi hoàn tất các thủ tục, hình thức kỷ luật Đảng sẽ được ban hành. Việc xử lý về mặt chính quyền sẽ được thực hiện sau khi cơ quan điều tra công bố kết luận chính thức về mức độ vi phạm của những người liên quan,” ông Trần Đăng Ninh cho biết.
Chia sẻ về vụ tiêu cực thi cử ở Hà Giang, Bí thư Triệu Tài Vinh nói ông muốn làm nhanh nhưng việc gì cũng có quy trình. Về bản thân mình, ông nói bản thân đã bị dư luận phán xét.
“Tôi vừa gọi điện về, nói phải khẩn trương kiểm điểm đi”, Bí thư Triệu Tài Vinh nói.
Trước câu hỏi liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu địa phương trong vụ việc này, ông Vinh nói: “Tôi biết anh quan tâm tới gì. Tôi còn nóng hơn anh. Vấn đề là xử lý những người có tên liên quan, ví dụ như cá nhân tôi đúng không? Tôi thì dư luận phán xét xong rồi”.
Bí thư Hà Giang cho rằng việc khởi tố vụ án liên quan đến con người, trách nhiệm và hiện vụ việc đang trong quá trình xử lý. “Cái gì cũng có quy trình của nó”, ông Vinh nói và cho biết thêm có thể một tháng nữa sẽ có kết quả. Thậm chí, ông cho biết còn muốn làm nhanh hơn.
Liên quan đến vấn đề này, bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cho biết: “Các lãnh đạo trực tiếp tham gia vi phạm đã bị khởi tố, truy cứu rất rõ. Ở đây, phải nói đến là một số phụ huynh là cán bộ có con trong diện được nâng điểm. Cần xem xét họ có trực tiếp tham gia hay không? Ý của người dân là rất muốn công khai minh bạch. Tôi ủng hộ việc công khai minh bạch, nhưng làm sao không để ảnh hưởng đến những người không cố tình làm”.
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ quan điểm của mình.
Nói về việc thời gian gần đây có cảm giác việc xử lý gian lận thi cử dường như bị lắng xuống khi kỳ thi THPT sắp diễn ra, ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết: “Tôi cho rằng, cơ quan điều tra đang điều tra và họ làm khá quyết liệt, quá trình điều tra đang được diễn ra, chưa đến lúc đưa ra kết luận và chúng ta đang sốt ruột kết luận cuối cùng. Những cơ quan tố tụng sẽ làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình”.
Cũng chia sẻ về việc ai sẽ là người đứng ra công khai danh tính người vi phạm, ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn cho rằng câu hỏi này cần đưa lên cấp cao hơn.
Bày tỏ về việc công khai danh tính cán bộ trong vụ gian lận thi cử, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng: “Công khai những cán bộ, công chức kể cả lãnh đạo vi phạm gian lận thi cử hoặc có liên quan đến quá trình này thì công luận đã thông tin. Thế nhưng, điều mà người dân và cử tri cần là công bố chính thức từ cơ quan có thẩm quyền. Tôi cho rằng, cơ quan có thẩm quyền nên công bố đàng hoàng, đồng thời làm rõ trách nhiệm của những người sai phạm.
Trả lời câu hỏi ai sẽ là người công khai danh tính cán bộ, lãnh đạo vi phạm trong vụ gian lận thi cử gây ồn ào, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: “Người công khai chính, đầu tiên phải là Bộ trưởng bộ GD&ĐT, bởi Bộ trưởng là người phụ trách ngành, còn ở địa phương thì Chủ tịch UBND tỉnh là người công khai”.
Nói về hình thức công khai, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng nói thêm: “Phải ra quyết định, công bố chính thức và áp dụng trách nhiệm. Công bố những người có liên quan đến gian lận thi cử, giúp cho Đảng, Nhà nước làm trong sạch vấn đề thi cử. Còn tại sao lại giấu giếm thì tôi nghĩ rằng giấu giếm là có vấn đề.
Trước đó, tại Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018, tổng số thí sinh bị phát hiện gian lận là 222 thí sinh, trong đó có 114 thí sinh ở Hà Giang (đã đã bị trả về điểm thật trước mùa tuyển sinh năm 2019; 64 thí sinh ở Hòa Bình (một thí sinh của năm 2017) và 44 thí sinh ở Sơn La. Trong số này có sáu thủ khoa, á khoa các trường Đại học lớn được nâng từ 15 đến 27 điểm; vẫn còn 37 thí sinh sửa điểm chưa được xác định. Đa số cha mẹ của các thí sinh được nâng điểm đều là quan chức, công chức, viên chức. Sau Bí thư Tỉnh ủy, Phó Giám đốc Sở, doanh nghiệp lớn ở Hà Giang, những chức danh quyền lực của các phụ huynh Sơn La có con được nâng điểm cũng được công khai như: Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Chi cục trưởng Chi Cục thuế, Giám đốc VNPT tỉnh, Phó chánh thanh tra tỉnh, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, các Phó chủ tịch UBND TP Sơn La, huyện Quỳnh Nhai...
|
Ly Na (t/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy