Dòng sự kiện:
Đại biểu Quốc hội phản ứng 'gắt' với giá thịt lợn tăng cao
13/06/2020 20:08:03
Có đại biểu cho rằng giá lợn ở mức cao do bị các doanh nghiệp chăn nuôi lớn khống chế từ con giống giá cao đến nguồn cung lợn hơi thiếu hụt.

Trước việc giá các sản phẩm thịt lợn tăng cao, trao đổi bên hàng lang Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ cho phép nhập khẩu con giống bố mẹ về để nhân giống tái đàn, mới đây nhất là cho phép nhập khẩu lợn sống để đáp ứng nguồn cung trong nước, góp phần bình ổn giá thịt lợn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong tái đàn, tăng đàn sau thiệt hại của dịch tả lợn Châu Phi, trong đó đáng chú ý là cho phép nhập khẩu lợn sống để “giảm nhiệt” giá thịt lợn trong nước được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao.

Giá lợn hơi, lợn thịt vẫn duy trì ở mức cao từ đầu năm 2020.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, nhận định việc giá thịt lợn tăng cao trong một thời gian dài là do doanh nghiệp chăn nuôi lớn khống chế giá.

“Từ chỗ có lợi nhuận cao khiến các doanh nghiệp lớn đã tính toán tái đàn lợn cho bản thân, không chia sẻ với lợi ích của người nông dân. Giá lợn không giảm được là do các doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn khống chế giá. Doanh nghiệp không cung cấp con giống ra thị trường để bán cho người chăn nuôi nhỏ lẻ, hoặc có bán đi thì với giá rất cao. Người chăn nuôi họ không có khả năng mua giống lợn tái đàn, thậm chí họ lo ngại với giá lợn giống cao như vậy sau quá trình chăn nuôi bán ra sẽ rất khó có lãi”, Đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích.

Một số đại biểu cho rằng, việc nhập lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam có tác động tức thì, góp phần giảm giá thịt lợn trong nước nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt. Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP HCM kiến nghị, những doanh nghiệp chăn nuôi lớn và sản xuất chế biến thực phẩm, cần tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng góp phần bình ổn giá thịt lợn trên thị trường.

“Lĩnh vực chăn nuôi và lương thực cần phải được quan tâm. Đặc biệt, những lĩnh vực liên quan đến đời sống an sinh xã hội của người dân phải có sự tham gia của doanh nghiệp Nhà nước, qua đó mới điều tiết được thị trường. Trong cơ chế thị trường sẽ chịu tác động về nguồn cung, khi nguồn cung dồi dào giá sản phẩm sẽ giảm, nên không làm chủ được nguồn cung thì giá sẽ khó giảm. Vừa rồi Chính phủ đã cho nhập khẩu thịt lợn để tăng nguồn cung và cũng cần phải khuyến khích người dân sử dụng thịt lợn nhập khẩu”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ.

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến