Dòng sự kiện:
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Dự trữ ngoại hối của chúng ta đủ can thiệp thị trường
01/06/2019 18:10:14
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) đã nhấn mạnh điều này khi phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại hội trường Quốc hội sáng ngày 31/5.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Nhìn lại tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, bên cạnh những thành tựu thì chúng ta vẫn còn một số tồn tại mà một số đại biểu Quốc hội đã đề ra. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay đang có những chuyển biến rất phức tạp, và theo xu hướng giảm dần tình hình về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tiếp tục leo thang, hay khu vực Biển Đông, bán đảo Triều Tiên, Iran vẫn đang diễn biến phức tạp.

"Với những diễn biến đó, tôi cho rằng tình hình kinh tế của nước ta đã đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng", ông Ngân nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đã nêu lên 3 điểm nhấn quan trọng. Thứ nhất, GDP năm 2018 tăng trưởng 7,08% và đây là cao nhất trong 11 năm qua, kể từ khi chúng ta có ảnh hưởng bởi khủng hoảng suy thoái kinh tế. Năm 2008, GDP của chúng ta ở mức 99 tỷ đôla, hiện nay chúng ta là 245 tỷ đôla, tức là tăng 2,5 lần. Hay GDP bình quân đầu người năm 2008 là 1.140 đôla, hiện nay là 2.590 đôla, tức là gấp 2,3 lần. Nói như vậy, để chúng ta có thêm niềm tin và bước tới tăng tốc.

Điểm thứ hai, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, chất lượng tăng trưởng của chúng ta đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Cụ thể như đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp vào GDP đã trên 45%, trong khi mục tiêu đề ra chúng ta là 35%. Hay tốc độ tăng năng suất lao động, mục tiêu đề ra là 5,5 chúng ta đạt là trên 5,9.

Bên cạnh đó, yếu tố thứ ba mà vị đại biểu thuộc đoàn TP. Hồ Chí Minh nêu tại diễn đàn Quốc hội là kinh tế vĩ mô chúng ta tiếp tục ổn định, kiểm soát lạm phát 4 năm liên tiếp dưới 4%, các cán cân lớn như thương mại, cán cân vãng lai, cán cân cân đối quốc tế chúng ta thặng dư góp phần làm tăng dự trữ ngoại hối.

"Hiện nay, dự trữ ngoại hối của chúng ta trên 66 tỷ đô la, với dự trữ đó chúng ta đủ can thiệp vào thị trường để ổn định tỷ giá, tạo thêm niềm tin vào đồng tiền Việt Nam", ông Ngân tin tưởng.

Ngoài ra, bội chi ngân sách dưới mức dự toán là 3,46% GDP, nợ công từ 63,7% xuống còn 58,4%, đây là những điểm sáng nên Standard & Poor's đã nâng mức tín nhiệm của Việt Nam cũng như Fitch mới đây đã tăng Việt Nam từ triển vọng lên tích cực.

Đồng thời là chuyên gia kinh tế, đại biểu Trần Hoàng Ngân đã chia sẻ thêm 3 ý với Chính phủ. Theo ông, thu hút FDI của chúng ta trong thời gian vừa qua hơn 30 năm thu hút trên 27.000 dự án và 400 tỷ đô la đăng ký và giải ngân được 192 tỷ đô la. FDI đã có những đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam như đóng góp vào tăng trưởng 20% GDP và 23% tổng vốn đầu tư và giải quyết công ăn việc làm, đóng góp 72% vào kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, FDI còn một số tồn tại lớn, như chuyển giao công nghệ, hỗ trợ cho công nghiệp sản xuất trong nước, hay về chuyển giá hoặc trốn thuế, hoặc ảnh hưởng đến môi trường vẫn còn xảy ra.

“Trong 2 năm qua, dự toán thu ngân sách từ khu vực đầu tư vốn nước ngoài hụt thu liên tiếp, năm 2008 hụt thu 28 ngàn tỷ đồng, năm 2018 hụt thu 36 ngàn tỷ đồng.”- ông Ngân thông tin thêm và đề nghị trong điều kiện hiện nay, khi vốn nước ngoài đổ dồn vào nước ta, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ làm sao tạo ra được bộ lọc để chọn dự án có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn về môi trường.

Vấn đề thứ hai, về đầu tư cơ sở hạ tầng nhất là đường bộ, hạng tới 112 trong năng lực cạnh tranh chúng ta cần giải quyết vấn đề đồng bộ.

Về thể chế, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, Quốc hội nên có buổi thảo luận về nội dung này bởi vì thể chế hiện nay chưa được đồng bộ và hoàn thiện, mặc dù chúng ta đã có nhiều cố gắng.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến