Sáng 21/9, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã tổ chức buổi hội thảo vai trò và mối liên hệ giữa thị trường phái sinh và thị trường cơ sở. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã có những chia sẻ về hoạt động của TTCK Phái sinh sau hơn 1 năm đi vào hoạt động.
Chủ tịch HNX cho rằng chứng khoán phái sinh Việt Nam đang có những bước phát triển tốt với nhiều kết quả vượt kỳ vọng. Chứng khoán phái sinh đang làm tốt các nhiệm vụ như phòng ngừa rủi ro, cung cấp cơ hội đầu tư ngắn hạn cho nhà đầu tư và bình ổn thị trường cơ sở.
Theo ông Long, thị trường phái sinh đang dần trở thành một kênh rót vốn ngắn hạn và phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư. Có thể thấy, khi chứng khoán cơ sở điều chỉnh trong những tháng qua, nhà đầu tư vẫn có thể tìm kiếm lợi nhuận với sản phẩm phái sinh nhờ cơ chế giao dịch hai chiều. Bên cạnh đó, chứng khoán phái sinh cũng là công cụ giúp nhà đầu tư thực hiện phòng ngừa rủi ro (hedging). Việc ra đời của TTCK Phái sinh cũng giúp níu giữ thanh khoản ở lại TTCK khi thị trường cơ sở sụt giảm.
Hiện tại, nhiều công ty chứng khoán đã tham gia giao dịch chênh lệch (arbitrage) trên thị trường phái sinh để bình ổn thị trường cơ sở. Khi thị trường cơ sở quá nóng mà chỉ số tương lại thấp hơn sẽ là chỉ báo giúp thị trường cơ sở "hạ nhiệt" và ngược lại, khi cơ sở quá thấp dưới giá trị, biến động của chỉ số tương lai cao hơn sẽ là chỉ báo giúp các nhà đầu tư cơ sở yên tâm, gia tăng các hoat động mua vào để trở về giá trị thật.
Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, do là một thị trường mới nên phái sinh còn nhiều hạn chế vẫn tồn tại như sản phẩm còn chưa đa dạng, nhiều quan ngại về cách thức vận hành, chức năng của thị trường vẫn được đặt ra, cùng những biến động và tác động giữa phái sinh và chứng khoán cơ sở.
Chứng khoán phái sinh tác động ra sao tới thị trường cơ sở?
Đánh giá về mối liên hệ giữa TTCK Phái sinh và thị trường cơ sở, ông Nguyễn Quang Thương – Phó Vụ trưởng vụ Phát triển thị trường UBCKNN cho rằng trên lý thuyết, thị trường phái sinh dẫn xuất từ thị trường cơ sở nên giá thị trường cơ sở sẽ tác động đến thị trường phái sinh. Ngược lại, hợp đồng tương lại lại phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về thị trường cơ sở trong tương lai, nên sẽ có tác động ngược lại thị trường cơ sở.
Như vậy, tác động giữa thị trường cơ sở và phái sinh là 2 chiều. Thông thường, thị trường cơ sở và phái sinh có biến động cùng pha nhau, lên cùng lên, xuống cùng xuống và thường có sự hội tụ khi đáo hạn.
Ông Thương cũng cho rằng thị trường phái sinh khá hấp dẫn, do đó sẽ có sự dịch chuyển dòng tiền từ thị trường cơ sở sang, nhưng mức độ là không lớn. Trước đây, khi chưa có TTCK Phái sinh, khi thị trường cơ sở giảm, nhà đầu tư chỉ có cách bán cổ phiếu, rút tiền. Tuy nhiên, khi TTCK Phái sinh ra đời, thị trường cơ sở giảm sẽ khiến một phần dòng tiền chảy sang thị trường cơ sở, qua đó bù đắp sự thiếu hụt thanh khoản của thị trường cơ sở, giúp thanh khoản ở lại thị trường chứng khoán.
Đánh giá về vấn đề thao túng trên TTCK Phái sinh, ông Thương cho rằng về lý thuyết thì điều này có thể xảy ra. Tuy vậy, trên thực tế hoạt động này không dễ dàng bởi thị trường chứng khoán có quy mô khá lớn với rất nhiều thành phần tham gia, thậm chí nhiều "đội lái" và điều này khiến việc thao túng khó có thể diễn ra.
Đánh giá tác động từ TTCK Phái sinh lên TTCK cơ sở, ông Thương cho rằng nó có nhiều mặt tích cực như cung cấp công cụ đầu tư mới, cung cấp công cụ quản trị rủi ro, giúp ổn định TTCK cơ sở nhanh đạt trạng thái cân bằng, hạn chế việc rút vốn khỏi TTCK.
Về mặt tiêu cực, đại diện UBCKNN cho rằng hiện chưa có nhiều tác động tiêu cực, nếu có chăng chỉ là tác động về mặt tâm lý.
Chuẩn bị triển khai HĐTL Trái phiếu chính phủ trong quý 4
Ông Thương cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường phái sinh. Hiện tại mới chỉ có HĐTL chỉ số VN30 và điều này là khá hạn chế, chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư tổ chức. Dự kiến trong quý 4 năm nay sẽ triển khai HĐTL Trái phiếu Chính phủ.
Sắp tới, UBCK sẽ tiếp tục xây dựng lộ trình triển khai các sản phẩm khác như HĐTL trên cổ phiếu/nhóm cổ phiếu/chỉ số khác/quyền chọn trên cổ phiếu…
Hiện tại, nhà đầu tư tham gia TTCK Phái sinh là khá nhiều, nhưng phải trên 90% là nhà đầu tư cá nhân. Đại diện UBCKNN cho biết sẽ cần phải cân bằng hơn bằng hơn, tìm cách tăng tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức tham gia hơn nữa, có các chính sách thông thoáng hơn về ngoại hối, mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài.
Về phía nhà đầu tư cá nhân, có thể phải nâng cao chất lượng hơn nữa bằng việc thông qua các yêu cầu nhất định để tham gia TTCK Phái sinh.
Bên cạnh đó, UBCKNN cũng tiếp tục phối hợp, hoàn thiện khung pháp lý về thuế, giá dịch vụ để phát triển TTCK, TTCK Phái sinh hơn nữa.
Theo Trí thức trẻ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy