Dòng sự kiện:
Đại diện Việt Nam tái đắc cử vào Ủy ban luật pháp quốc tế LHQ có ý nghĩa lớn
13/11/2021 19:33:26
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tái cử là một minh chứng cho sự ủng hộ và tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, khẳng định vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Ngày 12/11, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã tái đắc cử vào vị trí thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027.

Trong cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 76, ứng cử viên của Việt Nam trúng cử với 145 phiếu trong tổng số 191 nước có mặt và bỏ phiếu, xếp thứ 4 trong số 11 ứng cử viên của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định việc Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tái cử là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lớn trong việc thể hiện vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. 

PV: Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của việc Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tái đắc cử thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2027?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, chúng ta không chỉ đảm nhận thành công nhiều trọng trách quốc tế quan trọng như Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021…, mà còn chủ động, tích cực cử cán bộ vào làm việc tại các tổ chức quốc tế có uy tín. Do đó, việc Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tái đắc cử thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2027 có nhiều ý nghĩa quan trọng.

Thứ nhất, góp phần khẳng định đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác trên thế giới. Việc Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tái đắc cử Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc với kết quả cao 145 phiếu là một minh chứng cho sự ủng hộ và tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao của nước ta trên trường quốc tế.

Thứ hai, việc chúng ta tiếp tục tham gia Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc, một cơ quan có chức năng thúc đẩy pháp điển hóa và phát triển pháp luật quốc tế, đã khẳng định hội nhập quốc tế của Việt Nam tiếp tục chuyển mạnh sang chủ động đóng góp vào xây dựng luật pháp quốc tế, cùng cộng đồng quốc tế phấn đấu vì một thế giới hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tôn trọng luật pháp quốc tế, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội.

Thứ ba, thể hiện sự trưởng thành của đối ngoại đa phương Việt Nam, khẳng định sự tín nhiệm của quốc tế đối với nỗ lực bền bỉ và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong Liên hợp quốc và các thể chế đa phương. Đồng thời, cũng khẳng định trình độ, năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ đối ngoại nói chung, đối ngoại đa phương nói riêng của nước ta ngày càng nâng cao, từng bước vươn tới trình độ khu vực và thế giới. Với Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, việc tái cử tham gia Ủy ban Luật pháp quốc tế chính là sự ghi nhận xứng đáng của quốc tế đối với trình độ, năng lực và kinh nghiệm cũng như đóng góp tích cực của Đại sứ vào thúc đẩy các vấn đề pháp luật quốc tế quan trọng trong suốt nhiệm kỳ công tác tại Ủy ban Luật pháp quốc tế 2017-2022 vừa qua.

Ngoài Ủy ban Luật pháp quốc tế, chúng ta đã và đang tích cực tham gia tranh cử tại nhiều tổ chức, thể chế quốc tế quan trọng như Hội đồng Chấp hành UNESCO (2021-2025), Ủy ban Liên chính phủ Công ước Di sản phi vật thể (2022-2026), Ủy ban Di sản thế giới (2023-2027), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (2023-2025)…

PV: Xin Bộ trưởng cho biết những khó khăn, trở ngại trong quá trình vận động bầu cử tại ILC và những biện pháp mà Bộ Ngoại giao đã triển khai?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Bầu cử tại một cơ quan phát triển pháp luật quốc tế có uy tín như Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc luôn có tính cạnh tranh rất cao. Thực tế là với nhiệm kỳ 2023-2027, tại tất cả các khu vực đều có số lượng ứng cử viên cao. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 suốt gần hai năm qua gây nhiều trở ngại cho giao lưu, sinh hoạt quốc tế, do đó gây nhiều khó khăn cho vận động, giới thiệu các ứng cử viên.

Được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Bộ Ngoại giao với tư cách là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, triển khai chiến lược vận động ở nhiều cấp, nhiều kênh đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao và thông qua các Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc. Trong tiếp xúc, vận động, các nước và bạn bè quốc tế đều ghi nhận tích cực, đánh giá cao vị thế, uy tín cũng như nỗ lực và năng lực đóng góp của Việt Nam tại nhiều tổ chức, thể chế đa phương, trong đó có Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc.

Do đó, dù gặp nhiều khó khăn, song với việc phát huy mạng lưới quan hệ đối tác rộng mở và ngày càng đi vào chiều sâu, thế và lực mới của đất nước ta sau 35 năm Đổi mới, chúng ta đã đạt được mục tiêu đề ra.

Với uy tín đã tạo lập được trong Ủy ban Luật pháp quốc tế trong nhiệm kỳ vừa qua, tôi tin tưởng Đại sứ Nguyễn Hồng Thao sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, hiệu quả vào công việc của Ủy ban Luật pháp quốc tế, góp phần thúc đẩy bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam và tăng cường vai trò, tiếng nói của các nước đang phát triển, tiếp tục khẳng định rõ Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, xứng đáng với niềm tin của đất nước và sự tín nhiệm của quốc tế./. 

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến