Đại gia bán tháo cả nghìn hécta “vàng trắng”
11/10/2016 16:05:41
Để cắt lỗ, cơ cấu lại nợ... nhiều doanh nghiệp buộc phải bán hàng nghìn ha cao su với giá rẻ.

Tin liên quan

Một doanh nhân sở hữu hàng nghìn ha cao su ở Campuchia và Bình Phước cho biết, hơn 6 năm qua, việc giá "vàng trắng" lao dốc đã khiến doanh nghiệp ông vô cùng lao đao. Để cắt lỗ mới đây, ông đã rao bán và cuối cùng thanh lý được 1.233 ha ở cả hai vị trí trên với giá khá rẻ.

“Nếu trước đây tôi bỏ cả nghìn tỷ đồng để mua thì nay bán xong chỉ thu về được hơn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, để bán được diện tích như vậy đòi hỏi các vườn cao su phải gần đường, gần sông suối để tiện tưới tiêu và phải trong giai đoạn khai thác thì mới được đối tác chấp nhận. Do vậy, vài trăm ha còn lại, do chưa cho thu hoạch nên vẫn đang trong tình trạng ế ẩm và tôi có ý định chuyển đổi sang trồng tiêu và mía”, doanh nhân trên chia sẻ.

Ông cũng cho biết 3 năm qua, mặc dù năm nào cũng lỗ hàng trăm tỷ nhưng giá mủ cao su vẫn không nhích lên nổi, nguyên nhân là cao su nguyên liệu còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, người Trung Quốc ngày càng làm chủ nguyên liệu này khi sở hữu hàng nghìn ha tại nhiều nơi.

Cao su liên tục xuống giá trong 6 năm qua khiến nhiều doanh nghiệp cao su tự nhiên "sống dở chết dở".

Không quá khó khăn như doanh nghiệp trên nhưng mới đây, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng cho biết, giá cao su năm nay sẽ tiếp tục ở mức thấp với 26 triệu đồng một tấn mủ, trong khi giá thành mỗi tấn đã khoảng 25 triệu đồng. Do vậy, theo tập đoàn này năm nay sẽ tiết giảm suất đầu tư, đồng thời chặt bỏ 30.000ha cao su đã đến thời hạn khai thác mủ.

6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của tập đoàn ước đạt 8.442 tỷ đồng, đạt 46,8% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu cao su là 3.117 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 1.218 tỷ, đạt 54% kế hoạch năm, lợi nhuận đến từ cao su chỉ vỏn vẻn 43,9 tỷ đồng, đóng góp 4% lợi nhuận cho tập đoàn.

Bên cạnh các doanh nghiệp lớn, báo cáo 6 tháng của các doanh nghiệp cao su thiên nhiên trên sàn chứng khoán cũng không mấy khả quan. 4 mã cổ phiếu cao su đang niêm yết trên sàn gồm DPR (cao su Đồng Phú), TRC (cao su Tây Ninh), PHR (cao su Phước Hòa) và VHG (cao su Quảng Nam) lợi nhuận đa phần đến từ bán gỗ cao su.

Điển hình như tại Công ty Cao su Đồng Phú, đơn vị này đã hoàn tất thanh lý khoảng 460ha cao su để thu về khoảng gần 60 tỷ đồng lợi nhuận trên kế hoạch 70-90 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Hay Công ty Cao su Phước Hòa cũng dự kiến thanh lý 1.000 ha trong năm 2016 với giá bán trung bình khoảng 150 triệu đồng một ha. Công ty Cao su Tây Ninh cũng lên kế hoạch thanh lý 314ha cao su, thu về khoảng 50 tỷ đồng lợi nhuận trên tổng lợi nhuận trước thuế dự kiến 37 tỷ đồng.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), trong 7 tháng đầu năm, sản lượng cao su thiên nhiên của các nước thành viên ước đạt 5,89 triệu tấn, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, sản lượng cao su thiên nhiên có xu hướng tăng tại Thái Lan, Indonesia và Việt Nam nhưng lại giảm ở Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ.

Trong 7 tháng đầu năm, tiêu thụ cao su thiên nhiên của các nước thành viên sản xuất cao su thiên nhiên tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,7 triệu tấn. Dự báo trong những tháng cuối năm, tiêu thụ cao su toàn cầu sẽ chậm lại do sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu trước sự kiện Anh rời khỏi EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Theo Vnexpress  

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến