Dòng sự kiện:
Đại gia Ngân hàng nào gây sốt trong năm 2014?
30/12/2014 10:48:32
ANTT.VN - Năm 2014, được xem là năm Ngọ đen tối khi không ít “đại gia” ngân hàng ngã ngựa. Bầu Kiên bị tuyên án phạm 4 tội với tổng mức phạt là 30 năm tù giam. Phiên tòa phúc thẩm siêu lừa Huyền Như bước vào ngày tranh luận giữa luật sư và đại diện VKS.

Những hình ảnh đầu tiên của “bầu Kiên” trong trại giam

Đầu tháng 4 năm 2014, những hình ảnh đầu tiên của bầu Kiên được phóng viên báo Công an nhân dân chụp lại trong trại giam khiến cư dân mạng xôn xao. Vụ án bầu Kiên được phát hiện từ năm 2012, nhưng hành trình điều tra để kết luận một cách chính xác và thuyết phục vụ án cực kỳ phức tạp này đã "ngốn" rất nhiều thời gian, công sức của các điều tra viên. Đây là một trong 10 "đại án" kinh tế được Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng chỉ đạo.

Những hình ảnh đầu tiên của bầu Kiên tại trạm giam

Tại phiên tòa xử sơ thẩm giữa tháng 4/2014, bầu Kiên vẫn giữ được cái thần thái vốn có. Ở không ít phiên xử, khi trả lời thẩm vấn của tòa, người ta vẫn thấy bầu Kiên nói rất đanh thép, dứt khoát, ánh mắt sắc lạnh. Trong suốt quá trình xét xử, bầu Kiên luôn khẳng định “Tôi cho rằng tôi bị oan, không có tội, đề nghị HĐXX xét xử sớm để công bố cho dư luận biết thực chất vụ án này là gì. Là đàn ông, tôi không trốn tránh trách nhiệm trong bất kỳ trường hợp nào”. Đây cũng là câu nói được các báo trích dẫn nhiều nhất tại phiên tòa sơ thẩm.

 Phiên toà phúc thẩm đã diễn ra trong 10 ngày, Nguyễn Đức Kiên vẫn kháng cáo kêu oan cả bản án. Bị cáo gửi đơn khiếu nại dài 144 trang được viết trong tù, trong đó gửi TAND tối cao dài 118 trang, 26 trang bị cáo gửi VKS. Chiều 15/12, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên án vụ Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.

Bầu Kiên tại phiên tòa phúc thẩm

HĐXX đã ra phán quyết: Tuyên bố bị cáo Nguyễn Đức Kiên phạm bốn tội: Kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Hình phạt chung cho cả bốn tội là 30 năm tù giam. Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn buộc bị cáo Kiên phải thi hành hình phạt bổ sung nộp 75 tỷ đồng về hành vi trốn thuế và 100 triệu đồng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Siêu lừa Huyền Như và đại án 4.000 tỷ

Đây là một trong những vụ án có số tiền bị chiếm đoạt kỷ lục nhất từ trước tới nay (gần 4.000 tỷ đồng), hồ sơ vụ án nặng hơn 300 kg với khoảng 70.000 bút lục. Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Ngân hàng Vietinbank, chi nhánh TP.HCM) và 22 đồng phạm bị cáo buộc đến 6 tội danh khác nhau, trong đó Huyền Như được xác định với vai trò chủ mưu, bị truy tố 2 tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức Nhà nước”.

Căn biệt thự 43 tỷ Huyền Như kháng cáo 

Những ngày đầu của phiên tòa phúc thẩm, Huỳnh Thị Huyền Như cũng đã có đề nghị tòa xem xét kháng cáo xin lại căn biệt thự Villa H2 The Nam Hải (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) – Đây là ngôi biệt thự được định giá 43 tỷ đồng. Sau khi xem xét kháng cáo đòi tài sản của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tại vụ án, tòa xem xét kháng cáo đòi biệt thự của bà Nguyễn Thị Lang – mẹ của “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như.

Siêu lừa Huyền Như và đại án 4000 tỷ

Tuy nhiên, tại phiên tòa sáng 23/12, bà Lang đã không có mặt dù những ngày trước đó bà đều đặn đến dự phiên xử. Trả lời tại tòa,bị cáo nói không kháng cáo mà chỉ xin lại căn nhà cho mẹ. Theo Huyền Như, đó là tài sản của bà Nguyễn Thị Lang. Làm rõ kháng cáo đòi biệt thự, chủ tọa hỏi Huyền Như việc tại sao nhà của mẹ mà bị cáo lại bán.

Trả lời chủ tọa, Như cho hay, bị cáo không bán mà chỉ thế chấp. Bị cáo cũng thừa nhận đã đem toàn bộ giấy tờ liên quan đến căn biệt thự thế chấp cho bà  Lê Thị Ngọc Nga (ngụ quận 7, TP HCM) để vay tiền. Còn đại diện của bà Nga cho rằng, căn nhà này đã được Như cấn nợ cho các khoản vay trước đó, đề nghị HĐXX phát mãi căn nhà để bồi thường thiệt hại.

Hà Văn Thắm – nguyên chủ tịch HĐQT OceanBank “ngã ngựa”

Ngày 21/10/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng và lệnh khám xét đối với Hà Văn Thắm về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" quy định tại Điều 179 Bộ luật hình sự.

Đến ngày 24/10, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn, cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh bắt, khám xét đối với Hà Văn Thắm ( sinh năm 1972, quê quán xã An Hà, Lạng Giang, Bắc Giang) - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Chủ tịch Ủy ban Tín dụng, Chủ tịch Ủy ban Đầu tư Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương.

Quá trình thi hành lệnh bắt, khám xét đối với Hà Văn Thắm đã được thực hiện đúng quy định tại Điều 80, Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự và đã được dẫn giải về trại tạm giam Bộ Công an để điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguyên chủ tịch OceanBank - Hà Văn Thắm

Theo tài liệu điều tra ban đầu, tháng 11/2012, ông Thắm đã ký các quyết định cho Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Trung Dung vay khoảng 500 tỷ đồng. Việc cho vay này là sai quy định dẫn đến hậu quả mất khả năng thanh toán

Chiều 24/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra thông báo về việc đình chỉ quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương đối với ông Hà Văn Thắm để phục vụ việc xử lý các vi phạm pháp luật của cá nhân ông Hà Văn Thắm.

 Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong quá trình triển khai Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã được Bộ Chính trị, Chính phủ phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành thanh tra pháp nhân, thanh tra chất lượng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng. Qua thanh tra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát hiện một số vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cá nhân ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương.

“Sếp lớn” Agribank cũng dính chàm

Ông Đỗ Tất Ngọc - nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Agribank đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố, bắt tạm giam ngày 20/9 để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Đỗ Tất Ngọc - nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Agribank

Thông tin ban đầu cho biết, năm 2009, thực hiện chủ trương di chuyển nhà máy in ngân hàng I ra khỏi nội thành, ông Đỗ Tất Ngọc đã đồng ý cho ông Phạm Ngọc Ngoạn ký hợp đồng kinh tế với Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo quốc tế (Công ty INED) để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng hơn 20.300 m2 đất tại khu vực Quang Minh, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội. Công ty In - Thương mại và Dịch vụ Agribank sau đó đã chuyển khoản tiền 90 tỉ đồng cho Công ty INED. Tuy nhiên, lô đất chuyển nhượng trên chỉ là đất thuê của nhà nước, theo diện trả tiền hàng năm. Đến nay, dự án xây dựng nhà máy in chưa được triển khai, còn số tiền hơn 90 tỉ đồng không có khả năng thu hồi.

Ông Đỗ Tất Ngọc còn bị xác định có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế trong vụ án tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II). Quá trình điều tra vụ án tham nhũng tại ALC II thuộc Agribank, cơ quan cảnh sát điều tra đã xác định số tiền thiệt hại hơn 500 tỉ đồng.

Chủ tịch HĐQT VNCB rơi vào vòng lao lý

Cuối giờ chiều ngày 29/7, ông Phạm Công Danh – Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (Ngân hàng VNCB) cùng nguyên tổng giám đốc Phan Thành Mai và thành viên Hội đồng quản trị phụ trách tài chính Mai Hữu Khương bị bắt về tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Sai phạm xảy ra tại Ngân hàng VNCB được tóm tắt như sau: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam qua hoạt động kiểm soát đã phát hiện Ngân hàng VNCB đứng ra bảo lãnh trái quy định cho một số đơn vị công ty là "sân sau" của ông Danh vay tiền tại ngân hàng, dẫn tới mất khả năng thu hồi, cho vay không giám sát việc sử dụng vốn.

Ngoài ra, Ban lãnh đạo Ngân hàng VNCB có hoạt động lãi suất "ngoài luồng", trái với quy định về mức trần lãi suất của NHNN. Trách nhiệm để xảy ra sai phạm thuộc về 3 bị can gồm: Phạm Công Danh - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng VNCB; Phan Thành Mai - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng VNCB và Mai Hữu Khương - nguyên thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Khối kinh doanh, kiêm Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn Ngân hàng VNCB. Trong đó, Phạm Công Danh giữ vai trò chính.

Thu Thủy

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến