Dòng sự kiện:
Đại gia Thái rao bán 2 khách sạn ở Sài Gòn 40 triệu USD
06/10/2020 16:23:51
Hai khách sạn được nhắc đến là khách sạn 3 sao Ibis Saigon South, khách sạn 4 sao Capri by Frasers cùng tọa lạc ở quận 7 và đều được sở hữu bởi tập đoàn SHREIT đến từ Thái Lan.

Theo đơn vị sở hữu, các khách sạn này đang thua lỗ và gánh nhiều khoản nợ và không thể chủ động về dòng tiền nên phải hạ giá chào bán nhiều lần.

Khách sạn Ibis Saigon South đang kinh doanh thua lỗ, trong khi gánh nặng chi phí quá lớn và nợ phải trả ở mức cao. Ảnh: SHREIT

Mới đây, HĐQT Tập đoàn Thái Lan Strategic Hospitality Extendable Freehold and Leasehold Real Estate Investment Trust (SHREIT) đã thông qua chủ trương chuyển nhượng 100% cổ phần của 2 công ty con sau khi nhận được lời đề nghị chào mua trị giá 105 triệu đô la của công ty LT Rubicon ở Anh. Được biết, kế hoạch bán khách sạn Ibis Saigon South, Capri by Frasers ở Việt Nam và Pullman Jakarta Central Park tại Indonesia lần này được lập ra sau khi đối tác đã hạ giá chào mua so với những lần rao trước đó.

Cụ thể, công ty con mà SHREIT muốn bán lại đang sở hữu, vận hành 3 khách sạn tại khu vực ASEAN. Danh sách này bao gồm khách sạn 3 sao Ibis Saigon South, khách sạn 4 sao Capri by Frasers cùng nằm ở quận 7, TPHCM, Việt Nam và khách sạn 5 sao Pullman Jakarta Central Park ở phía Tây thủ đô Jakarta của Indonesia.

Trong đó, khách sạn Ibis Saigon South có quy mô 140 phòng, được định giá 14,7 triệu đô la. Khách sạn Capri by Frasers có quy mô 175 phòng, được định giá 23,7 triệu đô la. Còn khách sạn Pullman ở Jakarta được định giá 94,3 triệu đô la. Như vậy, tổng giá trị của 3 khách sạn này gần 133 triệu đô la.

Do giá trị thương vụ vượt quá 30% tổng tài sản công ty, SHREIT sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 2/11 tới để xem xét, thống nhất phương án bán lại 100% vốn tại các công ty con đang sở hữu 3 khách sạn nói trên và ủy quyền cho HĐQT tham gia đàm phán, thỏa thuận cụ thể với đối tác.

Hồi đầu năm, chính LT Rubicon gửi lời đề nghị mua lại 3 khách sạn nói trên với mức giá 118 triệu đô la. Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu tại đại hội cổ đông bất thường của SHREIT tổ chức giữa tháng 6 không tán thành thương vụ chuyển nhượng nói trên. Theo quy định, đại gia Thái Lan phải nhận được sự đồng ý của các cổ đông đại diện ít nhất 75% cổ phần có quyền biểu quyết tại cuộc họp nhưng tỷ lệ tán thành chỉ đạt 72,8%.

Theo ghi nhận tại biên bản Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1 năm 2020, ông Deepong Sahachartsiri, Giám đốc Tài chính của SHREIT cho biết, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu, tình hình tài chính và hiệu quả kinh doanh của SHREIT.

Các khách sạn mà SHREIT đầu tư đang kinh doanh thua lỗ, trong khi gánh nặng chi phí quá lớn và nợ phải trả ở mức cao. Mặt khác, vốn lưu động của các khách sạn đang hoạt động cũng hạn chế và có khả năng không được tài trợ vốn trong thời gian tới.

"So với những khách sạn cùng phân khúc thì ba khách sạn nằm trong kế hoạch chào bán có tỷ lệ lấp đầy rất thấp trong quí đầu năm nay, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính của công ty", biên bản đại hội bất thường nêu.

Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng lên doanh thu, tình hình tài chính, dòng tiền của tập đoàn và tình hình này có thể tiếp tục. Ngoài ra, SHREIT còn vi phạm nhiều nghĩa vụ hợp đồng, có nguy cơ bị các đối tác và bên cho vay khởi kiện.

Lãnh đạo SHREIT nhận định phần còn lại của năm 2020 với doanh nghiệp sẽ tiếp tục cực kỳ thách thức khi chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng. Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên, 6 tháng đầu năm nay SHREIT đạt hơn 1,9 triệu đô la tổng doanh thu và lỗ ròng 2,2 triệu đô la (cùng kỳ công ty đạt 6,4 triệu đô la và lãi ròng 2,6 triệu đô la). Đây là những lý do khiến HĐQT muốn bán lại các khách sạn ở Việt Nam và Indonesia dù đối tác hạ giá chào mua.

Tác giả: V. Dũng

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
tin alma resort mới nhất
Đang phổ biến