Dòng sự kiện:
Đại gia xây dựng gặp vận khó, lung lay vị trí số 1
09/10/2019 10:34:17
Các DN hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng đối mặt với nhiều tín hiệu xấu. Dòng tiền có dấu hiệu tháo chạy khỏi các cổ phiếu. Tuy nhiên, doanh nghiệp của đại gia Lê Viết Hải hút vốn ngoại từ chính đối thủ của mình.

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) của ông Lê Viết Hải vừa công bố thông tin nhóm quỹ đầu tư Korea Investment Management Co., Ltd (KIM) trở thành cổ đông lớn tại HBC. Theo đó, các quỹ do KIM quản lý đã mua thêm hơn 1 triệu cổ phiếu HBC, nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên 11,79 triệu đơn vị, tương ứng 5,11%.

Trước đó, hồi tháng 8, các quỹ KIM đã bán cổ phiếu tại doanh nghiệp xây dựng đầu ngành là CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) của ông Nguyễn Bá Dương và không còn là cổ đông lớn tại công ty xây dựng này. Cụ thể, quỹ đầu tư Hàn Quốc Korean Investment Management Co., Ltd đã bán hơn 6,3 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này từ mức 10,31% về 2,05%.

Trong vài năm gần đây, đại gia Nguyễn Bá Dương gặp nhiều khó khăn và đang lung lay ngôi vị số 1 trong ngành xây dựng.

Cổ phiếu xây dựng số 1 Việt Nam của ông Nguyễn Bá Dương tiếp tục xuống đáy mới trong vòng 3 năm qua. Giá cổ phiếu giảm từ đỉnh cao 230 ngàn đồng/cp (giá điều chỉnh) hồi cuối 2017 xuống còn khoảng 91 ngàn đồng/cp.


HBC đã hút được vốn ngoại từ chính đối thủ chính của mình. Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu HBC cũng đang ở vùng thấp nhất 3 năm, khoảng 14 ngàn đồng/cp, thấp hơn đỉnh 37.100 đồng (giá điều chỉnh) hồi đầu tháng 9/2017.

Hoạt động kinh doanh của Coteccons giảm sút trong bối cảnh có nhiều trục trặc trong nội bộ doanh nghiệp, cạnh tranh trong ngành xây dựng tăng mạnh, trong khi thị trường bất động sản có dấu hiệu chùng lại, các dự án mới khởi công ít.

Trong ĐHĐCĐ 2019 của Coteccons, các cổ đông đã không thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu ưu đãi ESOP và cũng bỏ qua tờ trình sáp nhập Ricons sau khi cổ đông lớn nhất Kusto phản đối sáp nhập Ricons vào Coteccons ngay trước khi ĐHĐCĐ diễn ra.

Các DN hàng đầu về xây dựng hiện đều có những khó khăn riêng phải tháo gỡ. Tính tới cuối 2018, theo báo cáo hợp nhất, HBC của ông Lê Viết Hải ghi nhận nợ ngắn hạn lên tới gần 12,3 ngàn tỷ đồng (so với mức 10,9 ngàn tỷ hồi đầu năm). Trong khi đó, các khoản phải thu từ các đối tác cũng lớn: 11,1 ngàn tỷ đồng, tương đương 480 triệu USD (so với 9,2 ngàn tỷ đồng hồi đầu năm). Chưa kể, Coteccons gặp khó khăn với lợi nhuận quý 2/2019 tụt giảm hơn 70% so với cùng kỷ xuống chỉ còn hơn 120 tỷ đồng. Doanh thu cũng giảm mạnh 30%.

Mặc dù một số doanh nghiệp ngành xây dựng gặp khó nhưng triển vọng vẫn khá tốt dựa trên một nền kinh tế tăng trưởng cao và dòng vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản, bất động sản công nghiệp cũng như nghỉ dưỡng tại Việt Nam.

Dòng vốn ngoại gần đây đổ nhiều vào Việt Nam, trong nhiều lĩnh vực, ở nhiều doanh nghiệp lớn như: Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Gelex, BIDV,... Đây được xem là làn sóng vốn Hàn lần thứ 4 vào Việt Nam với các lĩnh vực chính là dệt may, điện tử, tiêu dùng bán lẻ và tài chính.

Theo KorCham, hầu như tất cả các doanh nghiệp nước này đều quan tâm đến thị trường Việt Nam với ước tính trung bình mỗi ngày có 3 doanh nghiệp Hàn Quốc khai trương, hoạt động.

Thị trường chứng khoán (TTCK), trong phiên giao dịch 8/10, VN-Index giảm nhẹ. Nhiều các cổ phiếu trụ cột chịu áp lực giảm, trong đó có cả bộ 3 cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail. Bên cạnh đó còn có Vinamilk, VietJet, GAS…

Các CTCK tiếp tục đưa ra những dự báo thận trọng.

Theo BVSC, thị trường dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong phiên mới. VN-Index sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ 978-982 điểm. Ở thời điểm hiện tại, thị trường đang có xu hướng hình thành kênh dao động đi ngang với cận trên là vùng 995-1000 điểm và cận dưới 978-982 điểm.

Điểm tiêu cực hiện tại là động thái bán ròng của khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu hoạt động này còn tiếp diễn với mức độ mạnh kèm theo ảnh hưởng từ biến động tiêu cực của thị trường thế giới sẽ tạo ra áp lực đáng kể cho diễn biến của thị trường trong ngắn hạn. Các ngành dự kiến có kết quả lợi nhuận khả quan trong quý 3 gồm có ngân hàng, bán lẻ, bất động sản, điện, cao su tự nhiên, cao su săm lốp...

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/10, VN-Index giảm 4,86 điểm xuống 987,59 điểm; HNX-Index giảm 0,05 điểm xuống 105,16 điểm và Upcom-Index giảm 0,22 điểm xuống 56,93 điểm. Thanh khoản đạt 230 triệu đơn vị, trị giá 4,8 ngàn tỷ đồng.

Theo VietNamNet

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến