Đại gia xây nhà sàn gỗ lim hơn 200 tỷ ở Điện Biên là ai?
08/09/2014 09:07:12
ANTT.VN - Ngôi nhà sàn gỗ lim hơn 200 tỷ đồng được công nhận là nhà sàn lớn nhất Việt Nam do một "tỷ phú sinh thái" xây dựng lên...

Ngôi nhà sàn gỗ lim lớn nhất Việt Nam

Ngôi nhà sàn bằng gỗ lim hơn 200 tỷ là sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại xây dựng số 6 tỉnh Điện Biên, cũng chính là ngôi nhà sàn vừa được công nhận là nhà sàn lớn nhất Việt Nam. Ngôi nhà rộng gần 500m2 nằm trong khuôn viên 2.000 m2 của Khu du lịch Sinh thái Him Lam.

Đây là một trong các công trình kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ của công ty này. Nhà sàn có 7 gian với 16 cột cái đường kính 45cm, hệ thống cột quân và cột hiên rộng 40cm. Bao quanh nhà sàn là 200m tường bê tông. Bên trên là hệ thống tường gỗ với con tiện đường kính 19cm có mái che. Cùng với nhà sàn là biển hiệu cao 11m rộng 115m2 và nhà lưu niệm rộng 120m2 theo thiết kế nhà Việt cổ nơi thờ đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Riêng phần nguyên vật liệu để xây dựng căn nhà sàn này là hơn 200 tỷ đồng.

Khối lượng gỗ lim để xây dựng nhà sàn và các công trình trên là 500 m3, trong đó hơn 400 m3 được sử dụng cho nhà sàn. Công trình được thi công trong hơn 2 năm với trên 10.000 ngày công của đội ngũ thợ lành nghề. Đây sẽ là nơi tổ chức các sự kiện trong nước, quốc tế và các hoạt động văn hóa văn nghệ cộng đồng.

Toàn bộ phần nội thất bằng gỗ lim. Anh Dương Xuân Trường (trưởng phòng kinh doanh khu du lịch sinh thái Him Lam) cho biết: "Riêng phần nguyên vật liệu để xây dựng căn nhà sàn này là hơn 200 tỷ đồng, chưa kể trả tiền cho hơn 10.000 nhân công gồm toàn thợ lành nghề".

Việc xây dựng nhà sàn gỗ lim lớn nhất Việt Nam, không chỉ để thu hút ngày một đông du khách trong ngoài nước đến với Khu du lịch sinh thái Him Lam mà còn tạo điểm nhấn cho du lịch Điện Biên đang từng bước phát triển trong xu thế phát triển của cộng đồng ASEAN và thế giới.

Lộ diện “Tỷ phú sinh thái”

Công ty TNHH thương mại và xây dựng số 6 là lá cờ đầu trong khối doanh nghiệp tư nhân của tỉnh Điện Biên. Do ông Bùi Đức Giang làm giám đốc.

Công ty TNHH thương mại và xây dựng số 6 không chỉ là một trong những doanh nghiệp khẳng định được thương hiệu, uy tín chất lượng về lĩnh vực xây dựng, giao thông của tỉnh Điện Biên mà còn là đầu tàu tiên phong trong đầu tư phát triển mô hình du lịch sinh thái, giải quyết việc làm thường xuyên cho 1.000 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng; trong đó 30% lao động là nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, 10% lao động là người Thái Bình, số còn lại là lao động các tỉnh lân cận.

Doanh nhân Bùi Đức Giang là người con của miền đất Vũ Vân (Vũ Thư, Thái Bình). Năm 1974, sau khi tốt nghiệp THPT, anh trở thành công nhân xây dựng. Không đơn thuần như những người công nhân khác, cặm cụi làm việc tối ngày, đều đều lĩnh những đồng lương phải thực sự chắt bóp mới đủ sống hàng tháng, đêm về yên bình trong giấc ngủ an lành, Bùi Đức Giang nung nấu ý chí muốn bứt phá ra khỏi sự quẩn quanh đời thường.

Dồn hết chút vốn liếng có trong tay, cộng với kinh nghiệm tích lũy từ thời gian thực tế làm nghề, anh thành lập đội xây dựng 20 người, vừa làm vừa học hỏi.

Năm 1993, khi những cánh chim xa đàn đã đủ lông đủ cánh, vững vàng trên thương trường cạnh tranh không kém phần khốc liệt, đội xây dựng phát triển thành Xí nghiệp với tổng quân số 50 công nhân, bảo đảm việc làm thường xuyên với mức thu nhập khá ổn định thời điểm lúc bấy giờ.

Thêm một bước tiến dài từ Xí nghiệp chuyển đổi sang mô hình Công ty, giờ đây Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 do Bùi Đức Giang làm Giám đốc không chỉ là một trong những doanh nghiệp khẳng định được thương hiệu, uy tín chất lượng về lĩnh vực xây dựng, giao thông của tỉnh Điện Biên mà còn là đầu tàu tiên phong trong đầu tư phát triển mô hình du lịch sinh thái, giải quyết việc làm thường xuyên cho 1.000 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng; trong đó 30% lao động là nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, 10% lao động là người Thái Bình, số còn lại là lao động các tỉnh lân cận.

Doanh nhân Bùi Đức Giang (bìa trái).

Năm 2003, anh đấu thầu thuê 20 ha đất trong 50 năm để đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Him Lam; đến thời điểm này anh đã đầu tư khoảng 300 tỷ đồng xây dựng và sử dụng bước đầu 10 ha, thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan và nghỉ dưỡng.

Nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 4km về phía tây, Khu du lịch sinh thái Him Lam được thiên nhiên ưu đãi cả về cảnh quan cũng như vị trí địa lý. Toàn bộ quần thể rộng 20 ha được bao bọc bởi một dải núi vòng cung hình bán nguyệt, phía dưới là lòng hồ Huổi Phạ trong xanh phản chiếu hình ảnh khách sạn với các khu nhà nghỉ tráng lệ.

Khu du lịch không chỉ hấp dẫn bởi vẻ đẹp hữu tình thơ mộng của mây núi, sông nước; mà điểm nhấn đặc sắc ở nơi đây là không gian sống trong lành, yên bình tràn ngập hoa và cây cảnh hai bên mỗi lối đi, là những món ăn đặc sản đậm đà hương vị Tây Bắc rất riêng được chế biến công phu từ đôi bàn tay tài hoa của người bếp trưởng tinh tế.

Thú vị hơn, ngoài các dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao phong phú, sôi động, Khu du lịch còn là nơi để mỗi khách du lịch đến với Điện Biên được giao lưu văn hóa Tây Bắc trong những đêm múa xòe, múa sạp, ngây ngất trong men say rượu cần.

Sau 26 năm hoạt động, uy tín và chất lượng các công trình mà công ty tham gia thi công đã được các chủ đầu tư đánh giá cao. Tiêu biểu là công trình biên phòng tỉnh, cầu treo Chiêng Sơ huyện Điện Biên Đông, bưu điện tỉnh, trường dân tộc nội trú, thủy lợi Pa Ham, cổng cửa khẩu Ma Lù Thàng – Lai Châu, UBND huyện Mường Nhé...

Là doanh nghiệp duy nhất của tỉnh Điện Biên được nhận Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt (2009 - 2011), nằm trong tốp 30 doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam được tặng Cúp hội nhập kinh tế quốc tế…, đây không chỉ là những phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6, mà là minh chứng thực tế cho sự bứt phá táo bạo nhưng đúng hướng, hiệu quả của doanh nhân Bùi Đức Giang - người con Thái Bình trên đất Điện Biên.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến