Dòng sự kiện:
ại gia Xuân Trường có coi đề xuất dự án với TP Hà Nội như 'trò đùa'?
23/12/2018 20:59:55
Hàng loạt cơ quan báo chí phản ánh ý kiến của dư luận phê phán đề xuất làm siêu dự án KDL tâm linh ở chùa Hương có nhiều bất cập như chính bản tham mưu đã vi phạm Luật Di sản văn hóa, nguy cơ làm biến dạng di tích.

Theo báo Lao Động,  ông Nguyễn Văn Trường - GĐ doanh nghiệp Xuân Trường khẳng định rằng ông "chỉ gợi ý" cho Hà Nội về siêu dự án tâm linh 15.000 tỉ đồng tại Chùa Hương, còn cá nhân ông đang rất bận, "có khi mời cũng chẳng làm". “Hơn nữa, tôi còn đang tập trung chuẩn bị cho Đại lễ Vesak 2019, có khi mời tôi cũng chẳng làm. Tôi chỉ gợi ý cho tất cả các doanh nghiệp. Tôi chỉ làm chủ trương thôi. Làm gì có doanh nghiệp nào đi làm chùa?" – ông Nguyễn Văn Trường nói.

Công văn đề xuất ông Nguyễn Văn Trường xin được giải phóng mặt bằng bàn giao đất cho doanh nghiệp xây dựng Khu du lịch 

Nói về các văn bản gửi UBND TP.Hà Nội và các cơ quan chức năng liên quan trong thời gian vừa qua, ông Trường khẳng định đó chỉ là văn bản mang tính khuyến cáo, không có nghĩa là đề xuất xin dự án và “tỉnh nào tôi chẳng khuyến cáo”. Đối với siêu dự án Khu du lịch tâm linh Hương Sơn, ông đã đưa khuyến cáo với UBND TP.Hà Nội và Giáo hội Phật giáo Việt Nam rằng cố gắng tu sửa chùa. Cá nhân ông sẵn lòng tiến cúng để ngôi chùa khang trang lên, sau đó làm hồ sơ thành di sản...

Trước đó, trả lời báo chí, ông Trường cũng nêu quan điểm tương tự và còn nhấn mạnh đến ý tưởng hình thành “con đường di sản tâm linh” kết nối qua nhiều tỉnh thành, trong đó giai đoạn đầu đi từ Hà Nội qua Chùa Hương, qua chùa Tam Chúc về chùa Bái Đính (đi qua những dự án DN Xuân Trường đã và đang xây dựng). Ông còn nói thực hiện các dự án tâm linh không vì lợi nhuận mà chỉ để phát triển văn hóa, sau đó sẽ bàn giao tất cả các công trình cho cộng đồng. Các dự án ông gợi ý để nhiều doanh nghiệp cùng làm chứ không nhận cho riêng mình.

Thực tế có đúng như lời ông Trường nói với báo giới?

Thứ nhất, với tuyên bố “mời cũng chẳng làm” thì thực tế ông DN Xuân Trường đã theo đuổi dự án này và tiến hành nhiều công việc hết sức nghiêm túc. Từ tháng 7-2018 đến nay, DN Xuân Trường đã hai lần gửi hai văn bản đề xuất số 212/CV-DNXT ngày 25.7.2018 và số 315/CV-DNXT  ngày 7.11.2018 gửi Thường trực Thành ủy, UBND TP.Hà Nội. Cả hai công văn này đều có tiêu đề xin “cho phép đầu tư khu Du lịch tâm linh Hương Sơn” và chủ đầu tư đều được ghi rõ là DN Xuân Trường. Thực tế đến nay, theo  công văn số 5630/KH&ĐT-NNS ngày 4.9.2018 của Sở KHĐT gửi UBND TP.Hà Nội thì lãnh đạo Thành phố đã giao cho Sở này chủ trì cuộc họp liên ngành vào ngày 14.8.2018 để nghe ý kiến về dự án, thành phần tham dự có cả DN Xuân Trường.

2 đầu khu du lịch Tam Chúc đang được xây dựng

Đề xuất của DN Xuân Trường hiện đang trong giai đoạn được Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổng hợp để báo cáo UBND Thành phố. Trong khi đó, theo các chuyên gia, dự án có nguồn vốn lớn, lại nằm trong địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt, phạm vi thu hồi đất rất rộng nên thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư phải là Thủ tướng Chính phủ hoặc Quốc hội. Ý kiến của TP Hà Nội chỉ là bước đầu. Vì vậy, nếu như ông Nguyễn Văn Trường phát ngôn “mời cũng chẳng làm” thì phải chăng ông coi việc đề xuất dự án này chỉ là “trò đùa”. Và với phát ngôn này, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội có nên tiếp tục xem xét dự án này?

Thứ hai, với tuyên bố “không nhận cho riêng mình” mà chỉ đề xuất để nhiều doanh nghiệp có tâm, có tầm cùng làm thì tại hai công văn đề xuất của DN Xuân Trường đều thể hiện DN này là chủ đầu tư và muốn làm trọn gói các hạng mục. Tại công văn số 315/CV-DNXT ngày 7-11-2018 kèm theo bản tóm tắt dự án, vẫn do ông Nguyễn Văn Trường ký thì ngoài 4 phần việc như đã đề xuất lần trước, trong phần III của báo cáo tóm tắt dự án nêu rõ hình thức đầu tư: Khu du lịch tâm linh Hương Sơn do DN Xuân Trường làm chủ đầu tư và nêu rõ phạm vi giao đất từng loại. Ở phần IV của bản báo cáo tóm tắt, ông Nguyễn Văn Trường còn đề nghị Nhà nước sớm đầu tư giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho DN Xuân Trường triển khai dự án và đề nghị Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng, doanh nghiệp sẽ đầu tư các khu tâm linh, dịch vụ. Hoàn toàn không thấy việc chia sẻ dự án cho bất kỳ đơn vị nào tham gia.

 Đề xuất xây dựng quá lớn, xâm phạm di tích quốc gia đặc biệt chùa Hương

Thứ ba, với những tuyên bố tiến cúng, làm không vì lợi nhuận, bàn giao cho cộng đồng thì đến nay; chưa có dự án nào DN Xuân Trường bàn giao cho cộng đồng và tại các dự án Khu du lịch tâm linh đều hướng tới việc thu phí, xây dựng các cổng chào kiêm trạm thu phí.

Đặc biệt như ở Ninh Bình, năm 2015, Cục Thuế tỉnh này đã kiểm tra và phát hiện hàng loạt sai phạm của DN Xuân Trường như thu phí danh lam cao hơn quy định, quy định thu 40.000 đồng nhưng DN thu tới 80.000 đồng; thậm chí phí với trẻ em có chỗ quy định chỉ 10.0000/ người thì DN thu tới 60.000 đồng; địa phương quy định giảm phí 50% cho người già trên 60 tuổi và trẻ em dưới 6 tuổi nhưng DN cũng “lờ” luôn…

Thực tế ấy khiến dư luận bức xúc, Nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng phát triển hạ tầng khu du lịch Bái Đình - Tràng An, các ngành chức năng cũng mất nhiều công sức để giải phóng mặt bằng, vậy nhưng, đến nay nguồn thu từ du lịch vào ngân sách địa phương lại quá khiêm tốn, không phản ánh đúng tiềm năng và thực tế phát triển của ngành du lịch địa phương.

Linh Trường

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến