Dòng sự kiện:
Đại tướng Lê Trọng Tấn – Nhà chỉ huy xuất sắc, vị tướng tài của quân đội ta
14/09/2014 09:15:26
“Đây có phải là vị tướng đánh hay nhất Việt Nam phải không?”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp vui vẻ trả lời: “Đúng, đây là một trong những vị tướng giỏi nhất Việt Nam qua các thời đại”.

Đại tướng Lê Trọng Tấn tên thật là Lê Trọng Tố, bí danh Ba Long (khi ở chiến trường miền Nam), sinh ngày 1-10-1914 tại làng Nghĩa Lộ, xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là làng Nghĩa Lộ, thôn An Định, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) trong một gia đình trí thức có truyền thống cách mạng; ông tham gia Việt Minh từ năm 1944. Lúc đầu ông được phân công làm công tác địch vận tại khu vực Hoàng Mai-Hà Nội. Tháng 3-1945, ông là thành viên trong ủy ban chuẩn bị khởi nghĩa tỉnh Hà Đông được cử về tuyên truyền, tổ chức và xây dựng LLVT tại ứng Hòa, La Khê, La Cả (Hà Đông). Tháng 8-1945, ông tham gia vào ủy ban khởi nghĩa Hà Đông phụ trách quân sự.

Đại tướng Lê Trọng Tấn. Ảnh tư liệu

Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 12-1945, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến tháng 12-1946, ông chỉ huy Tiểu đoàn 60, Trung đoàn 37 chiến đấu tại mặt trận Hà Đông, một cửa ngõ quan trọng phía Tây Thủ đô. ông tổ chức diệt đồn Đồng Quan và giành thắng lợi trận đầu tiên. Ngày 23-8-1947, ông được bổ nhiệm giữ chức Khu trưởng Khu XIII khi đang giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sơn Tây.

Ngày 25-1-1948, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó chủ tịch Khu 10. Năm 1949, theo quyết định của Bộ Tổng chỉ huy, Trung đoàn 209 chủ lực đầu tiên của Liên khu 10 chuyển thành trung đoàn mạnh, trực thuộc Bộ, mang danh hiệu Trung đoàn Sông Lô. Khi đó ông là Phó tư lệnh Liên khu 10 được bổ nhiệm là Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy đầu tiên của trung đoàn. Ngày 27-12-1950, Đại đoàn 312 được thành lập, ông là Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy đầu tiên, khi mới 36 tuổi. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 312 do ông chỉ huy là đơn vị đánh trận mở đầu thắng lợi vào cứ điểm Him Lam ngày 13-3-1954.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 24-10-1973, Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng) - binh đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội ta bao gồm cả Sư đoàn 312 được thành lập. Khi đó, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn được giao là Tư lệnh đầu tiên. Tháng 3-1975, ông được chỉ định làm Tư lệnh chiến dịch giải phóng Huế-Đà Nẵng. Tháng 4-1975, ông là Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân phía Đông do tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy là đơn vị đầu tiên tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm dinh Độc Lập, bắt sống và buộc nội các bù nhìn Dương Văn Minh đầu hàng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta.

Tôi còn nhớ rất rõ, năm 1973, trong một buổi gặp gỡ với các tướng lĩnh Việt Nam, Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Ca-xtrô bắt tay tướng Lê Trọng Tấn rồi tươi cười hỏi mọi người xung quanh: “Đây có phải là vị tướng đánh hay nhất Việt Nam phải không?”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp vui vẻ trả lời: “Đúng, đây là một trong những vị tướng giỏi nhất Việt Nam qua các thời đại”. Người mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ đến đầu tiên sau khi quân ta đánh chiếm dinh Độc Lập chính là tướng Lê Trọng Tấn. Đại tướng Võ Nguyên  Giáp viết ngay một bức điện vượt ra ngoài khuôn phép thông thường về quân sự: “Anh Tấn ơi! Phấn khởi quá!..”. Tại cuộc Hội thảo kỷ niệm 10 năm ngày mất Đại tướng Lê Trọng Tấn tháng 12-1996, Người Anh Cả của Quân đội ta đánh giá tướng Tấn xứng đáng “hai lần anh hùng”(*) do đã chỉ huy quân xuất sắc bắt sống tướng Đờ Cát ở Điện Biên Phủ năm 1954 và bắt sống nội các ngụy Sài Gòn 21 năm sau. Học tập ở Đại tướng Lê Trọng Tấn chúng tôi-những tướng lĩnh thời chống Mỹ phải thừa nhận: Đại tướng Lê Trọng Tấn là một vị tướng tài thao chiến lược, một danh tướng. Lúc ở cơ quan cũng giỏi nhưng quan trọng nhất là trong từng trận chiến, tướng Tấn là tướng chiến trường, là cánh tay phải của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Suốt cuộc đời hoạt động Đại tướng Lê Trọng Tấn, lần lượt đảm nhiệm các chức trách: Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân, Viện trưởng Viện Khoa học Quân sự, Giám đốc Học viện Quân sự cao cấp, Phó tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam,... Nhưng đáng nói hơn, ông là Tư lệnh của những chiến dịch lớn và quan trọng trên các chiến trường quyết định: Bình Giã, Đồng Xoài, Bàu Bàng - Dầu Tiếng, Đường 9 Nam Lào, Mặt trận Trị Thiên (B5); Tư lệnh chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Tư lệnh cánh quân duyên hải (do chính ông đề xuất thành lập) tiến vào Sài Gòn sớm nhất vào mùa Xuân 1975; Tư lệnh chiến dịch biên giới Tây Nam 1978 - 1979 và biên giới phía Bắc 2-1979 lúc đó đã gần 70 tuổi, Đại tướng Lê Trọng Tấn vẫn khoác áo lính ra trận.

Lê Trọng Tấn là vị tướng trận mạc, ông luôn có mặt ở những chiến trường gai góc, ác liệt và nóng bỏng nhất, có khả năng làm xoay chuyển cục diện trận đánh, trăm trận trăm thắng. Các nhà khoa học quân sự và quân đội các nước anh em kính nể, học tập ông về tài năng, đức độ và tầm nhìn chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật quân sự kiệt xuất. Các cán bộ, chiến sĩ yêu mến gọi ông là “Giu-cốp của Việt Nam”, luôn đoàn kết, một lòng tin tưởng vào tài năng, đức độ, thông minh, sáng tạo, nhanh nhạy, quyết đoán của mình.

Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, dù ở cương vị công tác nào, Đại tướng Lê Trọng Tấn cũng luôn trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng, với Đảng, với nhân dân; là chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà chỉ huy xuất sắc, vị tướng tài năng, lỗi lạc của Quân đội ta; một cán bộ tài-đức vẹn toàn, tiêu biểu cho ý chí quyết chiến, quyết thắng, biết đánh và biết thắng. Đại tướng Lê Trọng Tấn có lòng thương yêu đồng bào, đồng chí; người có những cống hiến lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và xây dựng LLVT nhân dân. Cả cuộc đời mình, Đại tướng đã mang hết tài năng và nghị lực phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối, nhiệm vụ chính trị, quân sự của Đảng, đồng thời có nhiều đóng góp lớn trong phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam, động viên mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến cứu nước của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Chúng ta tự hào có một nhà chỉ huy tài năng, mẫu mực về đạo đức như Đại tướng Lê Trọng Tấn. Đồng chí đã nêu gương sáng về lòng trung thành vô hạn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, lòng yêu Tổ quốc, yêu nhân dân; về lập trường giai cấp kiên định vững vàng, tinh thần cách mạng triệt để, tiến công kiên quyết và liên tục vào mọi kẻ thù, chiến đấu không mệt mỏi để giành thắng lợi cho cách mạng, để bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc, không lùi bước trước bất cứ nguy hiểm, khó khăn nào, luôn nêu cao khí phách kiên cường của người cộng sản. Đạo đức cách mạng trong sáng, cùng những cống hiến to lớn của Đại tướng Lê Trọng Tấn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc nói chung, của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng mãi là tài sản vô giá. Mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ chúng ta cần ra sức học tập, cống hiến và tiếp tục sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đó cũng là hành động thiết thực tưởng nhớ, tri ân và xứng đáng với Đại tướng Lê Trọng Tấn.

Thượng tướng, Viện sĩ, TS KHQS Nguyễn Huy Hiệu

Nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Theo QDND.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến