Tin liên quan
Nhà máy Đạm Ninh Bình. Ảnh: Hà Xù
Lỗ âm vốn chủ sở hữu
Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng số vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng được đưa vào vận hành từ cuối năm 2012, cùng với Đạm Hà Bắc, được coi là những “cú đấm thép” của Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), nhằm giành lại thị phần trong nước trước sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ từ phân bón nhập khẩu hay từ những nhà máy đạm đã đi vào vận hành ổn định trước đó của Tập đoàn Dầu khí (PVN).
Bởi vậy, không khó hiểu mà Vinachem dồn một nguồn lực rất lớn vào nhà máy trên mảnh đất cố đô. Tuy nhiên, nhìn lại hơn 3 năm hoạt động, ấn tượng lớn nhất của Đạm Ninh Bình chỉ là những khoản lỗ nghìn tỷ cùng tương lai mờ mịt.
Năm 2013, công ty lỗ 906 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 738 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 592 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2016 lỗ 456,9 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng lỗ của công ty từ khi đi vào hoạt động tới nay đã là 2.692 tỷ đồng. Với vốn điều lệ là 2.500 tỷ đồng, Đạm Ninh Bình tính tới hết quý II đã bắt đầu chứng kiến hiện tượng lỗ âm vốn chủ.
Tình hình được dự báo sẽ ngày càng tồi tệ hơn. Bởi mặc dù đã dừng vận hành từ đầu năm, cho nghỉ việc gần hết công nhân, nhưng chi phí khấu hao và lãi vay vẫn được ghi nhận đều đặn trên bảng cân đối kế toán trong thời gian tới.
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, Đạm Ninh Bình trong 3 năm đầu hoạt động (2013-2015) chấp nhận khoản lỗ kế hoạch 47 triệu USD, tương đương 1.079 tỷ đồng. Tuy nhiên lỗ thực tế các năm vượt xa kế hoạch, tính đến hết năm 2015 đã là 2.236 tỷ đồng, hơn gấp 2 lần dự tính, và tiếp tục lỗ sang năm thứ 4 với mức lỗ trong 2 quý đầu năm nay là 456,9 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, trong 2 năm gần đây công ty gặp nhiều khó khăn do giá dầu thế giới giảm kéo theo giá phân bón giảm mạnh, đặc biệt là giá ure. Giá bán ure Ninh Bình bình quân giảm từ 8,7 triệu đồng/tấn năm 2012 xuống còn hơn 6 triệu đồng/tấn trong 7 tháng đầu năm 2016.
Trong khi đó, theo báo cáo, thị trường ure trong nước và thế giới biến động phức tạp khó lường, sản xuất nông nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn (hạn hán, xâm nhập mặn) làm giảm nhu cầu phân bón trong nước. Theo quy định, phân bón là đối tượng không chịu thuế GTGT đầu ra, do đó, toàn bộ thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ và tính vào giá thành làm giảm sức cạnh tranh so với sản phẩm nhập khẩu.
Than là nguyên liệu và nhiên liệu sản xuất chính, chiếm tỷ trọng cao trong giá thành nhưng hiện giá mua cao hơn giá mua theo lộ trình được xác lập trong báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư và không giảm dù giá than thế giới giảm cũng góp phần làm giảm sức cạnh tranh so với ure sản xuất từ khí.
Mặt khác, các loại chi phí như khấu hao, trả lãi vay đầu tư và vốn lưu động, hạch toán chênh lệch tỷ giá chiếm tỷ trọng cao trong giá thành sản phẩm, làm cho giá vốn sản xuất và giá thành tiêu thụ ở mức cao.
Vay nợ đầm đìa
Tháng 9/2008, để thu xếp vốn cho dự án Đạm Ninh Bình đã vay Ngân hàng Eximbank Trung Quốc với hạn mức tín dụng 250 triệu USD, lãi suất 4% trong suốt thời hạn vay 15 năm.
Tính tới ngày 31/12/2014, số tiền giải ngân đã lên tới 225 triệu USD, tương đương 4.800 tỷ đồng. Số nợ phải trả trong năm 2015 là 534,4 tỷ đồng.
Đây có thể là lý do lớn nhất khiến Vinachem sau đó phải chọn tổng thầu là Tập đoàn China Huanqiu Contracting & Enginneer cũng như máy móc, công nghệ của Trung Quốc.
Đầu năm 2014, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) ký một hợp đồng tín dụng ngắn hạn với Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, đơn vị vận hành nhà máy, với hạn mức tín dụng 1.200 tỷ đồng và 1 khoản vay trung hạn khác trị giá 6,4 triệu USD.
Một trong những khoản vay lớn của Vinachem phục vụ dự án Đạm Ninh Bình. Nguồn: BCTC riêng kiểm toán 2015 Vinachem
Cuối năm 2013, Vinachem có một khoản vay tín chấp với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Hà Nội. Thời hạn vay 90 tháng, tổng giá trị khoản vay 862,8 tỷ đồng, lãi suất 11% trong năm đầu và áp dụng lãi suất thả nổi cho phần thời gian còn lại.
Mục đích khoản vay là để trả cho một khoản nợ khác của Vinachem đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) trước đó để phục vụ dự án Đạm Ninh Bình. Bản chất gần như là một dạng đảo nợ.
Trong khi đó, VDB chi nhánh Ninh Bình trong 2 năm 2008-2009 đã ký các hợp đồng tài trợ vốn cho Vinachem với tổng mức tín dụng 3.400 tỷ và 76 triệu USD. Mục đích cho vay là để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám (Chính là nhà máy Đạm Ninh Bình bởi giai đoạn này Vinachem chỉ thực hiện duy nhất dự án phân đạm này). Tổng dư nợ tại thời điểm 31/12/2014 là 2.800 tỷ.
Như vậy, chưa tính khoản tín dụng trực tiếp của Đạm Ninh Bình với BIDV kể trên, tập đoàn mẹ Vinachem đã đứng ra thay Đạm Ninh Bình vay với số tiền tổng cộng gần 4.300 tỷ đồng và 326 triệu USD.
Với mức lãi suất như cam kết với các nhà băng, Vinachem đều đặn mỗi ngày phải trả khoảng 2,6 tỷ tiền lãi thay cho Đạm Ninh Bình, tương đương gần 1.000 tỷ đồng mỗi năm.
Dư nợ gốc tính tới cuối năm 2014 ở mức 6.600 tỷ, chiếm 97% tổng nợ ngân hàng dài hạn của Tập đoàn mẹ, cho thấy độ ‘nặng nợ’ của Đạm Ninh Bình với hơn 40 thành viên còn lại trong Vinachem.
Mặc dù những khó khăn khách quan là không thể tránh khỏi, tuy nhiên việc Đạm Ninh Bình thua lỗ dai dẳng hàng nghìn tỷ đồng không thể không đặt ra dấu hỏi về trách nhiệm và năng lực của những người đứng đầu công ty, trong đó có ông Nguyễn Văn Minh, Phó TGĐ phụ trách kinh doanh.
Được biết, ông Minh là em trai của Chủ tịch Vinachem ông Nguyễn Anh Dũng. Điều này đã được ông Ngô Mạnh Hoài – Phó TGĐ Vinachem xác thực với ANTT.VN.
Ông Ngô Mạnh Hoài, Phó TGĐ Tập đoàn Vinachem
Theo đại diện của Vinachem, tháng 4/2014 nhằm kiện toàn nhân sự ban điều hành Công ty, Hội đồng thành viên của Công ty TNHH Đạm Ninh Bình có văn bản xem xét điều động bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh.
ANTT.VN sẽ tiếp tục thông tin.
Nghi Điền
Nên đọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy