Trong khi dòng vốn vào thị trường chứng khoán lại liên tiếp phá đỉnh, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng và sức mua vàng lại giảm so với trước đây.
Chán gửi tiết kiệm, mua vàng tích trữ
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 9 là gần 5,292 triệu tỷ đồng, giảm gần 1.500 tỷ đồng so với hồi cuối tháng 8.
Tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng có xu hướng chậm lại trong nhiều tháng gần đây và bắt đầu chững lại từ tháng 7 năm nay. Tháng 8 và tháng 9 là hai tháng liên tiếp ghi nhận lượng tiền gửi giảm so với tháng liền kề, ở mức 1.000-1.500 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm đến cuối tháng 9, tiền gửi của người dân vào ngân hàng cũng chỉ tăng thêm 150.000 tỷ đồng, bằng khoảng một nửa so với trung bình hai năm trước.
Tính đến cuối quý III, có 6 ngân hàng giảm lượng tiền gửi khách hàng so với đầu năm. Trong đó, giảm mạnh nhất là ABBank (giảm 7,52%) còn 67,054 tỷ đồng tiền gửi khách hàng; PGBank giảm 6,73%, NCB giảm 3,64%...
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính cho rằng mức tăng thấp của lượng tiền gửi dân cư vào ngân hàng có thể được lý giải do hai nguyên nhân chính là lãi suất tiết kiệm ngày một thấp và thu nhập của nhiều người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá lãi suất ngân hàng giảm là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư chứng khoán tăng mạnh.
Lãi suất tiền gửi tại Việt Nam đã giảm sâu trong thập kỷ qua từ mức hơn 14% trong năm 2011 xuống chỉ còn 4-5%/năm. Bên cạnh đó, dòng tiền trong dân cư có xu hướng ngày càng linh hoạt, năng động hơn giữa các kênh đầu tư thay vì có tính ổn định khi lựa chọn gửi ngân hàng.
Bên cạnh tiền gửi dân cư vào ngân hàng, lượng vàng được mua trong thời gian qua cũng giảm mạnh. Theo báo cáo của Hội đồng vàng thế giới (WGC), trong quý III/2021, người Việt đã mua tổng cộng 3 tấn vàng. Trong đó, người dân mua 1 tấn vàng trang sức, 2 tấn vàng miếng và tiền xu.
Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, nhu cầu đối với vàng của người tiêu dùng Việt Nam trong quý III/2021 giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
"Nguyên nhân chủ yếu là do việc giãn cách xã hội kéo dài nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19 khiến nhu cầu mua bán vàng trang sức, vàng miếng và tiền xu bị ảnh hưởng đáng kể" - ông cho hay.
Chưa biểu lộ sức khỏe nền kinh tế
Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), 11 tháng đầu năm 2021, có hơn 4 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán, tăng hơn 1,3 triệu tài khoản so với cuối năm 2020.
Nhà đầu cá nhân mở mới 221.314 tài khoản chứng khoán trong tháng 11/2021 - kỷ lục mới của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tổng số tài khoản chứng khoán mở mới tháng vừa qua nhiều hơn tổng tài khoản mở mới trong cả năm 2019 (192.567 tài khoản).
Phiên giao dịch ngày 19/11 ghi nhận tổng giá trị giao dịch trên sàn chứng khoán đạt kỷ lục với 56.100 tỷ đồng, xấp tỷ 2,5 tỷ USD, phá vỡ kỷ lục 52.000 tỷ đồng đã lập vào phiên ngày 3/11. Vn-Index cũng công phá thành công mức 1.500 điểm vào phiên ngày 25/11 sau 2 thập kỷ thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động.
TS Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền đổ vào chứng khoán là hiện có nhiều kênh Đầu tư sinh lời tốt hơn kênh truyền thống là gửi tiền tiết kiệm. "Lãi suất ngân hàng giảm mạnh, điều này không còn hấp dẫn nhà đầu tư" - ông nói.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết chứng khoán phải là bảng biểu để phản ánh thực trạng nền kinh tế. "Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đang phát triển quá nóng, không thực sự phản ánh đúng sự thịnh vượng của doanh nghiệp và nền kinh tế" - ông nói.
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng thị trường chứng khoán chưa biểu lộ đúng "sức khỏe" nền kinh tế.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2021, mức tăng GDP Việt Nam chỉ tăng 2,58% - mức thấp nhất thập kỷ vừa qua. Riêng quý III/2021, GDP chỉ đạt 1,42%, giảm tới 6,17% so với cùng kỳ năm trước - mức giảm sâu nhất kể từ năm 2000 khi Việt Nam tính và công bố GDP quý.
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng thị trường chứng khoán không tỉ lệ thuận với sự phát triển kinh tế khi liên tục tăng lên các mốc cao mới, lập đỉnh lịch sử.
Theo ông Long, thị trường chứng khoán không loại trừ có nhiều nhà đầu tư phong trào. "Nhà đầu tư phải hết sức thận trọng, đa dạng hóa các kênh đầu tư, phân tích kỹ lưỡng và có sự hiểu biết khi quyết định đầu tư cổ phiếu" - ông nói.
Bên cạnh đó, ông Long cũng cho biết cần cẩn trọng với hiện tượng "bong bóng" chứng khoán. "Các chỉ số chứng khoán tăng cao là tốt nhưng phải đặt ra câu hỏi liệu các chỉ số ấy có biểu hiện đúng thị trường đang hồi phục hay không" - ông nói.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng đồng tình và cho rằng các nhà đầu tư nên cẩn trọng trước những đợt “sóng ảo" của thị trường chứng khoán. "Lượng nhà đầu tư cá nhân tăng mạnh, đây là những người không có nhiều kinh nghiệm nhưng lại tạo sức mạnh cho thị trường. Việc họ đồng loạt mua vào hoặc bán tháo sẽ ảnh hưởng đến giá trị thực của thị trường" - ông cho hay.
Chứng khoán không chỉ là trào lưu
Theo các chuyên gia kinh tế, chứng khoán không chỉ là trào lưu nhất thời mà vẫn sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn trong vài năm tới.
TS Võ Trí Thành cho rằng, thời gian vừa rồi, không chỉ Việt Nam mà ở cả nhiều nước trên thế giới, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư sôi động dù có lúc lên - xuống.
Không chỉ bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, dù ngân hàng sẽ tăng lãi suất tiết kiệm trở lại, chứng khoán vẫn sẽ là kênh đầu tư thu hút người tham gia. Tuy nhiên theo ông Thành, một vài năm tới, tốc độ tăng trưởng có thể thấp hơn năm 2021.
"Đặc biệt, khi dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế dần hồi phục về trạng thái bình thường, chứng khoán sẽ quay lại phản ánh đúng những vấn đề nền tảng vĩ mô" - ông nói.
TS Võ Trí Thành cho rằng chứng khoán vẫn sẽ là kênh thu hút hậu đại dịch.
PGS.TS Ngô Trí Long cũng đồng tình và cho rằng chứng khoán là một cách đầu trực tiếp vào nền kinh tế, doanh nghiệp, quá trình sản xuất… Ông đánh giá tiềm năng của thị trường chứng khoán lớn. "Tuy vậy, cần khai thác và dòng tiền phải đổ vào đúng lĩnh vực cần phát triển để phục hồi kinh tế" - ông cho hay.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá trước đây, vốn hóa của thị trường chứng khoán chưa lớn so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực. "Tuy nhiên, thị trường chứng khoán trong năm tới chắc chắn sẽ có nhiều đợt điều chỉnh nhưng về cơ bản vẫn phát triển mạnh, thúc đẩy nâng hạng thị trường chứng khoán" - ông nhận định
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy