Dòng sự kiện:
Dân kêu cứu vì những sai phạm ở hồ Đá Dựng
21/02/2023 10:26:47
Nhiều người dân thôn 6, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội phản ánh việc khu vực hồ Đá Dựng có dấu hiệu bị xâm lấn, ảnh hưởng đến cảnh quan hồ trong thời gian qua.

Theo nội dung người dân tại thôn 6, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội phản ánh tới các cơ quan báo chí, tại khu vực hồ Đá Dựng có dấu hiệu bị lấn chiếm đất công, mặt hồ thuỷ lợi, ô nhiễm môi trường.

Người dân cho biết: Hồ Đá Dựng là hồ thuỷ lợi, phục vụ công tác điều hoà nước tưới tiêu, môi trường của xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất. Nằm giữa hồ là 1 đảo nhỏ rộng khoảng 4.000m2, vốn là đất khai hoang trồng keo và các cây trồng rừng, không phải là đất thuộc danh mục đất ở nông thôn.

Hoàn toàn không có đường nối giữa đảo và các vùng đất quanh hồ. Tuy nhiên, từ giữa năm 2021, một cá nhân đã tiến hành hoạt động xây dựng, kè đá kiên cố, lấn chiếm rộng quanh đảo ra hơn 2m so với hiện trạng cũ. Đồng thời, xây dựng một số công trình kiên cố trên mặt hồ. Sau đó, làm một đường nối giữa đất liền với đảo, cắt ngang luồng lưu thông nước chảy.

Hoạt động xâm hại Hồ Đá dựng. Ảnh người dân cung cấp.

Liên quan đến việc công trình đường nối giữa đất liền với đảo, hồi tháng 4/2021, UBND huyện Thạch Thất đã ký văn bản số 680/UBND–QLĐT về việc chấp thuận cho phép cải tạo, nâng cấp đường dân sinh vào các hộ dân (khu hồ Đá Dựng) thuộc thôn 6 xã Tiến Xuân.

Quyết định này căn cứ vào văn bản số 113/UBND–ĐC ngày 4/2/2021 của UBND xã Tiến Xuân, kèm theo đơn xin phép của các hộ dân khu hồ Đá Dựng và hồ sơ báo cáo kinh tế kĩ thuật công trình được lập bởi Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng và Môi trường Minh Đạt.

Theo đó, UBND huyện Thạch Thất cho phép các hộ dân (khu hồ Đá Dựng) cải tạo, nâng cấp đường vào bằng nguồn kinh phí tự nguyện đóng góp của các hộ dân.

Dự toán xây dựng công trình là hơn 2,2 tỷ đồng. Chiều dài đường là 109,82 m. Điểm đầu đấu nối với đường đất hiện trạng; điểm cuối đấu nối với đường ngõ đi chung của các hộ có đất trong khu hồ Đá Dựng.

Các hạng mục đầu tư gồm nền mặt đường, kè chắn, cống ngang đường. Thời gian thực hiện trong năm 2021.

Được biết, khu vực đảo tròn hiện đã được cấp 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây gọi là sổ đỏ) (từ thửa đất số 89 đến thửa đất 95 thuộc tờ bản đồ số 61) do ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ký. Cả 7 sổ đỏ đều thể hiện người sử dụng đất là bà Phạm Thu Hà (SN 1995), địa chỉ thường trú tổ 21, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội).

Trao đổi với Báo Lao Động ngày 8/2 vừa qua, ông Nguyễn Văn Hồng, một hộ dân sống cạnh hồ Đá Dựng bức xúc cho biết, vấn đề ô nhiễm hồ Đá Dựng có từ rất lâu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của người dân. Thế nhưng dù nhiều lần phản ánh, chính quyền cơ sở vẫn bỏ mặc người dân sống trong khốn khổ.

Theo đó, khác hẳn với sự trong lành của vùng miền núi, không khí quanh hồ Đá Dựng bốc lên mùi khăm khẳm vô cùng khó chịu. Nước trong hồ chuyển hẳn sang màu đen như nước thải.

Anh Nguyễn Văn Tường, người dân thôn 6 bức xúc cho biết, dù nhà cách hồ Đá Dựng một con đường nhưng vẫn bị mùi khó chịu ảnh hưởng. Hằng ngày, gia đình anh Tường luôn phải hứng chịu mùi hôi tanh từ hồ. “Gia đình tôi như lâm vào cảnh sống dở chết dở. Quần áo phơi ngoài sân thường xuyên bị ám mùi”, anh Tường nói.

Liên hệ với ông Nguyễn Kim Loan, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, chính quyền UBND huyện này vẫn chưa tiếp xúc để thông tin về vấn đề đã nêu.

Đối với vấn đề  Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu vực đảo tròn (hồ đá dựng), trong đó có đất thổ cư cũng có nhiều nghi vấn. Bởi, theo phản ánh của người dân đất đảo tròn trước đây là rừng trồng bằng nguồn vốn tài trợ của Chương trình lương thực thế giới (PAM), Njà nước tổ chức trồng cây gây rừng.

Một trong những hộ dân tham gia trồng cây khi đó là gia đình ông Đinh Văn Chức (trồng rừng tại khu vực đảo tròn). Năm 2000, ông Chức sang nhượng phần đất đảo tròn cho một cá nhân ở Hà Nội và sau đó đến tay bà Nguyễn Thị Phương.

Theo báo Lao Động, đến tháng 1/2023, những người trên đảo tiếp tục thi công một con đường nối từ đảo đến mảnh đất của bà Nguyễn Thị Phương. Mảnh đất của bà Phương nằm ngay cạnh khu sinh thái Ngọc Linh. Phần đất của bà Phương có diện tích khoảng 700m2, vốn không có lối giao thông để tiếp cận.

Ông Đinh Văn Dương - người có uy tín thôn 6 kể rằng: "Từ khi hộ ông Đinh Văn Hiệu bắt đầu làm trang tại nuôi vịt, môi trường đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, cắt đi nguồn nước sinh hoạt của người dân địa phương".

Theo Pháp luật Plus, trước đó, ngày 1/12/2022, UBND huyện Thạch Thất đã ban hành Quyết định số 9242/QĐ–UBND thành lập Đoàn thanh tra trách nhiệm đối với UBND các xã: Tiến Xuân, Yên Bình, Thạch Hoà, Bình Yên, Tân Xã trong việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, khoáng sản (từ ngày 1/1/2017 đến ngày 30/11/2022). Theo quyết định này, Đoàn thanh tra liên ngành gồm 17 thành viên, trong đó, ông Nguyễn Kim Loan, Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng đoàn.

Bảo Khánh (T/h)
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến