Dòng sự kiện:
Dân xứ Thanh bội thu nhờ nuôi cá cho ông Công, ông Táo ‘chầu trời’
27/01/2019 13:18:30
Được xem là thủ phủ cung cấp cá chép đỏ cho người dân thả ngày ông Công, ông Táo về trời, năm nay nhiều hộ dân làng Tân Cổ, xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) phấn khởi vì bội thu nhờ cá được giá.

Đến hẹn lại lên, cứ gần đến ngày 23 tháp Chạp hàng năm, làng Tân Cổ, xã Quảng Tân lại rộn ràng, tấp nập hẳn lên. Bởi lẽ nơi đây được xem là thủ phủ nuôi cá chép đỏ, loài cá người dân Việt Nam dùng để thả phóng sinh đưa ông Công, ông Táo “chầu trời”.

Tại làng Tân Cổ những ngày này, người dân tất bật tháo ao, dùng lưới bắt cá để chuẩn bị xuất bán. Không chỉ bán cho người dân địa phương, thương lái ở khắp nơi từ các tỉnh lân cận cũng tìm đến như Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội. Cá ở đây nổi tiếng có hình dáng, màu sắc đẹp, sống khỏe nên được nhiều người ưa chuộng.

Cá chép đỏ làng Tân Cổ, xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương

Theo người dân, năm nay thời tiết ổn định nên cá khỏe mạnh, được mùa, giá bán ra dao động từ 100 – 120 nghìn đồng/kg.

Theo thống kê của UBND xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, toàn xã hiện có hơn 150 hộ nuôi cá chép đỏ. Hàng năm, số tiền thu được từ bán cá ông vào là khoảng 10 tỷ đồng. Đây là nghề mang lại nguồn thu nhập lớn và ổn định cho nhiều gia đình tại địa phương.

Người dân tất bật thu hoạch cá

Bà Nguyễn Thị Hoa (54 tuổi), trú tại thôn Tân Cổ, xã Quảng Tân cho biết, gia đình bà nuôi cá ở 2 ao, năm nay thu hoạch khoảng hơn 1 tấn cá.

“Trừ chi phí đi thì chúng tôi thu lời khoảng 100 triệu đồng. Nghề này mang lại thu nhập lớn cho bà con nên ngày càng nhiều hộ nuôi. Ban đầu mới nuôi chưa có kinh nghiệm thì rất khó khăn, vất vả bởi không cẩn thận cá chết là mất hết vốn, nhưng khi đã quen rồi thì cũng ổn”, bà Hoa nói. 

Mẻ cá chuẩn bị xuất bán

Ông Nguyễn Văn Minh cho biết, trước đây gia đình ông trồng lúa nhưng vất vả mà lời lãi không bao nhiêu. Thấy nhiều họ nuôi cá thành công nên ông cũng vay mượn ngân hàng đào ao thả cá. Giờ đây, nuôi cá trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. Năm nay ông thu lời khoảng trên 70 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế khấm khá hơn.

Theo ông Minh, từ ngày 19 – 22 tháng Chạp, thương lái đến đặt hàng trước để ông chuẩn bị và phân loại cá, sau đó họ cho xe đến chở đi tiêu thụ ở các tỉnh khác, vào tận Hà Tĩnh, Quảng Bình...

Nghề nuôi cá chép đỏ được duy trì, phát triển ở đây không chỉ đơn thuần là truyền thống văn hóa, mà đến nay nuôi cá "ông Công, ông Táo" còn trở thành một nghề chính mang lại thu nhập, giúp người dân có cuộc sống no đủ, khấm khá, đặc biệt là mỗi dịp Tết đến xuân về.

 Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến