Kết quả kiểm phiếu của 99% đơn vị bầu cử tại Thuỵ Điển cho thấy liên minh gồm 3 đảng cánh hữu cùng đảng cực hữu “Dân chủ Thuỵ Điển” (SD) đã giành chiến thắng với cách biệt sít sao, 176 ghế so với 173 ghế mà liên minh cánh tả cầm quyền giành được. Với kết quả này, liên minh cánh hữu đã giành đa số tại Hạ viện có 349 ghế của Thuỵ Điển và được phép đứng ra thành lập chính phủ liên minh mới tại Thuỵ Điển.
Bà Magdalena Andersson đã tuyên bố sẽ nộp đơn từ chức Thủ tướng. Ảnh: DW
Mặc dù chiến thắng với cách biệt rất nhỏ nhưng đây cũng được xem là thành tích lịch sử với các đảng cánh hữu, đặc biệt là đảng cực hữu “Dân chủ Thuỵ Điển” (SD), vốn là đảng mạnh nhất trong liên minh. Với tổng số phiếu giành được trong cuộc bầu cử lập pháp năm nay là 20,6%, đảng SD không chỉ ghi nhận thành tích bầu cử lớn nhất trong lịch sử đảng này mà còn trở thành chính đảng lớn thứ hai tại Thuỵ Điển, chỉ sau đảng Dân chủ Xã hội của đương kim Thủ tướng Magdalena Andersson, giành được khoảng 30% phiếu. Ngay sau khi kết quả được công bố, bà Magdalena Andersson đã tuyên bố sẽ nộp đơn từ chức Thủ tướng Thuỵ Điển trong sáng 15/9.
Đây được xem là một cú sốc lớn đối với chính trường Thuỵ Điển bởi đảng cực hữu SD vốn có tiền thân là một đảng tân phát-xít, theo đuổi các đường lối bài ngoại, chống nhập cư, thậm chí phân biệt chủng tộc. Kết quả này cũng khiến cho tiến trình thành lập chính phủ mới tại Thuỵ Điển sẽ diễn ra rất khó lường bởi với tư cách là đảng mạnh nhất trong liên minh cánh hữu, đảng cực hữu SD chắc chắn sẽ đòi hỏi được nắm giữ nhiều Bộ quan trọng trong chính phủ. Tuy nhiên, trước đó 3 đảng cánh hữu khác trong liên minh đã bác bỏ khả năng trao cho đảng cực hữu SD các chức danh Bộ trưởng.
Ông Ulf Kristersson, lãnh đạo đảng Trung Dung trong liên minh cánh hữu, người có nhiều khả năng sẽ giữ chức Thủ tướng Thuỵ Điển, cho biết, các đảng cánh hữu sẽ làm mọi cách để việc thành lập chính phủ mới diễn ra suôn xẻ.
“Trong khoảng 1 tuần nữa chúng tôi hy vọng sẽ bắt đầu thảo luận các nhiệm vụ của chính phủ mới. Chúng tôi có 2 tuần để xem xét mọi việc trước khi Nghị viện họp trở lại và chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để có được những cuộc đàm phán thành lập chính phủ mới nhanh chóng và êm thấm”, ông Ulf Kristersson nói.
Thuỵ Điển là quốc gia thành viên Liên minh châu Âu thứ 4 chứng kiến sự thay đổi chính phủ kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine. Trước đó, các chính phủ tại Bulgaria, Italia và Anh cũng đều đã sụp đổ. Tại Italia, cuộc bầu cử trước thời hạn sẽ được tổ chức vào ngày 25/9 để lựa chọn chính phủ mới và hiện đảng cực hữu “Những người anh em Italia” cũng đang được dự đoán sẽ dẫn đầu liên minh cánh hữu và chiến thắng cuộc bầu cử./.
Tác giả: Quang Dũng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy