Mà lo thật, cho dù xuất siêu là một trong những yếu tố quan trọng giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cán cân thanh toán quốc tế, ổn định tỷ giá… Nguyên do là nếu so với mức xuất siêu 1,9 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, con số 4 tỷ USD không phải là nhỏ, nhưng có được bởi phần nào do nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu. Hơn thế, nguyên nhân sâu xa là bởi đơn hàng giảm, dẫn tới sản xuất công nghiệp suy giảm.
Số liệu vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng như xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa 3 tháng đầu năm đều giảm, với mức giảm tương ứng là 13,3%, 11,9% và 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, nhập khẩu còn giảm mạnh hơn xuất khẩu (tới 2,8 điểm phần trăm).
Đặc biệt, trong cơ cấu hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất (chiếm 93,5% tổng kim ngạch nhập khẩu) ước chỉ đạt 70,22 tỷ USD trong quý I/2023, giảm tới 15% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng (chiếm 6,5%), ước đạt 4,88 tỷ USD, giảm 8,9%.
Sản xuất công nghiệp trong quý I giảm tới 0,82%, nên dễ hiểu vì sao, nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất lại giảm mạnh như vậy. Trong khi kinh tế Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài, nên nhập khẩu các mặt hàng này giảm đã chứng tỏ sản xuất trong nước đang gặp khó.
Tình hình dường như cải thiện hơn trong tháng 3/2023, khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 58,49 tỷ USD, tăng 18,6% so với tháng 2/2023. Mặc dù vậy, trên thực tế, con số này vẫn giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó có nghĩa, tình hình còn tiếp tục khó khăn, cả trong xuất, nhập khẩu và sản xuất.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tại Việt Nam mà S&P Global vừa công bố, đã lại một lần nữa cho thấy những lo lắng này là có cơ sở. Theo đó, sau dấu hiệu phục hồi trong tháng 2/2023, thì tháng 3/2023, PMI của Việt Nam lại có bước lùi khi chỉ đạt 47,7 điểm - lần thứ 4 nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong vòng 5 tháng qua.
PMI giảm điểm và tiếp tục ở mức thấp là chỉ dấu về sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm giảm trở lại. Điều này đồng nghĩa, hoạt động sản xuất, xuất và nhập khẩu hàng hóa tiếp tục xu hướng suy giảm so với cùng kỳ năm 2022 trong những tháng tới đây. Nếu tình hình chưa sớm được cải thiện, thì sẽ đặt áp lực không nhỏ lên mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% của năm nay.
Vì thế, xuất siêu lớn, mừng đấy nhưng cũng lo đấy. Lo sản xuất, xuất khẩu gặp khó, lo ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Không thể không lo khi trong quý I/2023, hàng loạt mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều giảm mạnh, như điện thoại và linh kiện giảm 15%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 10,9%; dệt may giảm 17,4%... Cũng không thể không lo khi sản xuất công nghiệp giảm mạnh, dẫn tới tăng trưởng GDP quý I ước đạt 3,32%...
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với rủi ro, thách thức, tăng trưởng giảm tốc, lạm phát vẫn ở mức cao, dẫn tới nhu cầu giảm, thì giải pháp lúc này chính là làm sao tận dụng được cơ hội do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mang lại. Ngoài ra, cần nỗ lực khai phá thị trường mới, sản phẩm xuất khẩu mới, thúc đẩy tiêu thụ nội địa… để gỡ khó cho sản xuất và xuất khẩu.
Gỡ khó cho sản xuất, xuất nhập khẩu, cũng chính là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tác giả: Nguyên Đức
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy