Dòng sự kiện:
Đằng sau đà tăng mạnh của giá USD
20/07/2022 10:12:25
Nói với Zing, các chuyên gia quốc tế cho rằng đà tăng của đồng USD có thể kéo dài vì tâm lý rủi ro vẫn bao trùm thị trường. Trong khi đó, lạm phát tại Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cô Alyssa Brown, 26 tuổi, đã bay từ Chicago (bang Illinois) đến Paris chỉ để mua một chiếc túi Saint Laurent.

Cô chỉ phải trả 1.833 USD cho món đồ đã thích từ lâu, thấp hơn 700 USD so với giá niêm yết tại Mỹ.

Những du khách Mỹ như cô Brown hưởng lợi khi đồng USD tăng giá so với đồng euro. Tuy nhiên, nói với Zing, các chuyên gia quốc tế cho rằng đà tăng của đồng USD sẽ khiến gánh nặng nợ của những nền kinh tế mới nổi phình to.

Theo các chuyên gia, Cục Dự trữ Liên bang (FED) mạnh tay nâng lãi suất là động lực chính cho đà tăng của đồng USD. Chỉ số USD đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các loại tiền tệ khác đã tăng hơn 10% trong năm nay lên mức cao nhất trong vòng 20 năm.

Tuần trước, đồng yen đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 24 năm so với đồng bạc xanh. Trong khi đó, đồng euro giảm còn 1 USD đổi 1 euro, đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2002.


Biến động của Dollar Index Spot - chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD của Bloomberg - kể từ đầu năm đến nay. Ảnh: BloombergMarkets.

Động lực chính

"Một số yếu tố thúc đẩy đồng USD, nhưng động lực chính của đà tăng là lạm phát tại Mỹ và những động thái tiếp theo của FED. Hiện tại, lạm phát là trung tâm của vấn đề. Bởi nó buộc FED phải hành động quyết liệt hơn", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - trả lời Zing.

"Xu hướng tăng có thể kéo dài vì tâm lý e ngại rủi ro vẫn bao trùm thị trường", vị chuyên gia nói thêm.

Với vị thế quan trọng trên thế giới, đồng USD thường tăng giá trong thời kỳ hỗn loạn. Một phần nguyên nhân là các nhà đầu tư cho rằng đồng bạc xanh tương đối an toàn và ổn định.

Một số yếu tố thúc đẩy đồng USD, nhưng động lực chính của đà tăng là lạm phát tại Mỹ và những động thái tiếp theo của FED

Ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London

Nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại. Nhưng châu Âu cũng đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng, Nhật Bản chưa vội nâng lãi suất, các chính sách chống dịch của Trung Quốc ảnh hưởng tới nền kinh tế 1,4 tỷ dân. Những quốc gia khác trên thế giới cũng chịu sức ép lớn từ lạm phát tăng cao.

"Thêm vào đó, vẫn có rất ít dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ giảm bớt", ông Erlam bình luận. Theo ông, chìa khóa sẽ nằm ở các báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ.

Theo số liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 13/7, CPI tháng 6 của Mỹ đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Con số này cũng vượt xa dự báo trước đó của giới quan sát.

Theo giới quan sát, lạm phát tăng cao ngoài dự kiến sẽ thúc đẩy các quan chức FED tiếp tục mạnh tay trong việc thắt chặt chính sách.


Mức lạm phát kỷ lục trong tháng 6 có thể thúc đẩy các quan chức FED tiếp tục mạnh tay trong việc thắt chặt chính sách. Ảnh: Reuters.

Trong tháng 6, FED đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, mức cao nhất kể từ năm 1994. Nhưng các chuyên gia kinh tế tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ không dừng lại ở đó, nhất là khi lạm phát vẫn chưa nằm trong tầm kiểm soát.

Còn theo ông Edward Moya - chuyên gia tài chính tại hãng tư vấn Americas Oanda (có trụ sở ở Mỹ), đồng bạc xanh hưởng lợi nhờ sự chênh lệch lãi suất giữa các đồng tiền, nhất là khi châu Âu có khả năng rơi vào suy thoái trong năm nay.

Xung đột Nga - Ukraine và các đòn trừng phạt qua lại khiến triển vọng tăng trưởng của khu vực đồng euro xấu đi. Liên minh châu Âu cũng đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện nếu Nga chặn dòng chảy khí đốt đến khối này.

Đường ống Nord Stream 1 - huyết mạch quan trọng đưa khí đốt từ Nga đến châu Âu - đang bị dừng hoạt động đến ngày 21/7 để bảo trì.

Thêm vào đó, khác với FED, những ngân hàng trung ương như Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có thể phải thận trọng hơn trong việc siết chặt chính sách.

Bởi các nền kinh tế này vốn đã phải gánh chịu tác động trực tiếp từ tình trạng khan hiếm năng lượng và khí đốt.

Đà tăng kéo dài tới bao giờ

Theo giới quan sát, đà tăng của đồng USD có thể cản trở sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu và giáng đòn vào các quốc gia có khoản vay bằng đồng USD, nhất là những nước nghèo.

"Đồng USD tăng sức mạnh sẽ khiến các thị trường mới nổi gặp khó, nhất là những quốc gia đang gánh nợ bằng đồng USD hoặc thâm hụt tài khoản vãng lai, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ", ông Erlam cảnh báo.

Trong khi đó, ông Moya tại Americas Oanda cho rằng đà tăng của đồng bạc xanh sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho các thị trường mới nổi. Ông cảnh báo khi USD tăng giá, đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu cũng bị cản trở.

Đồng bạc xanh đã tăng khá mạnh trong 12 tháng qua. Đà tăng có thể kéo dài hơn nữa

Chuyên gia tài chính Edward Moya

Câu hỏi đặt ra là đà tăng của đồng USD sẽ kéo dài tới khi nào. "Đồng bạc xanh đã tăng khá mạnh trong 12 tháng qua. Đà tăng có thể kéo dài hơn nữa", ông Moya nói với Zing.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, một khi giới đầu tư cho rằng khả năng FED thắt chặt chính sách đã được phản ánh hết trên thị trường, đà tăng của đồng USD sẽ chấm dứt.

Đà tăng của đồng USD đã hạ nhiệt phần nào trong những ngày qua. Nguyên nhân là FED có thể không nâng lãi suất mạnh tay như dự báo trước đó của giới đầu tư.

Trong một cuộc họp mới đây, ngay cả những quan chức ủng hộ việc thắt chặt chính sách nhất của FED cũng chỉ ủng hộ một đợt nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào tháng 7.

Trước đó, sau khi lạm phát tháng 6 của Mỹ lập đỉnh 40 năm, giới quan sát đã cho rằng FED có khả năng tăng lãi suất 1 điểm phần trăm.

Tác giả: Thảo Cao

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : usd
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến