Nhiều quy định trong Luật Dầu khí không còn phù hợp với tình hình mới và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế
Đặc thù trong thống nhất
Trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ ba (khai mạc tháng 5/2022), Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay đầu phiên họp thứ 10 (dự kiến diễn ra từ ngày 14 đến 23/4).
Việc sửa đạo luật chuyên ngành này đặt ra trong bối cảnh đóng góp vào ngân sách nhà nước của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) - doanh nghiệp nòng cốt của ngành dầu khí - đã giảm từ trung bình 20-25% của giai đoạn 2006-2015 xuống còn 10% từ năm 2015 đến nay.
Nhiều quy định trong Luật Dầu khí không còn phù hợp với tình hình mới và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, kêu gọi đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể, xung đột Nga - Ukraine khiến giá dầu hết sức phức tạp, tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.
Bối cảnh mới này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra Dự án luật) Vũ Hồng Thanh và nhiều ý kiến tham gia thẩm tra, đòi hỏi phải có cách nhìn mới. Mới không chỉ là đề xuất cơ chế ưu đãi đặc biệt để “đánh thức” đầu tư vào lĩnh vực kinh tế từng có năm đóng góp đến 25% GDP của cả nước, mà quan trọng hơn là vừa đảm bảo được tính đặc thù của ngành dầu khí, nhưng vẫn bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, hài hòa thông lệ quốc tế.
Vì thế, yêu cầu đặt ra là phải xác lập một quy trình thực hiện riêng biệt cho dầu khí và đó phải là một quy trình đủ rõ, đủ cụ thể để có thể thực hiện ngay, chứ không nhắc lại, hoặc viện dẫn quy định chung chung ở luật khác, hoặc thiết kế quá nhiều quy định có tính định tính như tại dự thảo.
Muốn thế, cần xử lý thật tốt mối quan hệ giữa Luật Dầu khí với quy định của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và nhiều luật khác có liên quan. Chẳng hạn, khoản 4, Điều 4, Luật Đầu tư - đạo luật gốc về hoạt động đầu tư, đã quy định về nguyên tắc, trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành, thì các luật này sẽ phải xác định nội dung cụ thể thực hiện hoặc không thực hiện theo Luật Đầu tư.
Vì thế, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, bà Trần Hồng Nguyên cho rằng, trong Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), phải xác định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí nào thực hiện theo Luật Dầu khí, hoạt động nào vẫn thực hiện theo Luật Đầu tư.
Tổng hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra khá nhiều quy định mang tính định tính tại dự thảo luật, như những cụm từ “không thuận lợi”, hiệu quả kinh tế “rất hạn chế”, các biện pháp kỹ thuật “thông thường”... VCCI cũng đề nghị cần có điều khoản riêng quy định về sự cố dầu khí, bởi đây là một chế định rất quan trọng.
Bên cạnh đó, các ý kiến từ các vị đại biểu đến từ Ủy ban Tư pháp, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đồng tình rằng, cần bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí, điều tra cơ bản về dầu khí, đặc biệt là địa vị pháp lý của PVN bảo đảm nguyên tắc giao quyền, phân cấp, ủy quyền gắn với trách nhiệm khắc phục tiêu cực thời gian qua.
Nghiên cứu 3 tháng vẫn không hiểu
Bổ sung, hoàn thiện các nội dung quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí là chính sách được xếp thứ nhất trong báo cáo đánh giá tác động của Bộ Công thương, khi hoàn thiện hồ sơ dự án luật. Phương án mới được đề xuất là quy định thời hạn hợp đồng theo hướng linh hoạt cho nhà thầu đang thực hiện hợp đồng, thống nhất thời hạn hợp đồng dầu khí đối với khai thác dầu và khai thác khí.
Cụ thể là quy định thời hạn hợp đồng dầu khí là 30 năm đối với cả dầu và khí, các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt, thời hạn hợp đồng dầu khí không quá 35 năm (tăng thêm 5 năm so với Luật hiện hành). Thời hạn của giai đoạn tìm kiếm, thăm dò dầu khí có thể được gia hạn thêm, nhưng không quá 5 năm (tăng thêm 3 năm) để tương đồng với các nước trong khu vực, nhằm tăng tính thu hút đối với các nhà đầu tư.
Ngoài ra, chính sách mới cũng mở rộng diện tích, việc hoàn trả, giữ lại diện tích hợp đồng dầu khí theo hướng linh hoạt hơn, nghĩa vụ tài chính về chuyển nhượng quyền lợi tham gia (trực tiếp, gián tiếp) trong hợp đồng dầu khí theo hướng rõ ràng hơn...
Tuy nhiên, băn khoăn của các chuyên gia lại không ở các chính sách trên, mà ở quy định về hợp đồng dầu khí, trong đó có nội dung: “Chính phủ ban hành hợp đồng mẫu của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí và hợp đồng mẫu của hình thức hợp đồng khác khi cần thiết”.
Trưởng ban Pháp chế của VCCI, chuyên gia Đậu Anh Tuấn cho biết, theo phản ánh của doanh nghiệp, hợp đồng mẫu (được quy định ở nghị định) hiện nay rất bó, rất chặt. Vì thế, lần này, nên quy định ngay trong luật một cách tương đối về khả năng điều chỉnh hợp đồng, vì thỏa thuận trong các hợp đồng rất đa dạng. Việc quy định được phép điều chỉnh các hợp đồng, theo ông Tuấn, chính là trao thêm không gian cho quá trình đàm phán với các nhà đầu tư.
“Sau 3 tháng nghiên cứu, vẫn không hiểu tại sao lại quy định hợp đồng mẫu vào luật”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, ông Phan Đức Hiếu bày tỏ và đề nghị mạnh dạn bỏ quy định này. “Hợp đồng là thoả thuận của các bên, trong trường hợp nhà thầu mang đến một hợp đồng chuẩn rồi thì mình cứ bắt họ phải theo hợp đồng của mình hay sao?”, ông Hiếu đặt vấn đề.
Một vấn đề khác cũng khiến cả ông Tuấn và ông Hiếu lên tiếng, đó là quy định ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng dầu khí và các tài liệu kèm theo hợp đồng là tiếng Việt. Trong trường hợp ít nhất một bên ký kết hợp đồng dầu khí là tổ chức, cá nhân nước ngoài, ngoài bản tiếng Việt, hợp đồng dầu khí và các tài liệu kèm theo hợp đồng được ký bằng tiếng nước ngoài thông dụng do các bên thỏa thuận. Bản tiếng Việt và tiếng nước ngoài có giá trị pháp lý như nhau.
Điều này, theo ông Tuấn, khi hai bản dịch có nội dung khác nhau, rất dễ dẫn đến tranh cãi và cả rủi ro về sau, nên cần chọn ưu tiên một ngôn ngữ nếu có khác biệt. Dự thảo luật nên bổ sung quy định, khi có sự khác biệt giữa bản tiếng Việt và tiếng nước ngoài, thì bản tiếng Việt có giá trị pháp lý cao hơn.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, nên để cho các bên lựa chọn một ngôn ngữ cho hơp đồng và đó là hợp đồng gốc. Tiếng Việt rất quan trọng, nhưng đã tiếp cận thông lệ quốc tế thì nên để các bên lựa chọn ngôn ngữ cho hợp đồng gốc.
Cũng quan tâm đến hợp đồng dầu khí, tại tọa đàm góp ý cho Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) vừa được Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, một số chuyên gia cho rằng, cần đặc biệt lưu ý đến các đặc thù khác biệt của hợp đồng dầu khí. Bởi, hợp đồng trong lĩnh này khác với hợp đồng thương mại thuần túy ở chỗ, dầu khí là tài nguyên quốc gia, được khai thác trên biển Đông, cho nên liên quan đến luật pháp quốc tế.
Nếu đạt yêu cầu về chất lượng, Luật Dầu khí (sửa đổi) có thể được thông qua vào kỳ họp thứ tư của Quốc hội (tháng 10/2022).
Thu về hơn 30 tỷ USD chi phí đã đầu tư Tại báo cáo tổng kết thi hành Luật Dầu khí vừa hoàn thành cuối tháng 3/2022, Bộ Công thương cho biết, tổng chi phí đã đầu tư để thực hiện các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí trong các hợp đồng dầu khí từ năm 2000 đến hết năm 2020 ước khoảng 51 tỷ USD. Trong đó, phần đóng góp của các nhà thầu nước ngoài hơn 36 tỷ USD, chiếm 73% tổng chi phí đã thực hiện. Các nhà đầu tư thu về hơn 30 tỷ USD chi phí đã đầu tư. |
Tác giả: Nguyễn Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy