Đánh thức tiềm năng
Hậu Lộc (Thanh Hóa) là một huyện có giàu tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, có lợi thế về đất đai, khí hậu, vị trí địa lí, đặc biệt là những tiềm năng nuôi trồng thủy hải sản trên biển.
Năm 2016, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của Hậu Lộc đạt hơn 2,9 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2010 - 2016 đạt 5,11%/năm.
Năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi tăng về số lượng, chất lượng, hình thành một số vùng sản xuất tập trung với một số sản phẩm có giá trị hàng hóa cao như: Cây ớt, dưa bao tử, dưa hắc mỹ nhân, rau cải chân vịt, lợn, gia cầm, thủy hải sản...
Mặc dù những năm qua ngành nông nghiệp của huyện này đã đạt được những thành tựu đáng kể và có những chuyển biến tích cực trong cơ cấu nông – lâm – thủy sản. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Hậu Lộc lại chưa tương xứng với những tiềm năng mà địa phương đang có.
Bên cạnh đó, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, nhiều sản phẩm chưa gắn kết với thị trường, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa còn thấp, chưa sản xuất theo chuỗi, do đó chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của từng vùng trong huyện.
Thực hiện theo quyết định số 4833/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030,
Đồng thời, thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TU ngày 20/4/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá và quyết định số 2320/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh hóa ngày 24/6/2015 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
Theo đó, huyện Hậu Lộc là một trong những đơn vị đi đầu thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tới nay, huyện đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp huyện Hậu Lộc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đề án này được xây dựng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra sản lượng nông sản hàng hóa đạt chất lượng cao, an toàn thực phẩm, đủ sức để cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Hứa hẹn những bước đột phá
Đề án nông nghiệp của huyện Hậu Lộc xác định 6 cây trồng chủ lực là: cây lúa (lúa chất lượng cao, lúa giống), cây lạc, cây ngô (ngô ngọt, ngô bao tử), cây khoai tây, cây ớt xuất khẩu và cây dược liệu.
Ngoài ra, 7 con vật nuôi chủ lực là lợn (lợn thịt siêu nạc, lợn sữa), gà (gà thịt, gà trứng), bò, thỏ, ngao và tôm (tôm thẻ chân trắng, tôm sú), cá (cá rô phi đơn tính, cá truyền thống) và hải sản khai thác xa bờ.
Cũng theo đề án này, huyện tổ chức sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh và an toàn, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi để kiểm soát sản phẩm, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm chất lượng cao.
Xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với bảo quản, chế biến; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao, sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt. Quan tâm xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả.
Có một số dự án, chương trình sẽ được ưu tiên, chẳng hạn trong lĩnh vực trồng trọt là Chương trình đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến ngư phục vụ phát triển nông nghiệp; Chương trình hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông sản hàng hóa và hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm ; Phát triển sản xuất rau màu hàng hóa an toàn; Phát triển cánh đồng lớn trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao đến năm 2025, định hướng 2030…
Hay trong lĩnh vực chăn nuôi thì có Chương trình xây dựng chuỗi sản xuất - cung ứng sản phẩm chăn nuôi (thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, thỏ…) đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh an toàn; Phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi; Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cho lợn và trâu bò; Xử lý môi trường khu chăn nuôi…
Định hướng đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) nông lâm thuỷ sản đạt 5,61%/ năm, trong đó nông nghiệp tăng 1,76%/ năm (trồng trọt tăng 1,36%/ năm, chăn nuôi tăng 2,11%/ năm, dịch vụ nông nghiệp tăng 0,98%/ năm), lâm nghiệp 0,10%/ năm, thuỷ sản 7,88%/ năm.
Cơ cấu ngành nông lâm thuỷ sản đến năm 2030: Nông nghiệp 32,57% (trong đó trồng trọt 40,87%, chăn nuôi 55,21%, dịch vụ nông nghiệp 3,92%), lâm nghiệp 0,44%, thuỷ sản 66,99%.
Theo dự kiến, tổng vốn đầu tư để thực hiện đề án cả thời kỳ 2017 – 2025 là khoảng 525.744 tỉ đồng. Để có nguồn vốn thực hiện, huyện sẽ huy động vốn ngân sách nhà nước và cả nguồn vốn ngoài ngân sách. Hiện nay, huyện Hậu Lộc đang tích cực kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện ưu tiên cho các doanh nghiệp vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hậu Lộc cho hay: "Hiện nay, huyện đang chờ quyết định phê duyệt dự án của UBND tỉnh. Đây là đề án nằm trong chủ trương chung của tỉnh về thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Địa phương kì vọng đề án sẽ sử dụng hiệu quả quỹ đất sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá nông, lâm sản hàng hoá có giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người lao động, từ đó nâng cao đời sống sinh hoạt cho người dân".
Lương Diễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy