Dòng sự kiện:
Đáp trả thuế quan phủ bóng đen lên đàm phán thương mại Mỹ-Trung
03/09/2019 08:16:02
Các biện pháp thuế quan đáp trả lẫn nhau mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc đã đặt ra những thách thức cho vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung lần này.

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung tiếp tục diễn ra ở Washington, trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đều áp thuế bổ sung lên hàng hóa của nhau. Trong khi Mỹ bắt đầu kế hoạch thu thuế ở mức 15% đối với một số hàng hóa trong danh sách các mặt hàng sẽ bị áp thuế trị giá 125 tỷ USD của Trung Quốc từ ngày 1/9 vừa qua, phía Trung Quốc cũng áp thuế từ 5-10% lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ, chia thành hai đợt, thực thi từ ngày 1/9 và từ ngày 15/12.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định cuộc đàm phán thương mại giữa nước này và Trung Quốc sẽ là một bước đột phá trong cuộc chiến thương mại của hai siêu cường kinh tế, nhưng các biện pháp thuế quan đáp trả lẫn nhau mới nhất này đã đặt ra những thách thức cho vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung lần này.

Hình ảnh minh họa về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ảnh: Shutter Stock.

Vì sao Mỹ tiếp tục áp thuế bổ sung lên hàng hóa nhập từ Trung Quốc?

Nếu dựa trên một loạt các tuyên bố trên Twitter của Tổng thống Donald Trump thì có thể hiểu rằng Mỹ tiếp tục áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc nhằm trả đũa việc Trung Quốc áp thuế đối với 75 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Mỹ. Ngày 23/8, Tổng thống Trump công bố mức thuế mới từ 25 lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào ngày 1/10, và tăng từ 10 đến 15% trên 300 tỷ hàng nhập khẩu, có hiệu lực tùy theo mặt hàng, và có nghĩa là gần như tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị đóng thuế.

Tổng thống Trump cũng kêu gọi các công ty Hoa Kỳ rút ra khỏi Trung Quốc và đi làm ăn ở các nước khác, nhất là quay về Hoa Kỳ.

Việc Mỹ tăng thuế đối với Trung Quốc trước hết là nhằm gây sức ép trong đàm phán thương mại mà hiện giờ vẫn tiếp tục bế tắc. Tổng thống Trump từng cho rằng Trung Quốc đang tìm cách trì hoãn đàm phán cho tới sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 với hy vọng sẽ có thể đàm phán với một Tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ, từ đó sẽ dễ dàng thương lượng về một thỏa thuận thương mại.

Trong bối cảnh cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang sắp tới giai đoạn gấp rút, Tổng thống Trump sẽ tìm mọi cách để buộc Trung Quốc đi tới một thỏa thuận với chính quyền của ông với một số nhượng bộ có lợi cho Mỹ. Và cách tốt nhất theo quan điểm của ông Trump đó là đánh thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không chịu nổi các biện pháp thuế quan của Mỹ thì sẽ phải dần nhượng bộ và tiếp tục đàm phán và nếu Mỹ đạt được một thỏa thuận thương mại có lợi cho nước này thì đây sẽ là một điểm cộng lớn cho Tổng thống Trump trước cuộc bầu cử sắp tới.

Tác động lên nền kinh tế Mỹ-Trung và toàn cầu

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm hẳn lại. Hầu hết các nhà phân tích đều kết luận rằng tăng trưởng GDP Trung Quốc đã giảm đi nhiều - chẳng hạn tăng trưởng GDP quý II năm nay là gần 3% so với dự đoán 6,2%. Xuất khẩu của Trung Quốc đã chậm lại trong khi doanh số bán lẻ thực tế trong nửa đầu năm tăng 6,7%, yếu nhất kể từ năm 2011. Đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc vào sản xuất chỉ tăng 3,0% so với tốc độ tăng trưởng hơn 30% trong giai đoạn 2010-2011.

Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn vì việc làm công nghiệp giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2009. Trong quý II, gần 300 tỷ USD kích thích thông qua cắt giảm thuế và cắt giảm phí của chính phủ Trung Quốc không thể cải thiện niềm tin của giới kinh doanh. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy rất ít doanh nhân tin là hoạt động của họ sẽ tăng lên trong năm tới.

Trong khi đó, về phía Mỹ, Công ty J.P. Morgan (Mỹ) ước tính đợt thuế quan mới nhất của Washington sẽ khiến các hộ gia đình Mỹ mất trung bình 1.000 USD/năm. Hơn 160 tập đoàn công nghiệp đã lên án đợt thuế quan mới của Mỹ đối với Trung Quốc cũng như sự leo thang cuộc chiến thương mại. Ngoài ra, theo phân tích của Công ty Wells Fargo (Mỹ), hơn 30% công ty Mỹ đang đổ lỗi cho thuế quan làm giảm lợi nhuận quý II/2019 của họ.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ hồi tháng 8 cho biết đến năm 2020, thuế quan và cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ làm giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Washington xuống khoảng 0,3%, đồng thời giảm thu nhập trung bình của các hộ gia đình Mỹ xuống khoảng 580 USD.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang phủ bóng đen lên kinh tế thế giới và những dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ suy thoái đã bắt đầu xuất hiện trên các thị trường tài chính. Suy thoái không tạo ra mối đe dọa ngay lập tức đối với các nền kinh tế lớn nhất châu Á, dù tốc độ phát triển của họ cũng đang chậm lại. Tuy nhiên, một số nền kinh tế nhỏ ở khu vực, trong đó có cả Hong Kong và Singapore, chắc chắn sẽ gặp rủi ro, như theo các chuyên gia nhận định.

Thách thức cho việc đạt thoả thuận thương mại giữa hai nước

Thông thường, sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc, thì Bắc Kinh sẽ sớm đưa ra đòn trả đũa tương ứng với thời gian bắt đầu áp dụng giống như phía Mỹ. Tuy nhiên, theo tờ Tin nhanh Tài chính ngày 30/8, khi được hỏi về việc Trung Quốc có dự định đưa ra biện pháp trả đũa tương ứng hay không, vào hôm 29/8, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong chỉ nói Bắc Kinh có đầy đủ các biện pháp trả đũa. Ông Cao Phong cho biết thêm, trong tình hình hiện nay, nên thảo luận yêu cầu phía Mỹ hủy bỏ việc tiếp tục áp thuế bổ sung đối với 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, ngăn chặn chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang...

Chắc chắn các biện pháp đáp trả thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung trong tháng 9 này. Có thể nói rằng hai bên sẽ không thể ngay lập tức đạt được một thỏa thuận thương mại trong vòng đàm phán này, thay vào đó phía Trung Quốc có thể sẽ yêu cầu Mỹ dỡ bỏ toàn bộ thuế quan làm điều kiện cho việc tiếp tục đàm phán, trong khi đó Mỹ sẽ yêu cầu Trung Quốc phải nhượng bộ và thực hiện các cam kết như trước đây đã thảo luận trước khi Mỹ dỡ bỏ các mức thuế hiện tại.

Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã bế tắc nay sẽ càng đi vào con đường luẩn quẩn tìm cách tháo gỡ các vướng mắc ngày càng nhiều khiến căng thẳng tiếp tục gia tăng. Trung Quốc và Mỹ sẽ không dễ dàng nhượng bộ lẫn nhau, hoặc nếu có thì chỉ mang tính tạm thời, còn những vấn đề cốt lõi trong đàm phán thương mại như sở hữu trí tuệ hay việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc từ bỏ chuyển giao công nghệ bắt buộc đối với các công ty Mỹ vẫn chưa được giải quyết, do vậy việc đạt được một thỏa thuận thương mại nhằm chấm dứt chiến tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn khá xa vời.

Theo VOV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến