Theo dự báo từ Công ty CP DKRA Việt Nam (DKRA Vietnam), nguồn cung mới của phân khúc đất nền trong những tháng cuối năm dao động từ 2.000 – 2.500 nền, tập trung chủ yếu ở quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), thị xã Điện Bàn, TP Hội An (Quảng Nam).
Sức cầu chung toàn thị trường dự báo tăng, tập trung vào các dự án có pháp lý đầy đủ, hạ tầng hoàn thiện và đặc biệt các dự án gần khu vực giáp sông sẽ có lợi thế cạnh tranh. Đà tăng giá sơ cấp có thể chững lại trong những tháng cuối năm do những khó khăn chung của thị trường.
Nhiều dự án chuẩn bị đưa vào sử dụng
Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Minh Lý cho hay, theo chương trình phát triển nhà ở được tỉnh thống nhất, TP đăng ký 15 dự án.
“Đến thời điểm hiện nay, tổng dự án đang triển khai và đấu thầu là 7 trong tổng số 15 dự án đăng ký”, ông Lý nói.
Nhiều dự án tại TP Hội An và thị xã Điện Bàn đang dần vào hoạt động
Từ nay đến cuối năm, TP sẽ giao cho nhà đầu tư chủ yếu là đất để đầu tư hạ tầng. Về đất khai thác, tại khu đô thị Tân Hà, hoặc diện tích đất ở đường Điện Biên Phủ nối dài. Những vị trí này sẽ xuất hiện quỹ đất để giao cho nhà đầu tư.
Về giá đất, ông Lý thông tin, thời điểm giá đất sau Tết Nguyên đán vừa qua có “ấm lên”: “Đến thời điểm gần đây, một vài địa điểm xa, nằm ngoài TP, không phải ven sông, biển như phường Thanh Hà có giảm nhưng không quá lớn so với sau Tết Nguyên đán”.
Một chủ đầu tư tại TP Hội An nhìn nhận, việc đất nền cũng như những dự án sát sông, biển được chú trọng là điều có thể dễ thấy sau đại dịch Covid-19. Rõ ràng, người dân cũng như nhà đầu tư đang muốn tìm kiếm những cơ hội mới sau dịch, thời gian tới như là bước đệm cho thị trường bất động sản nơi đây để có thể phát triển hơn vào sang năm.
“Thuận lợi cho các dự án tại TP Hội An cũng như thị xã Điện Bàn một phần về mặt địa lý. Giới đầu tư đang rất quan tâm đến vị trí nam Đà Nẵng này, dịch vụ, di chuyển, cơ sở hạ tầng, du lịch ở đây phát triển mạnh mẽ sau dịch dẫn đến việc nhiều “con mắt” đổ dồn về”, vị này thông tin thêm.
Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho hay, hiện trên địa bàn thị xã có 81 dự án trong Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc và 23 dự án ngoài khu này. Cùng với đó, có 18 dự án là khu dịch vụ, du lịch, nghỉ dưỡng ven biển.
“Tại khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, có 43 dự án đang triển khai thi công, 5 dự án đã bàn giao đưa vào sử dụng; 6 dự án cơ bản hoàn thành”, ông Hà thông tin.
Hiện nay, thị xã có 38 danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở được duyệt trong giai đoạn này, trong đó, đã kêu gọi, lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện các dự án như: Khu dân cư Điện Thắng Nam – Giai đoạn 1, Khu dân cư Phúc Thành – Điện Thắng Nam, Khu dân cư Trung tâm hành chính Điện Phước.
TP Hội An nhìn từ trên cao
Về định hướng quy hoạch, ông Hà cho biết, cần xác định thị xã Điện Bàn sẽ là một đô thị động lực của khu vực bắc Quảng Nam như định hướng của UBND tỉnh Quảng Nam, hướng đến là một đô thị dự trữ quỹ đất, đón đầu sự phát triển, mở rộng của đô thị Đà Nẵng về phía Nam; sẽ là đô thị sinh thái bao gồm cả du lịch, cũng như nông nghiệp công nghệ cao…
“Đồng thời, hiện nay thị xã Điện Bàn cũng đang triển khai 2 đồ án quy hoạch phân khu gồm: Đô thị hỗn hợp – Thương mại dịch vụ Điện Dương với tầm nhìn sẽ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông thị xã và Đô thị Nam Phương tại Điện Minh, Điện Phương, Điện Nam Đông nhằm phát triển khu đô thị sinh thái, du lịch sinh thái tại khu vực này”, ông Hà tiếp lời.
Phát triển dự án nhà ở
Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn chia sẻ, về kêu gọi đầu tư các dự án xây dựng nhà ở tại Điện Bàn, trong giai đoạn hiện nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt 38 danh mục dự án phát triển nhà ở. Ngoài ra, trong giai đoạn 2022-2025, UBND tỉnh cũng đã phân bổ chỉ tiêu kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn thị xã Điện Bàn với hơn 139ha, qua đó, thị xã đang chuẩn bị danh mục để kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư.
Một số ngôi nhà trong khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) đã xây dựng xong và đi vào hoạt động
Ông Hà cũng đưa ra một số khó khăn mà địa phương này đang gặp phải, các đồ án quy hoạch dự báo và định hướng sử dụng đất đai, phát triển không gian chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thực tiễn phát triển nên trong quá trình triển khai thực hiện phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần.
“Việc lập và quản lý quy hoạch giai đoạn trước đây mới chỉ chú trọng vào các khu đô thị mới, các dự án kinh doanh hạ tầng và chủ yếu do các doanh nghiệp thực hiện, nhưng chưa thực sự chú trọng đến các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân (trong khi trên địa bàn thị xã hiện tại có 9 cụm công nghiệp và 1 khu công nghiệp)”, ông Hà nói.
Cùng với đó, các dự án khu dân cư, khu đô thị, khu du lịch tại đô thị Điện Bàn, hiện nay đang trong quá trình hoàn thành dự án đưa vào hoạt động, nhưng hệ thống hạ tầng khung chưa được triển khai đầu tư do thiếu nguồn vốn, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải đô thị; do đó, công tác quản lý khớp nối hạ tầng các dự án, cảnh quan và vệ sinh môi trường gặp nhiều khó khăn.
Tác giả: Công Sáng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy