Dòng sự kiện:
Đấu giá biển số xe: Ý tưởng 'thai nghén' 30 năm sắp được hiện thực hóa
16/06/2023 11:00:06
Sau nhiều vướng mắc về pháp lý và xác định quyền của người trúng đấu giá, từ 1/7 hệ thống đấu giá biển số xe toàn quốc bắt đầu hoạt động sau 30 năm "thai nghén".

"Một cô gái ở huyện Phú Xuyên vừa bấm trúng biển số ngũ quý 9 cho chiếc KIA Morning" - dòng tin tức được lan truyền khắp mạng xã hội kèm hình ảnh chiếc xe hạng A màu vàng chanh khiến Đỗ Trung Hiếu (sinh năm 1993, ở Hà Nội) đứng ngồi không yên.

Vài người trong giới săn lùng biển đẹp sau khi hay tin cũng lập tức lên đường hướng về cửa ngõ phía nam thành phố. Họ mang theo số tiền lớn và sẵn sàng “xuống tay” cả tỷ đồng để sở hữu chiếc xe có giá thị trường chỉ khoảng 400 triệu.

Trong suốt hàng chục năm, thị trường biển số đẹp giao dịch sang tay đã liên tục được thực hiện như vậy mà không có bất cứ số liệu thống kê hay quản lý chính thức nào. Nhà nước thất thu ngân sách, người muốn sở hữu phải “nài nỉ” thuyết phục chủ xe đồng ý bán lại. Việc đấu giá biển số xe được đưa ra bàn thảo, thí điểm nhiều lần nhưng vẫn thất bại bởi nhiều lý do.

Hơn 30 năm sau những đề xuất tiến - lùi, ngày 1/7 tới đây Nghị quyết thí điểm về đấu giá biển số ôtô của Quốc hội chính thức có hiệu lực. Từ đây, người dân cả nước sẽ được quyền được lựa chọn và cạnh tranh để sở hữu những dãy số như ý muốn, gắn trên chiếc ôtô của mình.

Chiếc Kia Morning được anh Hiếu mua lại với giá 2 tỷ đồng. Ảnh: Hồng Quang.

30 năm đề xuất

Trải qua nhiều sự kiện, các chuyên gia cùng chung quan điểm đề án đấu giá biển số xe có 3 mốc thời gian chính. Khởi đầu từ năm 1993, Bộ Công an triển khai kế hoạch "cấp biển số xe tự chọn" hay còn gọi là đấu giá biển số đẹp. Công an Hải Phòng sau đó là đơn vị thí điểm cấp biển số xe theo hình thức tự chọn và có thu lệ phí. Sau hai tháng triển khai, 94 trường hợp đã tự chọn biển số trên tổng số 198 xe đăng ký, chiếm 47%.

Năm 2008, Thủ tướng chấp thuận chủ trương và giao các bộ nghiên cứu triển khai đề án đấu giá biển số. Bộ Công an một lần nữa họp với Bộ Tài chính, Tư pháp, Giao thông Vận tải… để khởi động đề án đấu giá. Tuy nhiên, dự thảo thông tư liên bộ sau đó đã không được ban hành do vướng mắc về cơ sở pháp lý.

Tiếp đến năm 2017, Thủ tướng có quyết định về xây dựng nghị quyết về đấu giá biển số ôtô. Năm năm tiếp theo, sau nhiều lần tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo, ngày 15/11/2022, Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số ôtô đã được gần 95% số đại biểu tại nghị trường Quốc hội bấm nút thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Chiều 15/11/2022, Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số ôtô. Ảnh: Quốc hội.

Hơn 20 năm đầu tiên, nguyên nhân khiến đề án đổ vỡ là những vướng mắc về pháp lý chưa có lời giải, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang. Ngay trong tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về đề án thí điểm đấu giá biển số xe đã có tới 4 chính sách khác với quy định của luật hiện hành. Đáng chú ý theo ông Giang đó là Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành coi biển số xe là tài liệu của cơ quan Nhà nước đồng nghĩa với việc cấm thực hiện các giao dịch mua, bán dân sự.

“Như vậy, việc đấu giá biển số ôtô là chính sách mới, khác với quy định của một số luật hiện hành nên việc trình Quốc hội ban hành nghị quyết thực hiện thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về”, ông Giang nói và cho biết việc xem xét thí điểm đấu giá biển số xe là cần thiết. Điều này thể hiện trên hai khía cạnh. Một là, đối với người dân, nó đáp ứng nhu cầu của họ trong việc lựa chọn, sử dụng biển số đẹp theo quan niệm của từng người. Hai là góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, ngăn ngừa hành vi trục lợi từ việc cấp quyền sử dụng biển số ôtô.

Trong khi đó, từ trước Tết Quý Mão 2023, chị Yến Nhi (ở Hạ Long, Quảng Ninh) dự định bỏ ra hơn một tỷ đồng để sắm một chiếc SUV điện. Tuy nhiên, dự định này đã dừng lại sau khi chị hay tin về cột mốc 1/7 - ngày Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số ôtô chính thức có hiệu lực.

Người phụ nữ 32 tuổi thừa nhận không sẵn sàng chi quá nhiều tiền cho những biển số “siêu đẹp” mà chỉ mong được chọn những dãy số “không quá xấu”, thay vì phó mặc hoàn toàn cho may rủi.

“Đẹp hay xấu mỗi người có quan niệm khác nhau, kho số cũng là rất lớn nên tôi tin mỗi người đều có cơ hội sở hữu được biển số phù hợp với quan niệm của mình. Còn đối với tôi, nhiều khi chỉ cần số “không xấu”, mình bỏ tiền ra đấu giá cũng thấy vui”, chị Nhi nói.

Ứng xử với biển số không phải là một loại hàng hóa của kinh tế thị thường

Trong căn nhà chừng khoảng 100 m2, giữa những phương tiện đủ loại từ ôtô tới xe máy, tất cả có điểm chung là đều gắn trên mình những biển số đặc biệt, anh Đỗ Trung Hiếu (ở Hà Nội) tỏ ra bối rối khi cố nhớ về số biển đẹp mình từng sở hữu. Người đàn ông này là nhân vật tiếng tăm trong giới sưu tầm biển số ở Hà Nội. Không ít trong số đó đã được anh chuyển nhượng cho người cùng chung thú vui.

Khi được hỏi về ngày 1/7 bắt đầu đấu giá biển số, anh Hiếu tỏ ra khá hào hứng và khẳng định sẽ tham gia. Tuy nhiên, anh nói mình còn lăn tăn khi quyền của người trúng đấu giá biển số hiện chưa được hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là khi dự thảo về quản lý biển số theo mã định danh dự kiến cũng có hiệu lực vào ngày 1/7 tới.

Dưới góc nhìn của người sở hữu, anh Hiếu đưa ra quan điểm người trúng đấu giá là chủ sở hữu của tài sản. Họ nên có quyền được định đoạt tài sản của mình bao gồm việc mua, bán, cho, tặng… Đồng thời, cơ quan chức năng cần quy định cụ thể: Người trúng đấu giá biển số xe có được định danh biển số hay không? Nếu không làm được ít nhất một trong 2 điều này, sẽ hạn chế đi nhiều giá trị của biển số.

Trong quá trình xây dựng đề án, luồng ý kiến về quyền của người trúng đấu giá biển số cũng là nội dung được đưa ra thảo luận xuyên suốt các phiên họp của Chính phủ, Quốc hội.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ vào chiều 11/10/2022, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng quyền của người trúng đấu giá biển số ôtô cần được nghiên cứu mở rộng theo hướng cho phép họ được thừa kế, cho, tặng hoặc gắn vào xe mới (khi xe cũ hỏng)… vì nếu được như vậy thì người tham gia đấu giá mới sẵn sàng trả mức giá cao.

“Giới hạn quyền thì họ nghĩ đấu giá xong rồi sau này không được sử dụng gì nhiều, nên chỉ trả mức giá nhất định. Quyền nhiều thì giá trúng thậm chí lên tới tiền tỷ mỗi biển số, còn hạn chế quyền thì có khi chỉ được 200-400 triệu thôi", ông Cường phân tích và đề xuất cân nhắc thí điểm nội dung này.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng lại cho rằng cần thận trọng hơn trong việc trao quyền cho người trúng đấu giá biển số. Theo ông, đây là vấn đề mới, đang triển khai làm thí điểm, chưa hình dung được những hệ quả pháp lý nên cần thận trọng, đặc biệt là về quyền của người trúng đấu giá và người nhận chuyển nhượng.

Cũng theo ông Tùng, biển số xe không chỉ là tài sản thông thường mà còn là công cụ phục vụ quản lý Nhà nước, do vậy mục tiêu cao nhất không phải thu được nhiều tiền thông qua đấu giá, mà cần có sự hạn chế phù hợp để phục vụ quản lý.

Là đơn vị tham mưu soạn thảo nghị định, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT) cho biết ban đầu cơ quan này nghiên cứu hai phương án. Trong đó, phương án thứ nhất là người trúng đấu giá sẽ được sử dụng, không được phép chuyển nhượng biển số. Ở phương án hai, người trúng đấu giá biển số xe được sử dụng, chuyển nhượng, thế chấp biển số trúng đấu giá.

Tuy nhiên, do đây là đề án thí điểm đồng thời biển số xe không phải là một loại hàng hóa thông thường của kinh tế thị trường mà nó là sự giao thoa giữa quản lý Nhà nước và nhu cầu của người dân, do vậy cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu đưa ra phương án thỏa mãn hài hòa cả 2 yêu cầu này.

Khi dự thảo quản lý định danh biển số được ban hành, chỉ biển số trúng đấu giá mới được phép bán xe kèm theo biển. Ảnh: Hồng Quang.

“Người trúng đấu giá biển số hoàn toàn được định danh biển số. Đồng thời, khi dự thảo quản lý định danh biển số được thông qua, chỉ có biển số trúng đấu giá mới được bán xe kèm biển, các xe gắn biển thông thường khi bán bắt buộc phải nộp lại và bị thu hồi biển số”, đại diện Cục CSGT nói và khẳng định đây là yếu tố đảm bảo quyền lợi cho người trúng đấu giá.

Quá trình soạn thảo nghị định, đại diện Cục CSGT cho biết để có được 3 trang Nghị quyết đã được thông qua, là hàng nghìn trang tài liệu, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến hoàn chỉnh. Những nỗ lực đó của họ cùng sự phối hợp của các đơn vị liên quan, nay đã chuyển hóa thành những phiên đấu giá sắp được bắt đầu mà như ông Nhật nói, đó là việc “vừa hợp lòng dân vừa có lợi cho ngân sách Nhà nước”.

Tác giả: Hồng Quang

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến