Dòng sự kiện:
Dầu khí, ngân hàng kéo VN-Index trở lại, cổ phiếu thép tiếp tục lùi sâu
14/06/2022 15:01:17
Tưởng chừng ảnh hưởng từ các thị trường bên ngoài sẽ tiếp tục "đánh gục" VN-Index sau phiên lao dốc hôm qua, nhưng sự nâng đỡ của nhóm dầu khí, cùng một số mã ngân hàng giúp chặn đà rơi của thị trường.

Kết thúc phiên hôm qua, VN-Index ghi nhận đã giảm gần 80 điểm chỉ trong hai ngày gần nhất, niềm tin vào sự hồi phục của thị trường sau nhịp rơi hơn 300 điểm cách đây hơn 1 tháng đã hoàn toàn tan vỡ.

Tâm lý không lạc quan còn thể hiện ở lực cầu giá thấp cũng rất ít, một loạt mã “trắng bên mua” trên bảng điện tử là chỉ dấu cho điều này.

Nếu nhà đầu tư tin rằng vẫn còn những cơ hội thì sức mua sẽ khác, nhưng khi mà không ít nhà đầu tư đã đóng bảng, xóa app thì số nhà đầu tư còn lại không vực nổi thị trường.

Chỉ còn 38 mã tăng điểm trên sàn HOSE, con số này thậm chí chỉ bằng gần 1/4 số mã giảm sàn (162 mã), thanh khoản chỉ nhích nhẹ so với phiên cuối tuần khi đạt giá trị giao dịch hơn 18.000 tỷ đồng.

Dấu hiệu lực cầu yếu này còn cho thêm một khả năng nữa đó là thị trường còn có thể giảm tiếp.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 14/6, thị trường vẫn chịu áp lực từ sớm, VN-Index rơi nhanh hơn 15 điểm về gần 1.210 điểm và bật lên gần tham chiếu chỉ trong ít phút, trước khi lùi về gần 1.215 điểm và tiếp tục nhích lên sau hơn 1 giờ giao dịch.

Tuy không chịu cảnh bán tháo như phiên hôm qua, nhưng gần như tất cả các nhóm ngành đều tiếp tục lùi bước, trong đó các cổ phiếu thép đang chịu tác động mạnh với HPG, HSG, NKG đang thuộc top giảm mạnh và khối lượng giao dịch cao nhất sàn. HPG lùi về vùng giá 31.000 đồng, mức thấp nhất hơn 16 tháng.

Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán cũng nhuốm màu đỏ, và không ít đang giảm sâu, mất từ hơn 3% đến gần 6% như APG, FTS, ORS, TVB, VND.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng le lói một vài sắc xanh nhạt tại STB, SHB, BID, ACB, HDB, còn lại cũng đang giao dịch dưới tham chiếu, nhưng may mắn là phần lớn chỉ giảm trên dưới 1%.

Đặc biệt, nhóm dầu khí đã trở lại mạnh mẽ theo đà tăng của giá dầu thô. Giá dầu thô Brent hiện đang giao dịch trên ngưỡng 122 USD/thùng. Sự trở lại của nhóm dầu khí cùng sự giúp đỡ của một số mã ngân hàng và một vài mã lớn khác giúp VN-Index không giảm sâu như hôm qua, dù sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện tử.

Sau đó, nỗ lực bắt đáy và sự kỳ vọng cũng đã giúp nhiều mã lấy lại sắc xanh, trong đó một số cổ phiếu bật mạnh với giao dịch tương đối sôi động như ANV, TNH, HAG, LHG, GEG, REE, VGC, HDG, SAM, PVD với mức tăng trên dưới 3%.

Sau nửa đầu phiên giảm nhanh, VN-Index đã dần tìm lại được sự cân bằng, thậm chí đã có thời điểm còn tăng điểm trước khi lùi về sát tham chiếu khi kết phiên.

Sức bật của thị trường nhờ một số bluechip tìm về được sắc xanh, trong khi số khác cũng thu hẹp đà giảm, tuy vậy, tác động phần lớn do cung giá thấp được tiết giảm, còn cầu bắt đáy không quá cao, dòng tiền chủ yếu đứng ngoài khiến thanh khoản tiếp tục suy giảm mạnh.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 164 mã tăng và 278 mã giảm, VN-Index tăng 1,28 điểm (+0,10%), lên 1.228,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 297,4 triệu đơn vị, giá trị gần 7.998 tỷ đồng, giảm 27% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 26 triệu đơn vị, giá trị 896,7 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cân bằng hơn là động lực chính của diễn biến VN-Index những phút cuối, khi có 14 mã tăng, 14 mã giảm cùng ACB, VCB đứng tham chiếu.

Trong đó, nổi bật là GAS khi +3,4% lên 122.000 đồng, là cổ phiếu tăng tốt nhất nhóm và đóng góp cho VN-Index gần 2 điểm tích cực.

Tiếp theo là FPT +3% lên 88.800 đồng, PLX +1,9% lên 42.800 đồng, các cổ phiếu PNJ, MWG, BVH, STB, BID nhích trên dưới 1,5%.

Ở chiều ngược lại, TPB -2,9% xuống 26.850 đồng, HPG thu hẹp đà giảm, chỉ còn -2,7% xuống 30.950 đồng, SSI -2,7% xuống 25.250 đồng, PDR -2,2% xuống 48.980 đồng. Các cổ phiếu lớn khác như VJC, VHM, VJC, MSN, SAB, POW giảm nhẹ.

Trong đó, HPG và POW là hai cổ phiếu giao dịch sôi động nhất và cũng lớn nhất HOSE với 13,6 triệu và 10,4 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một số cổ phiếu nhận dòng tiền tốt và tăng mạnh, điển hình là VGC và ANV, khi đều tăng kịch trần lên 49.950 đồng và 54.600 đồng, khớp lệnh VGC có 1,78 triệu đơn vị và ANV khớp hơn 1,21 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu tăng mạnh khá đáng kể khác có PVD, HAG, DPM, HDG, CNG, SAM, PAN, DXG, GMD, AAM, MIG, CTD, DCM, khi tăng từ 2,8% đến hơn 4%. Sắc xanh khác còn có tại GEX, IDI, ASM, ITA, HBC, KBC, NT2, CII…dù mức tăng chỉ khiêm tốn.

Thanh khoản các cổ phiếu kể trên thuộc nhóm cao nhất sàn, phần lớn khớp từ hơn 1 triệu đến gần 6 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, vẫn còn nhiều cổ phiếu giảm sâu, như PTB, DXS, VPG, KSB, KHG, DQC, DGW, TCD, VPH, DBC, TGG, TSC, DRH…với mức giảm từ gần 4% đến hơn 6,5%.

Về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu thép ngoài HPG thu hẹp đà giảm thì NKG cũng tương tự, -2,7% xuống 21.350 đồng, SMC -1,6% xuống 24.400 đồng, nhưng vẫn giảm mạnh là TLH -3,1% xuống 10.800 đồng, POM -3,2% xuống 8.130 đồng, và HSG -4,2% xuống 19.300 đồng.

Nhóm công ty chứng khoán với ORS -3%, TVS -3,7%, TVB -4,1%, FTS -4,1%, APG -5,2%, các cổ phiếu còn lại cũng đều giảm, với VND -2,9%, CTS -2,4%, VCI -2,2%, VIX -1,3%, BSI -1,3%, VDS giảm nhẹ 0,8%...

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau nửa đầu phiên giao dịch dưới tham chiếu cũng đã bật lên trên tham chiếu nhờ nhóm cổ phiếu giao dịch sôi động nhất đều đảo chiều tăng.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 82 mã tăng và 97 mã giảm, HNX-Index tăng 1,90 điểm (+0,66%), lên 290,27 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 38,2 triệu đơn vị, giá trị 805,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 1 triệu đơn vị, giá trị 21,4 tỷ đồng.

Các cổ phiếu nổi bật trong phiên này có PVS +5,9% lên 28.800 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 6,83 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó là TAR +7,3% lên 28.000 đồng, KLF +6,1% lên 3.500 đồng, PVC +4,8% lên 21.700 đồng, TNG +4% lên 28.800 đồng, CEO +3,2% lên 35.400 đồng.

Các cổ phiếu SHS, IDJ, IDC, LAS, MBG, KVC, PVL, VKC cũng đều tăng điểm. Đáng chú ý khác là THD +6,8% lên 41.000 đồng, khớp 0,15 triệu đơn vị.

Trái lại, MST là cổ phiếu giảm sâu nhất, lùi về giá sàn -9,7% xuống 12.100 đồng, HUT -3,6% xuống 26.900 đồng, BBS -5,3% xuống 12.500 đồng, DST -4% xuống 7.200 đồng...

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng kết phiên trong sắc xanh, dù chỉ là xanh nhạt sau nửa đầu phiên rung lắc.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,23 điểm (+0,26%), lên 90,76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,1 triệu đơn vị, giá trị 731,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,25 triệu đơn vị, giá trị 128,4 tỷ đồng.

Bảng điện tử phân hóa mạnh, với BSR, OIL, PAS, LMH, LTG, BVB nhích lên, với BSR +6,4% lên 31.500 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với 15,3 triệu đơn vị.

Còn PAS biến động mạnh, khi mở cửa ở mức giá sàn và tăng vọt lên mức giá trần, trước khi bị đẩy ngược xuống, chỉ còn +1,5% lên 13.300 đồng, khớp 0,96 triệu đơn vị.

Ngược lại, C4G, VHG, SBS, ABB, VGT, DDV, VGI, DRI, G36 giảm, dù phần lớn cũng chỉ giảm nhẹ, cùng với đó CEN, PFL, FTM, NED, CDO, MSR đứng tham chiếu.

Tác giả: Lạc Nhạn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến