Dòng sự kiện:
Đâu là những rủi ro lớn nhất cho thị trường tài chính vào năm 2020?
12/11/2019 14:12:24
Chứng khoán Mỹ có thể đang ở mức kỷ lục khi năm 2019 dần trôi qua, nhưng chưa gì Phố Wall đã bắt đầu đưa ra những lời cảnh báo về hàng loạt rủi ro tác động đến thị trường trong năm 2020.

Torsten Slok, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Deutsche Bank, đã gửi cho khách hàng một danh sách bao gồm 20 rủi ro tác động đến nền kinh tế và thị trường trong năm 2020.

Đứng đầu trong danh sách trên là “sự gia tăng không ngừng của bất bình đẳng giàu có” – vốn là vấn đề hàng đầu và trung tâm trong các cuộc tranh luận bầu cử hiện nay. Các ứng cử viên Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ Elizabeth Warren và Bernie Sandersđã kêu gọi áp thêm thuế lên tầng lớp giàu có nhất của nước Mỹ để thu hẹp khoảng cách giàu có.

“Cuộc thương chiến và vụ luận tội đang là rủi ro ngắn hạn có thể được giải quyết trước khi năm 2019 kết thúc, trong khi tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng làm một diễn biến dài hạn có thể được giải quyết trong tương lai”, Slok nói với CNBC.

Một số chuyên gia trên Phố Wall cho rằng sự trỗi dậy của bà Warren trong cuộc chạy đua cho chức Tổng thống Mỹ dần dần trở thành mối lo ngại mới của thị trường. Tỷ phú Paul Tudor Jones và nhà đầu tư kỳ cựu Leon Cooperman gần đây cảnh báo thị trường sẽ điều chỉnh nếu bà Warren đắc cử Tổng thống Mỹ.

Bất ổn thương mại

Mặc dù căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm bớt trong thời gian gần đây khi hai bên cố gắng hoàn tất thỏa thuận thương mại giai đoạn một, nhưng căng thẳng vẫn còn. Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa phủ bóng đen hoài nghi về những tiến triển gần đây của cuộc đàm phán thương mại, cho rằng ông không đồng ý rút lại hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, dập tắt hy vọng hai bên sắp tiến tới một giải pháp.

Chính quyền Trump đã áp thêm thuế lên hơn 500 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh áp thuế lên 110 tỉ USD hàng hóa Mỹ. Trung Quốc đã thúc giục Mỹ gỡ bỏ hàng rào thuế quan như là một phần của thỏa thuận giai đoạn 1.

Deutsche Bank sợ rằng sự bất ổn của cuộc chiến thương mại sẽ tiếp tục đè nặng lên chi tiêu doanh nghiệp.

“Điều mấu chốt là nhà đầu tư cần xét tới khả năng môi trường cho chi tiêu tiêu dùng và chi tiêu vốn có thể thay đổi khi một số chính sách có thể không được triển khai trong vài năm tới”, Slok cho biết. “Chính sách công và các thay đổi tiềm năng đến chính sách công là những yếu tố đầu vào quan trọng đối với bất kỳ quyết định đầu tư nào”.

20 rủi ro tác động đến thị trường trong năm 2020
  1. Bất bình đẳng giàu có, bất bình đẳng thu nhập và bất bình đẳng y tế tăng không ngừng.

  2. Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vẫn chưa được ký kết, những bất ổn kéo dài về những gì xảy ra sau thỏa thuận giai đoạn 1.

  3. Sự không chắc chắn về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tiếp tục đè nặng lên quyết định chi tiêu vốn của các doanh nghiệp.

  4. Tăng trưởng chậm chạp ở Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản châm ngòi cho sự tăng giá của đồng USD.

  5. Sự không chắc chắn về vụ luận tội và khả năng Chính phủ Mỹ đóng cửa.

  6. Sự không chắc chắn về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ; tác động của nó đến thuế, quy định và chi tiêu vốn.

  7. Quy định chống độc quyền, bảo mật và công nghệ.

  8. Người nước ngoài không còn thèm khát tín dụng và trái phiếu Chính phủ Mỹ sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.

  9. Sự mở rộng tài khóa theo kiểu lý thuyết kinh tế vĩ mô hiện đại (MMT) thúc đẩy tăng trưởng đáng kể ở Mỹ và/hoặc châu Âu.

  10. Nợ Chính phủ Mỹ bắt đầu tác động đến lãi suất kỳ hạn dài.

  11. Sự trật khớp giữa cung và cầu tín phiếu Kho bạc Mỹ và có thêm một đợt tăng vọt của lãi suất repo tại Mỹ.

  12. Fed do dự khi giảm lãi suất trong năm 2020.

  13. Các điều kiện tín dụng thắt chặt với sự khác biệt thể hiện rõ giưữa bậc tín nhiệm doanh nghiệp CCC và BBB.

  14. Các điều kiện tín dụng thắt chặt với sự khác biệt thể hiện rõ giưữa bậc tín nhiệm tiêu dùng CCC và BBB.

  15. Thiên thần gãy cánh: Ngày càng nhiều công ty bị hạ bậc xuống BBB.

  16. Việc có ngày càng nhiều nợ có lợi suất âm thôi thúc nhà đầu tư toàn cầu tìm kiếm lợi suất ở tín dụng Mỹ.

  17. Sự suy giảm của lợi nhuận doanh nghiệp làm giảm lượng tiền để mua lại cổ phiếu quỹ.

  18. Sự suy giảm của ngành xe hơi toàn cầu gây ra rủi ro cho nền kinh tế và thị trường toàn cầu.

  19. Sự sụp đổ giá nhà ở tại Australia, Canada và Thụy Điển.

  20. Bất ổn Brexit kéo dài.

Nguồn: Deutsche Bank

Theo FILI

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến