Chỉ số phục hồi nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng và các trụ đỡ như VNM, GAS, MSN, VIC.
Tập đoàn Ô tô Trường Hải chuẩn bị phát hành 30,3 triệu cổ phiếu với giá 128.500 đồng/cổ phiếu. (Ảnh: TL)
Tiền đã vào thị trường dẫu khó biết chính xác liệu các tổ chức và tay chơi cá nhân lớn đã thật sự nhập cuộc, hay vẫn là tiền nhỏ lẻ tận dụng cơ hội đầu cơ. Thông thường sau một kỳ nghỉ dài, thị trường thiên về xu hướng hứng khởi. Vấn đề còn lại là sự hứng khởi kéo dài bao lâu.
Cơ quan quản lý và các ban, ngành đang tích cực “úy lạo” thị trường. Phát biểu của các chuyên gia tài chính đều nhấn mạnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang ổn định, từ tỷ giá, lạm phát đến lãi suất đều phát đi tín hiệu lạc quan. Những tác động bên ngoài như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có tiếp tục điều chỉnh lãi suất, đàm phán Mỹ - Trung về thương mại, tăng trưởng của kinh tế toàn cầu chậm lại, nhất là từ Trung Quốc, dường như không còn phủ bóng lên tâm lý ngập ngừng của nhà đầu tư nội. “Tinh thần chứng khoán” - nếu có thể gọi như vậy - đang được nỗ lực “hâm nóng”.
Một thông tin đáng chú ý là tập đoàn Ô tô Trường Hải chuẩn bị phát hành 30,3 triệu cổ phiếu với giá 128.500 đồng/cổ phiếu cho đối tác ngoại Jardine Cycle & Carriage, thu về gần 3.900 tỉ đồng, tương đương 167 triệu đô la Mỹ. Đây là khoản “xông đất” đầu năm của khối ngoại và cho thấy dòng vốn FII vẫn đang hướng tới các doanh nghiệp tư nhân tầm cỡ. Tuy nhiên, vốn ngoại có nhắm đến các đợt IPO doanh nghiệp nhà nước hay không lại là câu chuyện khác. Trường Hải kinh doanh rất hiệu quả với lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 13.800 tỉ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ. Nhìn vào khối quốc doanh, không có doanh nghiệp nào thuần túy 100% vốn nhà nước có mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng đến thế.
Tiền cho chứng khoán nhìn từ trường hợp của Trường Hải là tương đối dồi dào. Nhưng tiền thông minh chỉ đang ngắm nghía những doanh nghiệp “vùng trũng” chưa niêm yết, còn các công ty trên sàn vẫn đang chật vật thu hút vốn. Không phải trên sàn không có các doanh nghiệp hiệu quả, chỉ là những địa chỉ có truyền thống kinh doanh hiệu quả đang “quá cũ” và khó duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 30-40%/năm, điều mà cả nhà đầu tư nội lẫn ngoại chăm chăm tìm kiếm. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán năm 2018 đã bằng 70% GDP - mục tiêu mà chúng ta đặt ra cho năm 2020, tức chứng khoán đã đạt mục tiêu này trước hai năm. Thị trường đang lớn lên - không ai nghi ngờ điều đó. Song tiền đổ vào chứng khoán chưa lớn lên tương ứng. Thay vào đó, tiền vẫn được ưu tiên đầu tư vào bất động sản, gửi tiết kiệm.
Song song với mở rộng quy mô thị trường, gia tăng hàng hóa, tức gia tăng lựa chọn cho nhà đầu tư, một trong những mục tiêu cần phải được ưu tiên làm ngay và tập trung sức lực để thực hiện là hút tiền nhàn rỗi của dân cư vào chứng khoán. Mục tiêu này xem ra có vẻ kỳ lạ vì từ trước đến nay chứng khoán vẫn chưa được nhìn nhận một cách đúng đắn như chức năng huy động vốn của nó. Ngoài ra sự biến động mạnh, mang tính bầy đàn, tâm lý đầu cơ, chụp giật đã khiến chứng khoán trở thành một kênh đầu tư đầy rủi ro và không hấp dẫn người dân. Các bộ, ngành, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm chọn các năm là năm cải thiện môi trường đầu tư, xóa bỏ giấy phép con, thủ tục hành chính... Vậy thì tại sao cơ quan quản lý lại không có một năm với mục tiêu cụ thể: hút tiền vào chứng khoán. Phải xem trọng vấn đề tạo dòng tiền vào chứng khoán quan trọng ngang bằng như ngành ngân hàng đã lấy năm 2018 làm một trong những thời điểm cơ bản xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Chứng khoán không thể tăng trưởng bằng những lời vận động suông. Những cải thiện về cơ chế, chính sách của lĩnh vực chứng khoán thường rất chậm chạp, kéo dài và không đúng thời điểm. Chung quy lại vẫn là công tác quản lý yếu kém, mà cái gì quản lý không được thì cấm, hoặc trì hoãn dài hơi không cho làm. Chẳng hạn, đến tận giờ mà cứ phải có đủ tiền trong tài khoản nhà đầu tư mới được mua chứng khoán; hoặc phải có cổ phiếu trong tài khoản nhà đầu tư mới được bán, trong khi tiền bán hoặc cổ phiếu chắc chắn về tài khoản của họ sau T+2. Tiền bán chứng khoán nhà đầu tư có thể ứng trước (với lãi suất rất cao), nhưng cổ phiếu đã mua thì không có cách gì ứng trước để giao dịch nếu cần. Những kỹ thuật đơn giản vậy mà bao nhiêu năm vẫn chưa giải quyết được, thử hỏi hấp dẫn tiền vào chứng khoán cách nào?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính và HOSE, HNX cần lấy năm 2019-2020 là năm thu hút tiền vào chứng khoán. Đấy mới là gốc rễ để tiến hành thành công cổ phần hóa, IPO doanh nghiệp nhà nước. Cần có những đợt vận động sâu rộng, những chiến dịch tiếp thị rầm rộ, hiệu quả về vai trò của chứng khoán với nền kinh tế, về kênh đầu tư tài chính này để thay đổi cách nhìn của xã hội. Chứng khoán không phải sòng bài, đó là sân chơi kinh tế, minh bạch, công bằng, khoa học cho mọi đối tượng. Trách nhiệm nặng nề của cơ quan quản lý thị trường chính là ở đây.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy